Phát huy sức mạnh mềm quốc gia từ giá trị văn hóa dân tộc

Giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa không chỉ là sức đề kháng nội sinh chống lại sự đồng hóa, hình thành nên sức mạnh dân tộc mà còn lan tỏa giá trị ra thế giới.

1. GIÁ TRỊ VĂN HÓA DÂN TỘC VỚI SỨC MẠNH QUỐC GIA

Có một thực tế rất lạ là ai cũng nhìn thấy được, nhận thức được vai trò to lớn của văn hóa, đặc biệt là giới khoa học, văn hóa văn nghệ, chính khách... nhưng trong ứng xử lại thiếu công bằng so với kinh tế và chính trị. Chúng ta thường khẳng định rất mạnh mẽ rằng: Văn hóa còn thì dân tộc còn, mất văn hóa là mất dân tộc; văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, nhưng đầu tư cho văn hóa rất ít ỏi so với nhiều ngành khác. Khi sự băng hoại, suy thoái văn hóa, đạo đức xuất hiện và tạo ra những lỗ hổng tinh thần đáng sợ, một số người co lại, chạy trốn, một số người đổ lỗi cho kinh tế thị trường, cho “thế lực thù địch”, mà không biết rằng, hệ quả ấy có nguồn cơn từ quá trình mải mê, chạy đuổi, xô đẩy vì ham muốn danh lợi và vật chất.

Một nghìn năm Bắc thuộc, chúng ta bị xâm lược, bị đô hộ nhưng chúng ta không mất nước vì văn hóa dân tộc, nền tảng tinh thần của Việt Nam không bị đồng hóa. Chính sức mạnh văn hóa, sức mạnh tinh thần, lòng tự tôn dân tộc, chủ nghĩa yêu nước, nghĩa là sự mềm dẻo của văn hóa đã làm nên sức mạnh chính trị quốc gia.

Văn hóa có thể được phân chia thành văn hóa vật thể/hữu thể và văn hóa phi vật thể/vô thể như là thao tác tất yếu của khoa học, nhưng nếu chúng ta bị hình thức siêu hình này chi phối thì vô tình đã không hiểu giá trị, sức mạnh mềm của văn hóa. Nhiều khi chúng ta tự hào, đầu tư, quảng bá rất nhiều cho hệ thống di tích, di sản văn hóa (văn hóa vật thể), thậm chí làm mới nhiều công trình đồ sộ tốn hàng ngàn tỷ đồng, điều đó là đúng nhưng lại vô tình lãng quên đầu tư con người, khơi dậy con người Việt Nam lòng tự trọng, tự tôn dân tộc, lòng yêu nước, khoan dung, hòa hiếu (văn hóa phi vật thể). Chính dòng chảy, mạch nguồn văn hóa phi vật thể mới là sức sống trường tồn chống lại được sự đồng hóa, đồng thời làm nên sức mạnh mềm của quốc gia trong quá khứ và tương lai.

Trước đây, Việt Nam là quốc gia bị đô hộ không có tiếng nói trên trường quốc tế. Sau khi giành độc lập, thống nhất đất nước, Nước Việt Nam từ máu lửa /Rũ bùn đứng dậy sáng lòa!” (Thơ Nguyễn Đình Thi). Tuy nhiên, lúc bấy giờ, thế giới biết đến Việt Nam không chỉ có chiến tranh mà còn là văn hóa, con người Việt Nam, GS.Joseph Nye, với học thuyết về “sức mạnh mềm” đã nói về Việt Nam rằng: Thực chất, Việt Nam đã chiến thắng trong hai cuộc chiến với hai đế quốc lớn trong thế kỷ XX nhờ nhiều vào “sức mạnh mềm”. Mặc dù đối phương có vũ khí và tiền bạc vượt trội, Việt Nam đã vượt qua và nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế nhờ “vũ khí mềm” là chính nghĩa, khát vọng độc lập thống nhất và lòng yêu nước.

Giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa không chỉ là sức đề kháng nội sinh chống lại sự đồng hóa, hình thành nên sức mạnh dân tộc mà còn lan tỏa giá trị ra thế giới. Văn hóa Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh đã từng bước củng cố trong lòng nhân loại. GS. Joseph Nye từng thừa nhận rằng: Việt Nam có tiềm năng về sức mạnh mềm. Đất nước các bạn có một câu chuyện rất hấp dẫn trong lịch sử, sự dũng cảm của con người cũng như văn hóa Việt Nam. Nếu Việt Nam có thể vẽ hình ảnh của mình trong lòng các quốc gia khác như thế, các bạn có nhiều sức thu hút, nhiều sức mạnh mềm với các quốc gia khác(1). Đặc biệt, năm 2017, chúng ta tổ chức thành công APEC tại Đà Nẵng và đầu năm 2018 chúng ta tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đã làm cho giá trị văn hóa Việt Nam lại tiếp tục lan tỏa ra với thế giới, Việt Nam ngày càng gần gũi, ấn tượng hơn trong trong lòng bạn bè quốc tế. Bên lề các điễn đàn và hội nghị quan trọng về kinh tế, chính trị diễn ra giữa các bên, nhiều chương trình tham quan, khám phá văn hóa, con người Việt Nam được tổ chức và nhận được những tình cảm đặc biệt từ các vị quan khách, các đoàn đại biểu và phóng viên quốc tế. Theo thống kê có khoảng 2.600 phóng viên quốc tế có mặt tại Việt Nam để đưa tin về sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Hình ảnh con người Việt Nam thân thiện, mến khách, bao dung; đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định, an toàn, kinh tế phát triển, văn hóa đa dạng đã để lại thiện cảm trong lòng bạn bè quốc tế. Như vậy, thông qua con đường giao lưu, những hoạt động kinh tế, chính trị để lại giá trị, mang lại giá trị chính là văn hóa.

2. PHÁT HUY SỨC MẠNH MỀM QUỐC GIA TỪ GIÁ TRỊ VĂN HÓA DÂN TỘC

Sức mạnh của một quốc gia không chỉ có từ kinh tế, chính trị, ngoại giao... mà còn ở văn hóa, bởi lẽ văn hóa có thể thay đổi từ ghét đến yêu, từ sợ đến thích. Chính sự lan tỏa của giá trị văn hóa làm cho thế giới thay đổi quan niệm về Việt Nam, biết đến Việt Nam không chỉ là đất nước từng thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ mà còn nhìn thấy con người Việt Nam hiếu khách, bao dung, tha thứ và lạc quan. Con người, văn hóa Việt Nam từng bước lan tỏa ra thế giới từ quá trình giao lưu và hòa nhập, đặc biệt là từ khi đổi mới cho đến nay.

Dưới góc độ con người, vấn đề văn hóa và chính trị lại càng không thể chia tách. Thiết nghĩ sự tồn tại và phát triển của một quốc gia, dân tộc thường được quyết định, lựa chọn bởi một tập thể lãnh đạo, đôi khi là một cá nhân trong những thời khắc nhất định. Chính vì vậy mà giới lãnh đạo là những người cần và có nhiều văn hóa hơn bao giờ hết. Không phải ngẫu nhiên mà trước đây Platon từng cho rằng chính trị là nghề đáng được tôn vinh nhất. Vì vậy khái niệm văn hóa chính trị không chỉ dừng lại ở hệ tư tưởng, ở những quyết sách, chủ trương mà còn thể hiện cụ thể trong từng con người lãnh đạo cụ thể, nói đúng hơn là nhân cách lãnh đạo, nhân cách chính trị. Những người làm kinh tế hay các lĩnh vực khác nếu thiếu văn hóa sẽ gây tổn hại đến xã hội nhưng những người làm chính trị mà lại thiếu vắng văn hóa thì lại càng nguy hại hơn bao giờ hết. Đó là những bước ngoặt mà lợi ích quốc gia sẽ bị đánh mất, Tổ quốc có thể bị lâm nguy nếu như người lãnh đạo chỉ thu vén cho lợi ích của riêng mình. Chính vì vậy, trong bất cứ thời điểm nào, thời đại nào cũng phải xây dựng sức mạnh quốc gia từ sức đề kháng dân tộc, từ yếu tố nội sinh, bản sắc văn hóa. Phải luôn nhận thức và triển khai tôn chỉ “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Mối quan hệ giữa giá trị văn hóa với sức mạnh quốc gia cũng là mối quan hệ giữa chính trị và văn hóa. Trong lịch sử nhân loại cũng như Việt Nam, không có đảng cầm quyền nào, chế độ nào, nhân vật lịch sử nào giành được chính quyền và lãnh đạo đất nước mà không lấy tinh thần dân tộc, giá trị văn hóa làm chỗ dựa vững chắc. Ngược lại, nếu xa rời dân tộc, bỏ rơi văn hóa cũng đồng nghĩa với việc làm suy yếu sức mạnh quốc gia, dẫn đến đánh mất vai trò lãnh đạo, dẫn dắt đất nước.

