Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tạo nền tảng một nước công nghiệp hiện đại

Ngày 12/1/2011, tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam đã trọng thể khai mạc với sự tham dự của 1.377 đại biểu, đại diện cho hơn 3,6 triệu đảng viên sinh hoạt ở gần 54.000 tổ chức cơ sở đảng.

Mỗi kỳ Đại hội Đảng luôn là một mốc son quan trọng trong lịch sử của đất nước, của dân tộc. Đại hội Đảng XI cũng có vai trò và sứ mệnh lịch sử to lớn là trên cơ sở nhìn lại hơn 80 năm ra đời, chiến đấu, trưởng thành, lãnh đạo cách mạng, căn cứ tình hình trong nước và quốc tế, Đại hội thảo luận, bổ sung và phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991); quyết định Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011- 2020; kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X và quyết định phương hướng, nhiệm vụ của Đảng, của đất nước trong 5 năm tới.

Vai trò và sứ mệnh lịch sử

Trình bày Báo cáo của BCH Trung ương (khóa X) về các văn kiện Đại hội XI, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nêu rõ: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng được tổ chức vào lúc toàn Đảng, toàn dân ta kết thúc thắng lợi 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991 - 2011) và 25 năm đổi mới.

BCH Trung ương trình Đại hội các văn kiện gồm: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; Báo cáo chính trị; Báo cáo một số vấn đề về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng và Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Trung ương Đảng khóa X.

Các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Ảnh: TTXVN

Trong quá trình chuẩn bị Đại hội, các dự thảo văn kiện Đại hội đã được thảo luận, góp ý tại đại hội đảng bộ các cấp, được công bố rộng rãi để lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội, các thành viên, hội viên của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các đồng chí lão thành cách mạng, các nhân sĩ, trí thức, đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước, đồng bào ta định cư ở nước ngoài và đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp quý báu, đầy tâm huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với Đảng, với đất nước, mong muốn Đảng ta ngày càng vững mạnh, đất nước ta ngày càng phát triển. BCH Trung ương đã tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý, xác đáng để bổ sung, hoàn chỉnh làm cho các văn kiện trình Đại hội thật sự là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, đồng thời để chỉ đạo trong hoạt động thực tiễn.
Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương, ba văn kiện quan trọng mà Đại hội XI thảo luận và thông qua đã chứng tỏ ý nghĩa, tầm quan trọng của kỳ Đại hội này. Đó là các văn kiện mang tính dài hạn (Cương lĩnh), trung hạn (Chiến lược phát triển 10 năm) và ngắn hạn (Báo cáo Chính trị về phương hướng nhiệm vụ 5 năm tới).

Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tổng kết những thắng lợi vĩ đại và những bài học kinh nghiệm lớn của cách mạng nước ta 80 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, phân tích sâu sắc bối cảnh quốc tế, những đặc điểm trong giai đoạn hiện nay của thời đại; khẳng định cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng sẽ có bước tiến mới; theo tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới CNXH. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) chỉ rõ: Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.

Vậy xã hội XHCH mà nhân dân ta xây dựng sẽ là gì? Cương lĩnh cũng chỉ rõ: Đó là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.

Trên cơ sở những quan điểm cơ bản và định hướng lớn của Cương lĩnh, xuất phát từ yêu cầu và dự báo tình hình thực tế của đất nước trong thời gian tới, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 được xác định là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo định hướng XHCN.

Mục tiêu tổng quát là phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.

Chiến lược đã xác định 3 khâu đột phá gồm: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Bên cạnh Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Trung ương khóa X, Báo cáo Chính trị tại Đại hội XI cũng có một nét mới khi bao gồm cả báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và báo cáo xây dựng Đảng như thường lệ. Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông thì việc cải cách này thể hiện sự đổi mới trong công tác lãnh đạo của Đảng, không sa đà vào bàn các chỉ tiêu cụ thể như kế hoạch hàng năm, mà chỉ đề ra phương hướng, nhiệm vụ và những mục tiêu chủ yếu. Theo đó, mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới là: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN

Trong báo cáo trình Đại hội, BCH Trung ương khóa X đã xác định: Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là tiền đề quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, là một trong ba đột phá chiến lược trong 10 năm tới.

