Phát huy sức mạnh pháp luật trong phòng, chống tham nhũng

Pháp luật là phương tiện quan trọng để phòng, chống sự lộng quyền, lạm quyền và sự tha hóa của quyền lực trong cơ quan nhà nước. Ðối với các hành vi tham nhũng - một biểu hiện điển hình của sự tha hóa quyền lực, một mặt, pháp luật góp phần bịt kín các lỗ hổng trong tổ chức và hoạt động của quyền lực nhà nước, có nguy cơ tạo ra tham nhũng, tiêu cực; mặt khác, là phương tiện để cưỡng chế, răn đe, xử lý nghiêm minh các hành vi ấy.

Để tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) hiệu quả hơn, đáp ứng sự mong mỏi của dư luận xã hội, nhân dịp sửa đổi Luật PCTN hiện hành, trước hết, phải xây dựng và hoàn thiện pháp luật về kiểm soát quyền lực nhà nước, để phát hiện kịp thời các biểu hiện tham nhũng lộng quyền. Có thể nói, Hiến pháp năm 2013 đặt nền móng cho việc xây dựng các cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, nhưng đến nay chậm được thể chế hóa thành luật, về cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước bằng các quyền dân chủ trực tiếp của công dân (Ðiều 6), bằng giám sát phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các thành viên và những cá nhân tiêu biểu, tuy đã có một số quy định trong Luật MTTQ Việt Nam, nhưng còn rất nhiều nội dung và phương thức giám sát phản biện của công dân chưa được cụ thể hóa.

Ðối với cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong bộ máy nhà nước, giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp mới chỉ coi trọng việc thể chế quyền giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của hội đồng nhân dân các cấp đối với thực hiện quyền hành pháp. Còn việc kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong của mỗi quyền chưa được coi trọng đúng mức. Thanh tra Chính phủ và thanh tra của các bộ, ngành, địa phương chủ yếu là một thiết chế để quản lý nhà nước nhiều hơn là để kiểm soát quyền lực nhà nước. Vì thế, thanh tra dường như chưa kiểm soát hiệu quả sự tha hóa của quyền lực nhà nước bên trong các cơ quan nhà nước và tập đoàn hay tổng công ty nhà nước. Các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng ở Bộ Công thương, ở tỉnh Yên Bái, các ngành và địa phương mà báo chí phanh phui thời gian qua là những biểu hiện của việc kiểm soát quyền lực nhà nước chưa hữu hiệu. Thanh tra Chính phủ và thanh tra của các bộ, ngành, địa phương chưa phải là một thiết chế kiểm soát quyền lực nhà nước độc lập, theo đúng nghĩa của nhà nước pháp quyền.

Hiện nay, kiểm soát việc tuân thủ theo pháp luật đối với các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước không được giao cho viện kiểm sát như trước đây. Việc bỏ chức năng đó của viện kiểm sát nhân dân từ năm 2001 (sau khi sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 1992) mà chưa có một thiết chế thay thế phù hợp, đã tạo ra khoảng trống trong kiểm soát quyền lực nhà nước.

Các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lạm quyền ở một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế nhà nước như Vinashin, Vinalines và các quan chức một số địa phương thời gian qua là minh chứng cho điều đó. Vì thế, nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện các thiết chế kiểm soát quyền lực nhà nước một cách hiệu quả, nhất là kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước của các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và tập đoàn kinh tế nhà nước, là đòi hỏi bức thiết của cuộc đấu tranh PCTN hiện nay.

Một vấn đề khác, trong nền kinh tế thị trường đi liền với nó phải là một bộ máy quản lý nhà nước minh bạch, trách nhiệm cá nhân người có thẩm quyền được quy định rõ ràng, cụ thể; người có cương vị càng cao, trách nhiệm càng lớn. Tuy nhiên, pháp luật nước ta chưa quan tâm thể chế hóa trách nhiệm của từng chức vụ trong bộ máy nhà nước. Mối quan hệ giữa những người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước với doanh nhân, doanh nghiệp chưa được quy định rõ ràng, cho nên tình trạng móc ngoặc, sân sau, lợi ích nhóm, càng lên án càng có chiều hướng phát triển...

