Phát huy nguồn lực đảng viên xuất ngũ: Tạo nguồn cán bộ cho địa phương

Những năm gần đây, thanh niên có trình độ cao được ưu tiên tuyển chọn nhập ngũ để vừa góp phần nâng cao chất lượng quân đội nhằm ứng dụng khoa học - kỹ thuật quân sự hiệu quả, vừa tạo nguồn cán bộ cho địa phương khi xuất ngũ. Tuy nhiên, sau khi xuất ngũ, những khó khăn do thiếu việc làm khiến nhiều đảng viên là quân nhân xuất ngũ mất đi cơ hội cống hiến xây dựng địa phương. Để khắc phục những vấn đề đang đặt ra, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành thông qua việc thực hiện những giải pháp linh hoạt, phù hợp.

Huyện Như Thanh luôn quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lực lượng thanh niên, đảng viên là quân nhân xuất ngũ. Ảnh: Quốc Hương

Từ năm 2019 đến nay, huyện Lang Chánh có hơn 100 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, trong đó có 30% tham gia học nghề. Nhằm tạo điều kiện cho các thanh niên và đảng viên khi xuất ngũ về địa phương có việc làm ổn định, huyện đã tổ chức kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động. Đồng chí Lương Tuấn Huê, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Lang Chánh, cho biết: Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội là một trong những việc mà huyện luôn chú trọng để các thanh niên yên tâm hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc. Hàng năm, huyện đều tổ chức lễ đón các thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó có hình thức giúp đỡ phù hợp. “Năm nay, chúng tôi kết nối với gần 20 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn để gặp gỡ các quân nhân vừa xuất ngũ. Một số ngành nghề được quân nhân xuất ngũ, nhất là người dân tộc thiểu số quan tâm là: cơ khí, hàn, lái xe, điện lạnh... Đây cũng là những ngành nghề phù hợp với nhu cầu và thực tế việc làm tại địa bàn huyện”- đồng chí Huê cho hay.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đảng viên Phạm Hồng Sơn, xã Trí Nang (Lang Chánh) đã được giới thiệu việc làm. Anh chia sẻ: “Sau khi được tư vấn, tôi đã chọn nghề hàn bởi ở đơn vị, tôi cũng đã làm công việc này. Nơi làm việc gần nhà nên tôi rất thích. Hy vọng rằng công việc này sẽ mang lại thu nhập ổn định để tôi có điều kiện giúp đỡ gia đình”.

Cũng giống như một số địa phương khác, giải pháp mà xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) lựa chọn là “giữ chân” thanh niên, đảng viên xuất ngũ ở lại địa phương lập nghiệp. Chia sẻ về vấn đề này, đồng chí Phạm Văn Huỳnh, Bí thư Đảng ủy xã cho hay: Ngay sau khi quân nhân xuất ngũ hoàn thành nhiệm vụ về đến địa phương, cấp ủy, chính quyền đều tổ chức lễ đón rất nghiêm túc, long trọng. Tại buổi lễ này, lãnh đạo địa phương chủ động trò chuyện, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quân nhân xuất ngũ, lắng nghe đề xuất và giúp định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ, tạo điều kiện về việc làm. Bên cạnh đó, xã động viên thanh niên, đảng viên xuất ngũ duy trì và giữ lửa cho nghề rèn truyền thống của địa phương, từ đó vừa có việc làm, vừa có thu nhập ổn định. Đặc biệt, với khả năng cho phép, địa phương luôn chủ động về chính sách hỗ trợ, bảo lãnh để quân nhân xuất ngũ được vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Tính đến nay, các cấp ở xã Tiến Lộc đã giúp trên 10 trường hợp thanh niên, đảng viên là quân nhân xuất ngũ vay vốn, với tổng giá trị gần 500 triệu đồng, giúp anh em có điều kiện phát triển kinh tế. Ngoài ra, xã Tiến Lộc đề nghị doanh nghiệp trên địa bàn ưu tiên tuyển dụng thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đặc biệt là đảng viên. Đồng chí Phạm Văn Huỳnh khẳng định: “Khi có việc làm, đảng viên là quân nhân xuất ngũ sẽ sớm ổn định cuộc sống, lập gia đình và gắn bó với quê hương. Đó cũng là “điều kiện cần” để đảng viên gắn bó, tham gia sinh hoạt Đảng, phát huy tinh thần trách nhiệm của người đảng viên”.