Đại hội XI của Đảng có chủ đề: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; vừa vận động theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của CNXH; trong đó, cơ chế thị trường được vận dụng đầy đủ, linh hoạt để phát huy mạnh mẽ, có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh; trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đồng thời giữ vững, tăng cường tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế; phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối theo hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.

Bảo đảm vai trò quản lý, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa bằng pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các nguồn lực kinh tế.

Để thực hiện các định hướng trên, Báo cáo của BCH Trung ương khóa X đã nêu các giải pháp: (1) Phát triển mạnh các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách về sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện đối với đất đai, tài nguyên, vốn và các tài sản công để các nguồn lực này được quản lý, sử dụng có hiệu quả.

Đẩy mạnh đổi mới, cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước; xây dựng một số tập đoàn kinh tế mạnh, đa sở hữu, trong đó sở hữu nhà nước giữ vai trò chi phối. Cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước để doanh nghiệp nhà nước thực sự trở thành nòng cốt của kinh tế nhà nước. Phát triển mạnh kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã. Khuyến khích phát triển mạnh kinh tế tư nhân, loại hình doanh nghiệp sở hữu hỗn hợp theo quy hoạch và quy định của pháp luật. Thu hút đầu tư nước ngoài có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường.

(2) Phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường. Phát triển đa dạng, đồng bộ, ngày càng văn minh, hiện đại các thị trường hàng hóa, dịch vụ. Phát triển vững chắc thị trường tài chính với cơ cấu hoàn chỉnh, vận hành an toàn, được quản lý, giám sát hiệu quả. Phát triển và kiểm soát có hiệu quả thị trường chứng khoán. Phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, tập trung vào đổi mới, hoàn thiện các thể chế về quyền sử dụng đất. Phát triển mạnh thị trường khoa học và công nghệ gắn với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; thị trường lao động gắn với tăng cường quản lý nhà nước...

(3) Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tiếp tục đổi mới tư duy kinh tế, nâng cao năng lực lãnh đạo kinh tế của các tổ chức đảng, chất lượng tham mưu trong việc xây dựng, lãnh đạo và kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, đường lối về phát triển kinh tế - xã hội; đổi mới và nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch, quản lý kinh tế phù hợp với cơ chế thị trường. Tiếp tục hoàn thiện các chính sách thuế, cơ chế quản lý giá, chính sách tiền lương, tiền công; chính sách động viên, phân phối và sử dụng ngân sách nhà nước hợp lý, hiệu quả.

Trong 5 năm tới, chúng ta phải phấn đấu thực hiện được các chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm: 7 - 7,5%/năm. Năm 2015, GDP bình quân đầu người khoảng 2.000 USD; cơ cấu GDP: Nông nghiệp 17 - 18%, công nghiệp - xây dựng 41 - 42%, dịch vụ 41 - 42%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 12%/năm, giảm nhập siêu, phấn đấu đến năm 2020 cân bằng được xuất nhập khẩu; giảm mức bội chi ngân sách xuống 4,5% GDP vào năm 2015. Giải quyết việc làm cho 8 triệu lao động. Tốc độ tăng dân số đến năm 2015 khoảng 1%. Tuổi thọ trung bình năm 2015 đạt 74 tuổi. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm bình quân 2%/năm. Tỉ lệ che phủ rừng năm 2015 đạt 42 - 43%...(Báo cáo của BCH Trung ương khóa X về các văn kiện Đại hội XI của Đảng do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trình bày).

“Đất nước ta đã vượt qua những khó khăn, thử thách to lớn, ngày càng lớn mạnh và đang vững bước đi lên. Tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, tạo cho nước ta nhiều thời cơ nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới.

Đại hội XI của Đảng khẳng định ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, triệu người như một, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh, bền vững, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội” - Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã khẳng định tại Đại hội.

Ngọc Tú

Nguồn TTXVN: http://baotintuc.vn/502n20110120142917742t0/phat-huy-suc-manh-toan-dan-toc-tao-nen-tang-mot-nuoc-cong-nghiep-hien-dai.htm