Phát huy nội lực để thoát nghèo bền vững

TP Hà Nội đã hoàn thành kế hoạch giảm nghèo trước 2 năm, nhưng vẫn còn hàng nghìn hộ nghèo hoặc có nguy cơ tái nghèo. Hướng tới mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo vào năm 2020, các hộ gia đình, địa phương trên địa bàn Hà Nội tập trung phát huy sức mạnh nội lực để thoát nghèo bền vững.

Để giảm nghèo bền vững

Minh Ngọc

Minh Ngọc

Khơi dậy ý chí thoát nghèo

Vốn có nghề truyền thống là trồng và chế biến thuốc nam, xã Ba Vì (huyện Ba Vì) được định hướng phát triển thành vùng dược liệu kết hợp với du lịch sinh thái. Sau 4 năm triển khai đề án bảo tồn tri thức làm thuốc nam tại xã Ba Vì, những người có nghề như bà Lý Thị Nội (thôn Yên Sơn), Triệu Thị Duyên (thôn Hợp Sơn)… đã phổ biến kinh nghiệm làm thuốc nam tới đông đảo người dân, giúp họ có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Cũng ở huyện Ba Vì, nhiều người dân xã Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài… được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chè, chế biến chè búp khô nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây chè truyền thống. “Hiện nay, toàn huyện Ba Vì còn 3,18% hộ nghèo. Địa phương có nhiều hộ nghèo nhất là xã Ba Vì cũng có bước đột phá trong công tác giảm nghèo với tốc độ giảm hơn 10% mỗi năm”, ông Đỗ Quang Trung, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì cho hay.

Với hướng phát triển tương tự, xã An Phú (huyện Mỹ Đức) trở thành vùng quê trù phú. Các xã miền núi thuộc huyện Thạch Thất, Quốc Oai cũng phát triển khá toàn diện. Cùng với chính sách ưu tiên cho vùng khó khăn, các cấp, ngành chức năng TP Hà Nội đã chung tay, góp sức tạo thành đòn bẩy giúp các hộ nghèo vươn lên. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong giai đoạn 2016-2018, UBND thành phố đã bố trí hơn 6.362 tỷ đồng, trong đó có 2.015 tỷ đồng ủy thác qua các chi nhánh của Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo, cận nghèo, vừa thoát nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, học nghề, tạo việc làm. Ngoài nguồn vốn ưu đãi, TP Hà Nội dành hơn 3.497 tỷ đồng để thực hiện các chính sách cho người nghèo, hộ nghèo như đóng bảo hiểm y tế, chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng.

Các quận, huyện, thị xã cũng thực hiện những giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp với đặc thù của địa phương. Chẳng hạn như quận Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Long Biên… vận động doanh nghiệp nhận đỡ đầu học sinh nghèo, tặng sổ tiết kiệm cho hộ nghèo cô đơn. Các huyện: Đan Phượng, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất… hỗ trợ bò giống, tặng xe máy, máy khâu, máy ép nước mía cho hộ nghèo.

Nhờ các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo đồng bộ, năm 2018, các địa phương trên địa bàn TP Hà Nội giảm được 11.600 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm xuống còn 1,16%. Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước cơ bản không còn hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Năm 2019, toàn thành phố phấn đấu giảm 0,3% hộ nghèo so với năm 2018, tương đương với hơn 3.500 gia đình có cơ hội thoát khỏi cảnh nghèo.

Vì mục tiêu thoát nghèo bền vững

Mặc dù đã đạt được những kết quả tương đối toàn diện, nhưng thực tế, Hà Nội vẫn còn một số gia đình, địa phương khó thoát nghèo bền vững.

Theo ông Dương Trung Liên, Chủ tịch UBND xã Ba Vì, nếu thiếu sự hỗ trợ từ bên ngoài, địa phương khó thoát khỏi “rốn” nghèo của thành phố. Cụ thể, đến cuối năm 2018, xã Ba Vì vẫn còn 16% số hộ nghèo, cao nhất thành phố, trong khi người dân đang thiếu phương tiện sản xuất, thiếu kiến thức để làm giàu. Về vấn đề này, ông Đỗ Mạnh Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, trong những năm tới, huyện sẽ tiếp tục ưu tiên các nguồn lực cho xã Ba Vì phát triển kinh tế - xã hội. Đối với những hộ nghèo còn lại trên địa bàn huyện, tùy theo hoàn cảnh, nhu cầu, năng lực mà các hộ nhận được sự hỗ trợ khác nhau.

Nhằm hạn chế nguy cơ tái nghèo, huyện Quốc Oai xây dựng kế hoạch hỗ trợ hộ cận nghèo giai đoạn 2019-2020 bằng những hình thức tương tự như hộ nghèo. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện khuyến khích, hỗ trợ người dân tạo việc làm, nâng cao thu nhập tại chỗ nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng các mô hình cho giá trị kinh tế cao…

Trong các nhóm giải pháp hỗ trợ giảm nghèo năm 2019, UBND TP Hà Nội khuyến khích các địa phương huy động nguồn lực tại chỗ để giảm nghèo; thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới… Ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, Sở đang phối hợp với các ngành, địa phương nâng cao chất lượng và tăng tỷ lệ đào tạo nghề lao động nông thôn; hỗ trợ lao động nghèo vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Cùng với đó, thành phố tiếp tục kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp tiếp nhận, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo; hỗ trợ thường xuyên cho các hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Với các giải pháp hỗ trợ đồng bộ, kịp thời, hiệu quả, hy vọng mục tiêu giảm nghèo của TP Hà Nội trong năm 2019 và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục cán đích trước thời hạn.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/927931/phat-huy-noi-luc-de-thoat-ngheo-ben-vung