Phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Biển, đảo Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh đất nước. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam, với vai trò là lực lượng nòng cốt. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: 'Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển(1) của Tổ quốc. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của quân đội, trong đó nhân tố chính trị - tinh thần giữ vai trò nền tảng để xây dựng và phát huy các nhân tố khác, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của Quân đội nhân dân Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo có vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố cốt lõi, chất “keo kết dính” tất cả các nguồn sức mạnh khác, quyết định hiệu quả việc phát huy sức mạnh vật chất, vũ khí trang bị, tạo nên sức mạnh tổng hợp để quân đội ta đủ sức chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Các lực lượng quân đội đã nêu cao ý chí quyết tâm, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy; kiên cường bám trụ nơi “đầu sóng, ngọn gió” đêm ngày tuần tra, kiểm soát, khẳng định, bảo vệ chủ quyền, giữ bình yên biển, đảo_Ảnh: Tư liệu

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, những năm qua, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tích cực chủ động triển khai nhiều chủ trương, biện pháp để khơi dậy và phát huy tối đa nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội, tạo ra sức mạnh tổng hợp của quốc gia, thế và lực quân sự của ta trên các vùng biển, đảo được tăng lên nhiều lần. Thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” trên biển, đảo không ngừng được củng cố, tăng cường. Quân đội với lực lượng trực tiếp là Quân chủng Hải quân, Cảnh sát Biển Việt Nam, Bộ đội Biên phòng đã được Đảng, Nhà nước ưu tiên đầu tư các loại vũ khí, trang thiết bị hiện đại, đủ sức làm nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Các lực lượng quân đội đã nêu cao ý chí quyết tâm, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy; kiên cường bám trụ nơi “đầu sóng, ngọn gió” đêm ngày tuần tra, kiểm soát, khẳng định, bảo vệ chủ quyền, giữ bình yên biển, đảo. Đặc biệt, mỗi khi phải đối mặt với tình huống phức tạp, căng thẳng, các đơn vị quân đội được giao nhiệm vụ luôn nêu cao ý chí quyết tâm “còn người, còn biển, đảo”, “một tấc không đi, một li không rời”; thực hiện đúng đối sách, phương châm, tư tưởng chỉ đạo; khôn khéo, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia, an ninh, trật tự trên biển; không để xảy ra xung đột; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước.

Tuy nhiên, vấn đề phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của Quân đội nhân dân Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Nhận thức, trách nhiệm của một số chủ thể, lực lượng về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và nội dung, hình thức, phương pháp phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo còn có những hạn chế. Sự phối hợp của các đơn vị quân đội với các lực lượng khác trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, thiếu các giải pháp đồng bộ. Khả năng làm chủ vũ khí, trang bị, trình độ chấp pháp trên biển, dự báo sớm các tình huống để chủ động ứng phó đôi lúc còn thiếu linh hoạt. Một số cán bộ, chiến sĩ còn tư tưởng ngại khó khăn, gian khổ, chủ quan, nhận thức về nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội, nhiệm vụ của đơn vị trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo có lúc, có nơi chưa sâu sắc, chưa triệt để; một số cán bộ có biểu hiện ngại rèn luyện, chấp hành mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên không nghiêm, chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó lường. Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột”(2). Nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo đang đặt ra những yêu cầu mới nặng nề, rất khó khăn, phức tạp. Những diễn biến hiện nay và sắp tới trên biển, đảo sẽ phức tạp, cần phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình nhưng cũng phải kiên quyết, sẵn sàng đối phó với những hành động quân sự xâm chiếm biển, đảo nếu xảy ra. Trước tình hình đó, đòi hỏi quân đội phải nâng cao cảnh giác, có ý chí kiên cường, dũng cảm để luôn chủ động nắm chắc, dự báo chính xác mọi động thái, ngăn ngừa nguy cơ xung đột từ sớm, từ xa, kiên quyết không để mất dù là một sải biển, một tấc đảo. Do vậy, để phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay cần thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau:

Một là, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các tổ chức, các lực lượng về phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Lễ kết nạp đảng viên trên đảo Nam Yết (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) _ Nguồn: qdnd.vn