Lan tỏa giá trị văn hóa ra với thế giới bằng nhiều hình thức trong đó có ngoại giao văn hóa là một trong những giải pháp quan trọng để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam. Đây là con đường “chính ngạch” chứ thực chất văn hóa có thể tìm thấy được sức mạnh của mình qua rất nhiều hình thức khác như thông qua giao lưu về tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật... Trong thực tế, các phương tiện của sức mạnh mềm, đặc biệt là văn hóa không hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của chính phủ. Chính phủ chỉ điều hành về mặt chính sách, nhưng văn hóa và các giá trị lại bao trùm trong xã hội dân sự. Sức mạnh mềm trông có vẻ ít rủi ro hơn sức mạnh kinh tế và quân sự, nhưng vận dụng nó thường khó khăn hơn, dễ bị tuột khỏi tay, và rất tốn kém khi muốn tái thiết nó. Khi một chính phủ quan tâm tới các mục tiêu cấu trúc, hoặc các mục tiêu giá trị chung, chẳng hạn như thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, và tự do, đó có thể là lúc mà sức mạnh mềm còn có sức công phá hơn cả sức mạnh cứng(2). Tuy nhiên, ngoại giao văn hóa có tính chính thống và được Nhà nước tạo điều kiện tối đa mọi nguồn lực để văn hóa phát huy được sức mạnh mềm vì sự lớn mạnh của quốc gia. Ngoại giao văn hóa làm cho quá trình giao lưu không bị tắc nghẽn và sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam được phát huy hiệu quả thông qua con đường giao lưu văn hóa.

Những vấn đề trên cho chúng ta nhận diện được vai trò của văn hóa với tư cách là yếu tố nội sinh, là “sức mạnh mềm” có thể làm thay đổi các quan niệm về giá trị và tác động mạnh mẽ đến các thể chế chính trị của một quốc gia. Nói cách khác, sức mạnh của văn hóa trong bối cảnh hiện đại buộc chúng ta phải có sự thay đổi trong chiến lược ngoại giao nhằm xây dựng được hình ảnh quốc gia, thế mạnh quốc gia, dân tộc từ ưu thế của văn hóa. Về vấn đề này, có thể nói rằng, quan điểm của Đảng ta về vai trò của văn hóa thông qua kế thừa, hợp tác quốc tế và giao lưu văn hóa là luôn luôn nhất quán. Chính vì vậy mà vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định một cách chắc chắn thông qua con đường văn hóa. Phát huy những thành tựu đó, thiết nghĩ trong thời gian sắp tới cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ một số giải pháp sau:

Thứ nhất là thông qua mọi con đường giao lưu, hợp tác trên mọi lĩnh vực cũng như mọi hình thức, phương tiện thông tin, truyền thông để quảng bá, giới thiệu, đưa văn hóa, các giá trị văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Các giá trị văn hóa Việt Nam được giới thiệu hiển nhiên là trống đồng Đông Sơn, nón lá áo dài, tuồng, chèo, cải lương hay các di sản văn hóa thế giới như Huế, Hội An, Mỹ Sơn, Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh, tín ngưỡng vua Hùng… nhưng nếu cứng nhắc kiểu hành chính hóa sẽ không phát huy được sức mạnh mềm của văn hóa. Mặt khác, hợp tác quốc tế và giao lưu văn hóa không đóng khung trong một vài hoạt động như nghệ thuật mà phải đa dạng, thẩm thấu trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ những hành vi nhỏ nhất như lối sống, phong tục tập quán, ẩm thực, trang phục… đến những lĩnh vực trong chiều sâu tâm thức, triết lý sống của người Việt Nam hay quan trọng và nhạy cảm như văn hóa chính trị, văn hóa đạo đức, văn hóa tôn giáo, văn hóa truyền thông, văn hóa báo chí...

Thứ hai là phải sáng tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa mới có giá trị trên nền tảng văn hóa truyền thống Việt Nam.