Xây dựng và hoàn thiện Luật PCTN phải hướng tới minh bạch hóa các mối quan hệ của những người có chức vụ quyền hạn, nhất là mối quan hệ giữa họ với doanh nhân, doanh nghiệp. Nhưng cho đến nay, chúng ta dường như chưa minh bạch và quản lý được tài sản tăng thêm của cán bộ công chức. Chỉ bằng kê khai tài sản dựa trên tính tự giác của cán bộ, công chức đã tỏ ra không có hiệu quả. Theo Công ước của Liên hợp quốc về PCTN mà nước ta là thành viên, quy định tài sản của một công chức tăng lên đáng kể so với thu nhập hợp pháp của công chức mà không giải trình một cách hợp lý được xem là hành vi làm giàu bất hợp pháp, bị xử lý.

Trong lúc đó, pháp luật của nước ta chỉ quy định người có nghĩa vụ kê khai tài sản hoặc giải trình theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền, nếu tài sản tăng thêm là nhà, đất hoặc có giá trị hơn 50 triệu đồng. Nếu người phải giải trình không giải trình được một cách hợp lý cũng chỉ bị xử lý kỷ luật hành chính mà chưa có biện pháp xử lý đối với tài sản. Về trách nhiệm pháp lý, chưa có quy định thu hồi tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp và chưa chịu chế tài hình sự. Vì thế, cần nhanh chóng hình thành hệ thống đăng ký quyền sở hữu tài sản và quản lý các dữ liệu về tài sản đăng ký của cán bộ, công chức, nhất là đối với những người có chức vụ, quyền hạn cao. Ðồng thời, cần có quy định thu hồi tài sản tăng thêm phi pháp và tùy mức độ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tài sản của công chức tăng lên đáng kể so với thu nhập hợp pháp, mà không được giải trình hợp lý.

Thực tế cho thấy, các quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tuy đã có tác dụng nhất định, nhưng số người bị xử lý còn ít so với vụ việc được phát hiện, đưa ra xét xử; một số vụ án lớn chưa quy được trách nhiệm và xử lý được người đứng đầu. Trong 10 năm thực hiện Luật PCTN (giai đoạn 2005-2015), theo số liệu thống kê, đã truy tố 2.959 vụ; 6.935 bị can; xét xử 2.628 vụ với 5.870 bị cáo; nhưng chỉ có 918 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý, do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Sở dĩ có tình trạng đó là do một mặt, các quy định của pháp luật chưa đủ sức răn đe đối với người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức mình. Mặt khác, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng cũng thiếu cương quyết, còn nương nhẹ, thiếu dứt khoát. Ðiều đó cho thấy, pháp luật hiện hành còn tồn tại một số khiếm khuyết, nhiều trường hợp không dễ xác định ai là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, bởi pháp luật chưa quy định cụ thể. Hơn nữa, việc cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu quy định trong Luật PCTN cũng thiếu rõ ràng, nhiều khi lẫn lộn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu với trách nhiệm tập thể hoặc với trách nhiệm của người đứng đầu trực tiếp thực hiện hành vi tham nhũng.

Nhằm khắc phục những nhược điểm trong thi hành các quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tình trạng tham nhũng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức mình, cần chỉ rõ và cụ thể hóa những người được gọi là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong Luật PCTN. Ðồng thời, phân định rõ trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện các biện pháp PCTN. Mặt khác, pháp luật cần bổ sung những tình tiết tăng nặng trách nhiệm đối với người đứng đầu để xử lý bằng các chế tài hình sự.

Ðối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý khi xem xét xử lý kỷ luật người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới để xảy ra tham nhũng. Bổ sung chế tài xử lý đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp trong trường hợp biết nhưng không xem xét xử lý kỷ luật, hoặc cố tình kéo dài thời gian so với quy định; nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp trên trực tiếp và của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới trực tiếp.

GS, TS TRẦN NGỌC ĐƯỜNG

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/item/33606202-phat-huy-suc-manh-phap-luat-trong-phong-chong-tham-nhung.html