Trước hết, cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy các cấp cần nâng cao nhận thức cho các chủ thể, các lực lượng về ý nghĩa và vai trò to lớn của nhân tố chính trị - tinh thần quân đội trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay. Theo đó, cần làm cho các tổ chức, các lực lượng nhận thức được mục tiêu của việc phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhằm xây dựng ý chí vững chắc, lan tỏa và phát triển những giá trị tích cực về tư tưởng chính trị, niềm tin và ý chí quyết tâm chiến đấu của quân đội ta trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần nâng cao nhận thức cho các tổ chức, các lực lượng về vai trò quan trọng của nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Với đặc thù đặc biệt khó khăn khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, chỉ có ý chí, nghị lực, niềm tin lớn mới giúp người chiến sĩ thêm vững chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho các chủ thể, lực lượng về các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25-10-2013, của Hội nghị Trung ương 8, khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; Luật Biển Việt Nam năm 2012; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; về bản chất, truyền thống, chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu chiến đấu của quân đội và đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, biển, đảo. Tổ chức tốt các đợt tập huấn, các đợt sinh hoạt chính trị và nâng cao chất lượng sinh hoạt của các cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy các cấp, các tổ chức quần chúng để nâng cao nhận thức cho các tổ chức, các lực lượng về phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay.

Hai là, huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng trong phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Trước hết, cần phát huy tốt vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy các cấp trong quân đội đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phát huy nhân tố chính trị - tinh thần trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay; tổ chức tốt công tác giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu và lý tưởng chiến đấu của quân đội, xây dựng niềm tin, ý chí quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Phát huy vai trò của các cơ quan chức năng trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và bảo đảm các điều kiện đối với phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội trong bảo vệ chủ quyền, biển đảo. Phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng tổ chức thực hiện các phong trào hành động cách mạng phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay. Đặc biệt, cần phát huy vai trò nòng cốt, trực tiếp của bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam, Cảnh sát Biển Việt Nam, Bộ đội Biên phòng trong phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân trên địa bàn đóng quân, nhất là vai trò của ngư dân tham gia phối hợp phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Ba là, đa dạng hóa các nội dung, vận dụng linh hoạt các hình thức và phương pháp để phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Nội dung phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo cần phải toàn diện, đồng bộ, trong đó tập trung vào xây dựng lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tin tưởng vào thắng lợi của công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo; phát huy niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh chiến đấu của quân đội, của đơn vị trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo; phát huy ý thức kỷ luật tự giác, nghiêm minh trong chấp hành pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội, mệnh lệnh, chỉ thị của người chỉ huy trong thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; phát huy tâm lý vững vàng, ý chí quyết tâm kiên trì bảo vệ chủ quyền biển, đảo bằng phương pháp hòa bình, nhưng cũng kiên quyết chiến đấu nếu xảy ra những hành động quân sự xâm chiếm biển, đảo…

Vận dụng linh hoạt các hình thức phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo như: Thông qua công tác giáo dục chính trị, tọa đàm, diễn đàn, các cuộc thi tìm hiểu về chủ quyền biển, đảo và lịch sử đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của dân tộc; thông qua các hoạt động huấn luyện quân sự, diễn tập; phong trào thi đua quyết thắng, các phong trào hướng về biển, đảo như “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”, “Vì Trường Sa thân yêu”, “Trái tim hướng về biển đảo Tổ quốc”…; đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”… Thông qua các hình thức trên, mục tiêu, lý tưởng, niềm tin, ý thức tổ chức kỷ luật và bản lĩnh, ý chí quyết tâm chiến đấu của quân đội được phát triển, lan tỏa trong từng nhiệm vụ, góp phần vào sự thắng lợi của công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong mọi tình huống.