Đây là vấn đề sống còn thể hiện được “sức mạnh mềm”, sự lan tỏa của văn hóa. Thực tế cho thấy, năm 1912, thị trưởng Tokyo, Yukio Ozaki đã có một sự sáng tạo độc đáo là gửi tặng thủ đô Washington 3.000 cây anh đào (quốc hoa của Nhật Bản) không chỉ như một món quà thể hiện tình hữu nghị giữa hai đất nước mà là cách “xuất khẩu” văn hóa của Nhật Bản. Phim ảnh và âm nhạc Hàn Quốc đã làm cho người Việt Nam từ mọi lứa tuổi yêu con người Hàn Quốc hơn và dần dần làm quên đi sự dã man của lính Đại Hàn một thời ở Việt Nam. Sức mạnh mềm của văn hóa có thể làm cho ghét trở thành yêu. Đó là một quá trình chuyển hóa, chuyển biến đầy ắp sự tinh tế, thâm sâu trong quá trình thay đổi nhận thức con người và hình thành tâm thức dân tộc.

Sáng tạo là một sự đòi hỏi sống còn nhưng sáng tạo đó phải có giá trị và dựa trên nền tảng văn hóa, tâm thức văn hóa Việt Nam. Người Việt Nam không thể ngủ quên trong di sản truyền thống nhưng cũng nên cảnh giác với sự “đua đòi”.

Sáng tạo là một sự đòi hỏi sống còn nhưng sáng tạo đó phải có giá trị và dựa trên nền tảng văn hóa, tâm thức văn hóa Việt Nam. Người Việt Nam không thể ngủ quên trong di sản truyền thống nhưng cũng nên cảnh giác với sự “đua đòi” làm nên kỷ lục như kiểu phương Tây. Tại sao các thế hệ con cháu Việt Nam không nâng tầm “kho tàng dưa món Việt Nam” lên như kim chi của Hàn Quốc mà thích lập ra các kỷ lục to tát để làm gì? Gần đây, ở nước ta phát triển phong trào “xây chùa to, tượng Phật lớn”, một số chùa có cơ sở 1, cơ sở 2… như nhà hàng. Đi liền với hiện tượng đó là những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có tính chất mê tín dị đoan, trục lợi, thương mại hóa. Trong thực tế chính trị hóa hay kinh tế hóa nhà chùa chưa chắc có thể phát huy được sức mạnh mềm của văn hóa và ngược lại giá trị văn hóa khi đã đi vào lòng người có thể thúc đẩy hoạt động chính trị, kinh tế phát triển bền vững.

Thứ ba là phải tăng cường hơn nữa việc giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, của đất nước, con người, danh nhân văn hóa Việt Nam, đồng thời phải đi liền với việc thông qua các phương tiện chuyển tải văn hóa kiên quyết chống lại những biểu hiện phản văn hóa, lai căng, mất gốc, sùng ngoại... Trong vấn đề này, vai trò của báo chí truyền thông và đạo đức nghề báo là hết sức quan trọng trong hành trình “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”. Hiện nay, một số báo điện tử câu khách đã đưa những tin nóng có nội dung sex và bạo lực đã tác động tiêu cực đến nhân cách và lối sống, đặc biệt là đối với đối tượng thanh thiếu niên... Mặt khác, văn nghệ sĩ Việt Nam và những nhà sản xuất phim ảnh, ca nhạc cần thể hiện tinh thần dân tộc, lòng tự trọng dân tộc khi sáng tạo và sản xuất ra những tác phẩm văn hóa nghệ thuật có sức lan tỏa giá trị con người và văn hóa Việt Nam ra với thế giới. Nhà nước cần hỗ trợ, đầu tư, tài trợ mạnh mẽ cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, cho các tác phẩm văn hóa mang bản sắc dân tộc và xem đó như là loại hàng hóa xuất khẩu đặc biệt làm nên giá trị Việt Nam trên trường quốc tế. Có như vậy chúng ta mới phát huy được “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam trong quá trình giao lưu và hội nhập hiện nay./.

___________________________

(1) GS. Joseph Nye: “Chủ nghĩa dân tộc lành mạnh là điểm tựa của Việt Nam”.http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam 13-01-2010 06:51 GMT+7).

(2) GS Joseph Nye: Sức mạnh mềm và ngoại giao nhà nước. http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam (27-02-2010).

PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hòa

Phó Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực III

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/van-hoa/phat-huy-suc-manh-mem-quoc-gia-tu-gia-tri-van-hoa-dan-toc-126715