Phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển đất nước hiện nay

Đâylà tên cuộc Tọa đàm khoa học do Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợpvới Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức sáng ngày 2-11-2018,tại Hà Nội. Tọa đàm đã thu hút đông đảo nhà khoa học, nhà quản lý cókinh nghiệm và uy tín về nghiên cứu, quản lý hoạt động tôn giáo, cácchức sắc tôn giáo.

Tọa đàm nhằm trao đổi về việc nhận thức và phát huy đúng hướng nguồn lực tôn giáo trong phát triển đất nước hiện nay.

Tôn giáo được nhìn nhận như một thực thể xã hội khách quan

Từ thực tiễn khởi sắc của đời sống tôn giáo, sự tham gia mạnh mẽ của tôn giáo vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là các lĩnh vực giáo dục, y tế, từ thiện xã hội, an sinh xã hội… đã cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để trong nhiều năm gần đây giới nghiên cứu tôn giáo, giới hoạch địch chính sách và quản lý nhà nước về tôn giáo dần đi đến nhận thức chung rằng cần coi tôn giáo là một nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước.

Theo PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tôn giáo ở nước ta đã được nhìn nhận như một thực thể xã hội khách quan, thay thế cách nhìn nhận mang tính chất phiến diện chỉ là hình thái ý thức xã hội phản ánh hư ảo thế giới hiện thực.

Nguồn lực tôn giáo có nội hàm khá rộng, không chỉ là nguồn lực tinh thần mà còn là nguồn lực vật chất. Từ khía cạnh nguồn lực tinh thần, đó chính là giá trị tư tưởng, triết học, giá trị thế giới quan, nhân sinh quan, giá trị đạo đức, văn hóa, giá trị giáo dục, các triết lý nhân văn, hướng thiện… Những giá trị này đã và đang tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong xây dựng nền tảng văn hóa, tinh thần của xã hội. Về nguồn lực vật chất, các tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam có một hệ thống cơ sở thừa tự với nhiều di sản có giá trị. Các tôn giáo có thể thu hút được các nguồn lực lớn từ xã hội như nguồn lực kinh tế, nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa… Từ đây, các tôn giáo lại chuyển những nguồn lực đã thu hút này vào xã hội, vào các lĩnh vực như an sinh xã hội, từ thiện xã hội, giáo dục, y tế, …

ThS. Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo phân tích, với 42 tổ chức thuộc 15 tôn giáo đã và đang tồn tại cùng lịch sử dân tộc, có hơn 24,5 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm 27% dân số Việt Nam, đây là nguồn nhân lực quan trọng có nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bà Liên nhận định: “Nguồn nhân lực, nguồn vốn của tôn giáo khi kết hợp với niềm tin tôn giáo không chỉ tạo ra của cải vật chất mà còn thôi thúc các tổ chức và cá nhân tôn giáo nâng cao trách nhiệm trong thực hiện các hoạt động an sinh xã hội một cách hiệu quả và bền vững”.

Các tổ chức tôn giáo đã thành lập 12 cơ sở dạy nghề trong cả nước gồm 1 trường cao đẳng nghề, 1 trường trung cấp nghề và 10 trung tâm dạy nghề. Hằng năm, tuyển sinh và đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp và dạy nghề ngắn hạn cho 2.000 người.

Các tôn giáo đã mở được 185 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có 143 cơ sở khám bệnh Đông y hoặc Đông Tây y kết hợp; 42 cơ sở Tây y và 1 trạm xã.

Cả nước hiện có 113 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo đang chăm sóc, nuôi dưỡng 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số 2.600 nhân viên. Bình quân 1 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo chăm sóc, nuôi dưỡng 104 đối tượng bảo trợ xã hội.

Cần hoạt động có trách nhiệm cao của các chủ thể tôn giáo chính trị - xã hội

Về những thách thức việc phát huy nguồn lực tôn giáo ở nước ta, cụ thể là với vùng Tây Nguyên, nơi tồn tại đa dạng các tôn giáo với gần 37% dân số theo các tôn giáo khác nhau, TS. Nguyễn Duy Thụy, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên chỉ ra: Một là, vẫn còn tồn tại tình trạng hoạt động truyền đạo trái pháp luật ở các tổ chức tôn giáo gây khó khăn cho công tác quản lý. Hai là, sự đa dạng các loại hình tôn giáo dẫn đến sự xung đột niềm tin tôn giáo và ảnh hưởng của nó tới khối đại đoàn kết dân tộc trong vùng. Ba là, sự xuất hiện của các hiện tượng tôn giáo mới ảnh hưởng đến niềm tin tôn giáo của các tín đồ, gây khó khăn trong công tác quản lý và tác động đến an ninh trật tự xã hội, từ đó đe doạn đến sự phát triển bền vững vùng.

Theo PGS.TS. Ngô Hữu Thảo, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, điều kiện để phát huy nguồn lực tôn giáo gồm có nhận thức và thái độ, tình cảm xã hội đối với tôn giáo, môi trường thực tiễn phát triển đất nước, điều kiện chính trị lãnh đạo, quản lý xã hội trong phát huy nguồn lực tôn giáo… Ông cho rằng, để phát huy mạnh mẽ, tương xứng với tiềm năng của các tôn giáo ở Việt Nam, cần nâng cao nhận thức cho nhân dân về vấn đề tôn giáo ở nước ta và trên thế giới hiện nay; bổ sung quan điểm, chính sách đối với tôn giáo và công tác tôn giáo rõ và mới hơn. Để phát huy cao độ nguồn lực tôn giáo, yêu cầu phải có môi trường, điều kiện thuận lợi, cần và đủ cho các tôn giáo phát huy. “Điều kiện muốn được như mong muốn phải là kết quả hoạt động có trách nhiệm cao của các chủ thể tôn giáo chính trị - xã hội, đặc biệt là tranh thủ sự ủng hộ và phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo” – PGS.TS. Ngô Hữu Thảo nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ Tọa đàm, các nghiên cứu, thảo luận đã tập trung làm rõ cách tiếp cận và đánh giá đối với nguồn lực xã hội nói chung, nguồn lực tôn giáo nói riêng; chỉ rõ chủ thể phát huy nguồn lực tôn giáo, điều kiện, cách thức phát huy nguồn lực tôn giáo… Từ đó có những đề xuất, kiến nghị, cung cấp cơ sở khoa học xây dựng quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với việc phát huy nguồn lực tôn giáo trong quá trình phát triển bền vững đất nước.

Kết luận tại buổi Tọa đàm, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: Các ý kiến nêu tại Tọa đàm đã giúp các nhà nghiên cứu lý luận, các nhà quản lý cũng như các chức sắc tôn giáo đạt được những nhận thức chung hết sức quan trọng về nguồn lực tôn giáo và phát huy nguồn lực tôn giáo. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật về tôn giáo hiện nay.

Cao Nguyên

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/xa-hoi/phat-huy-nguon-luc-ton-giao-trong-phat-trien-dat-nuoc-hien-nay-116145