Những năm qua, công tác tư vấn, giới thiệu học nghề và giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ, trong đó có đảng viên được các cấp, ngành quan tâm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp một số khó khăn. Trước hết là khung biên chế cơ sở ngày càng bị co hẹp lại, bộ máy chính trị cơ sở đã ổn định. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thì số cán bộ, công chức dôi dư nhiều hơn. Theo đó, sắp xếp việc làm cho đảng viên xuất ngũ là bài toán nan giải đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh.

Để khắc phục tình trạng đảng viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự xuất ngũ trở về địa phương không có việc làm, vi phạm điều lệ Đảng phải bị xử lý kỷ luật theo hình thức xóa tên hoặc tự làm đơn xin ra khỏi Đảng, thiết nghĩ cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó trọng tâm là những nhiệm vụ như sàng lọc ngay đầu vào để chọn đảng viên có bản lĩnh chính trị và trình độ học vấn tốt nghiệp THPT trở lên nhập ngũ. Cần chú trọng việc đón nhận, quản lý và giao nhiệm vụ cho đảng viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự xuất ngũ trở về địa phương; gặp gỡ, động viên các đảng viên đang học nghề tại các trường trong và ngoài quân đội; quan tâm tạo việc làm; hỗ trợ vay vốn để đảng viên phát triển kinh tế gia đình. Có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đảng viên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, từ đó bố trí, sử dụng lâu dài trong cơ quan Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, nhằm góp phần tạo nguồn cán bộ trẻ ở địa phương. Thắt chặt quản lý, hướng dẫn kỹ cho các đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú, làm việc lưu động... để thực sự giữ chân và phát huy hết năng lực, trách nhiệm của đội ngũ này. Đồng thời xây dựng chất lượng đội ngũ đảng viên trẻ kế tiếp cho sự phát triển của địa phương.

Đề cập đến giải pháp của địa phương, đồng chí Lê Văn Cường, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Như Thanh nêu ý kiến: Để khắc phục tình trạng đảng viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương không có việc làm, vi phạm Điều lệ Đảng, bị xóa tên. Trước hết, cần thực hiện nghiêm túc quy trình tiếp nhận đảng viên xuất ngũ về địa phương, 100% đảng viên xuất ngũ của huyện Như Thanh đều được gia nhập đơn vị dự bị động viên, đồng thời làm tốt công tác sắp xếp, giới thiệu sinh hoạt Đảng cho đảng viên là quân nhân xuất ngũ. Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng đề án, đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho các đoàn viên thanh niên, đảng viên trẻ xuất ngũ học các nghề phi nông nghiệp và ưu tiên tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp đang xây dựng trên địa bàn huyện, từ đó làm hạt nhân phát triển Đảng trong các doanh nghiệp theo đúng chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước. Trong đó, chính quyền cơ sở phải thể hiện được vai trò trong việc kết nối với các doanh nghiệp; khảo sát, lập danh sách cụ thể bộ đội xuất ngũ chưa có việc làm ổn định để hỗ trợ.

Có giải pháp thích đáng, quan tâm tạo điều kiện cho đảng viên là quân nhân xuất ngũ, tin chắc rằng, với bản lĩnh chính trị vững vàng, họ sẽ đóng góp được nhiều hơn cho xã hội, “truyền lửa” cho những thế hệ kế tiếp. Mặt khác, phát huy tốt vai trò của đảng viên là bộ đội xuất ngũ còn có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận ở địa phương, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/phat-huy-nguon-luc-dang-vien-xuat-ngu-nbsp-tao-nguon-can-bo-cho-dia-phuong/138520.htm