Bốn là, phát huy sức mạnh, vai trò nòng cốt, đi đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam, Cảnh sát Biển Việt Nam, Bộ đội Biên phòng trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Để phát huy sức mạnh vai trò nòng cốt, đi đầu của Quân chủng Hải quân, Cảnh sát Biển Việt Nam, Bộ đội Biên phòng đối với phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của Quân đội nhân dân Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, trước hết, các lực lượng này cần nâng cao nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói riêng. Cấp ủy, chỉ huy các cấp của Quân chủng Hải quân, Cảnh sát Biển Việt Nam, Bộ đội Biên phòng cần thường xuyên quan tâm xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, gắn xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện với xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, bảo đảm cho các đơn vị là lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; lực lượng nòng cốt, đi đầu trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Các tổ chức đảng cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì; tôn vinh, đề cao vai trò của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong làm chủ, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị, kỹ thuật.

Quân chủng Hải quân, Cảnh sát Biển Việt Nam, Bộ đội Biên phòng cần chủ động tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng, phát triển lực lượng, gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển. Trong đó, lực lượng phải “tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt”, cân đối, đồng bộ. Thế trận phải vững chắc, có chiều sâu, liên hoàn bờ - biển - đảo, chuyển hóa linh hoạt.

Năm là, xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh và đổi mới chính sách đối với quân đội, hậu phương quân đội trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Môi trường văn hóa quân sự tạo ra những điều kiện thuận lợi để nuôi dưỡng, vun đắp, phát triển, lan tỏa tư tưởng, niềm tin, ý chí của cán bộ, chiến sĩ kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vì vậy, cần phải giữ gìn, xây dựng và phát huy vai trò của hệ giá trị văn hóa quân sự về truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Làm tốt công tác giáo dục truyền thống, xây dựng lòng tự hào của cán bộ, chiến sĩ đối với các giá trị truyền thống yêu nước của dân tộc, truyền thống của quân đội và của từng cơ quan, đơn vị. Phát huy dân chủ rộng rãi trên các mặt công tác, nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ thể hiện quyền làm chủ của mình, tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất giúp lãnh đạo, chỉ huy các cấp xác định chủ trương, xây dựng kế hoạch, nội dung, chỉ tiêu, hình thức, biện pháp phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Xây dựng và thực hiện tốt các quan hệ văn hóa quân sự giữa lãnh đạo và phục tùng sự lãnh đạo, giữa chỉ huy và phục tùng chỉ huy. Người lãnh đạo, chỉ huy cũng như người phục tùng lãnh đạo, chỉ huy cần thực hiện “chính danh” chức trách, nhiệm vụ của mình đã được pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội quy định. Xây dựng và thực hiện tốt các quan hệ văn hóa quân sự giữa các quân nhân với nhau trên tình thương yêu đồng chí, đồng đội, hết lòng, hết sức giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống đời thường cũng như lúc ra trận thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Xây dựng và thực hiện tốt các quan hệ văn hóa quân sự giữa các quân nhân với nhau trên tình thương yêu đồng chí, đồng đội_Ảnh: Tư liệu

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới chính sách đối với quân đội, hậu phương quân đội trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tiếp tục bổ sung, sửa đổi, ban hành mới các chính sách xã hội cơ bản đối với quân đội; kết hợp đề xuất các chính sách đặc thù có tính đột phá cho các đối tượng, nhất là đối với cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ trên biển, các hải đảo, quần đảo, nhà giàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay. Từng bước điều chỉnh hợp lý lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) phù hợp đặc thù của quân đội nói chung, các đơn vị, lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở những nơi hải đảo, nhà giàn. Tiếp tục bổ sung, đổi mới hoàn thiện chính sách xã hội đối với gia đình quân nhân tại ngũ; đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ; cần có nhiều chính sách thiết thực hơn nữa đối với hậu phương quân đội, nhất là những cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở những nơi khó khăn, nguy hiểm, để họ yên tâm cống hiến tâm - trí - lực cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc./.

------------------

(1), (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t. 1, tr. 157, 107

Đại tá, PGS, TS. Võ Văn Hải - Thiếu tá, ThS. Lê Văn Kiều

Nguồn Tạp chí cộng sản: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/821685/phat-huy-nhan-to-chinh-tri---tinh-than-cua-quan-doi-trong-bao-ve-chu-quyen-bien,-dao.aspx