Phát huy sức mạnh tổng hợp, vì mục tiêu nâng cao chất lượng bảo đảm ăn, mặc của bộ đội

Ngày 25-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34/SL thành lập các cơ quan Bộ Quốc phòng (BQP), trong đó có Quân nhu Cục (nay là Cục Quân nhu (CQN) thuộc Tổng cục Hậu cần (TCHC).

Ngày đầu thành lập, Quân nhu Cục chỉ có 60 cán bộ, nhân viên, được BQP giao nhiệm vụ: “Thu mua, tập trung phân phối tiếp tế quân lương, quân trang, đồng thời phụ trách việc chế tạo các loại quân trang cho bộ đội”. Chỉ trong thời gian ngắn, ngành quân nhu đã nhanh chóng phát triển về mọi mặt, được tổ chức rộng khắp. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, ngành quân nhu đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “...Phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải... phải đi thẳng đến chiến sĩ, đó là bổn phận của các chú...”. Toàn ngành đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, huy động, bảo đảm cho chiến dịch 14.950 tấn gạo, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 1.043 tấn thực phẩm khác; bố trí được tuyến tiếp tế lương thực, thực phẩm (LTTP), đào bếp Hoàng Cầm nấu cơm ngay trong chiến hào, góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ năm 1965 đến 1975, ngành quân nhu với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các lực lượng khác đã bảo đảm gần 1,7 triệu tấn LTTP, quân trang, quân dụng, tạo điều kiện quan trọng để Quân đội ta mở nhiều chiến dịch trên khắp các chiến trường, giành nhiều thắng lợi to lớn mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chỉ huy Cục Quân nhu kiểm tra công tác tăng gia tại Lữ đoàn 679 (Vùng 1 Hải quân). Ảnh: QUANG HIỆU

Chỉ huy Cục Quân nhu kiểm tra công tác tăng gia tại Lữ đoàn 679 (Vùng 1 Hải quân). Ảnh: QUANG HIỆU

Bước vào thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Quân ủy Trung ương (QUTƯ), BQP, trực tiếp là Đảng ủy, chỉ huy TCHC, ngành quân nhu đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về công tác bảo đảm hậu cần nói chung, công tác bảo đảm quân nhu (BĐQN) nói riêng; tích cực, chủ động đổi mới phương thức bảo đảm phù hợp với tình hình mới; đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ, cải tiến trang thiết bị đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội chính quy. Tháng 12-2006, CQN đã tham mưu với cấp trên phát động Phong trào thi đua “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”. Qua 15 năm triển khai thực hiện, phong trào được toàn quân sôi nổi hưởng ứng, có sức lan tỏa sâu rộng, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng ngành quân nhu chính quy, vững mạnh.

Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, ngành quân nhu đã có nhiều đổi mới, tích cực, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn bảo đảm đầy đủ, kịp thời vật chất quân nhu cho các nhiệm vụ. CQN đã chủ động tham mưu điều chỉnh mức tiền ăn; đẩy mạnh tăng gia sản xuất, góp phần cải thiện đời sống bộ đội; tích cực đầu tư nghiên cứu cải tiến các mặt hàng quân trang, trang thiết bị nhà ăn, nhà bếp, dụng cụ cấp dưỡng... Cục chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt việc sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống bếp lò hơi cơ khí; đề xuất triển khai kế hoạch lắp đặt bếp điện, bếp dầu thay thế theo lộ trình, xây dựng nhà ăn, nhà bếp chính quy. Đến nay, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành quân nhu phát triển đồng bộ cả về số lượng và chất lượng, đúng tổ chức biên chế...

Bộ đội Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325, Quân đoàn 2) chăm sóc vườn rau. Ảnh: VĂN CHIỂN

Trước yêu cầu xây dựng quân đội ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, đòi hỏi toàn ngành phải tập trung xây dựng tổ chức vững mạnh, đủ năng lực đáp ứng nhiệm vụ. CQN xác định phải thường xuyên quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, hậu cần nhân dân; tập trung quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, nhất là Nghị quyết số 623-NQ/QUTW của QUTƯ về công tác hậu cần quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Chú trọng nâng cao khả năng BĐQN cho SSCĐ và các nhiệm vụ đột xuất; ưu tiên bảo đảm cho các lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt, các đơn vị đứng chân trên địa bàn trọng yếu, mới thành lập, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Cùng với đó, cục tiếp tục đề xuất điều chỉnh lượng vật chất quân nhu dự trữ ở từng cấp theo quy định, bảo đảm tốt quân nhu trong thời bình và sẵn sàng chuyển sang bảo đảm khi có chiến tranh.

CQN tiếp tục hoàn thiện phương thức bảo đảm phù hợp với nền kinh tế đất nước; chỉ đạo toàn ngành phát huy sức mạnh tổng hợp, khai thác triệt để các nguồn lực; quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả các nguồn ngân sách; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, SSCĐ và chiến đấu. Đồng thời, đầu tư nghiên cứu cải tiến, nâng cao chất lượng trang bị nhà ăn, nhà bếp, dụng cụ cấp dưỡng và trang bị quân nhu dã ngoại theo hướng chính quy, tốt, gọn, nhẹ, tiện cơ động, thống nhất. Cục chỉ đạo toàn ngành làm tốt công tác quản lý, xây dựng ngành vững mạnh, cập nhật những vấn đề mới về lý luận và thực tiễn để huấn luyện lực lượng quân nhu giỏi về tham mưu, nắm chắc điều lệ, nguyên tắc bảo đảm trong các loại hình chiến tranh, hình thức tác chiến trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các sáng kiến vào thực tiễn công tác, không ngừng nâng cao chất lượng công tác chỉ huy, quản lý, điều hành và BĐQN. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, có trình độ, năng lực, thái độ phục vụ tận tình, tất cả vì mục tiêu nâng cao chất lượng bảo đảm ăn, mặc của bộ đội.

Thiếu tướng AN PHƯƠNG NAM, Cục trưởng Cục Quân nhu-Tổng cục Hậu cần

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/phat-huy-suc-manh-tong-hop-vi-muc-tieu-nang-cao-chat-luong-bao-dam-an-mac-cua-bo-doi-654923