Phát huy hơn nữa giá trị di sản khu Hoàng thành Thăng Long

Hoàng thành Thăng Long là quần thể công trình kiến trúc đồ sộ được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Nơi đây cũng là điểm đến không thể thiếu của mỗi du khách khi ghé thăm Hà Nội.

Thời gian vừa qua, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nhằm giới thiệu rộng rãi giá trị các di sản đến nhân dân, du khách trong và ngoài nước.

Trong đó, nổi bật có một số sự kiện thường niên, gắn với khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, như: Hội sách Hà Nội, Liên hoan Du lịch làng nghề, Liên hoan âm nhạc quốc tế Gió mùa...

Cần phát huy hơn nữa giá trị di sản khu Hoàng thành Thăng Long

Cần phát huy hơn nữa giá trị di sản khu Hoàng thành Thăng Long

Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội cũng chủ động triển khai phối hợp với các công ty du lịch để xây dựng Đề án phát triển du lịch Hoàng Thành Thăng Long, đưa nơi đây thành một điểm đến trong hành trình khám phá các điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội...

Đặc biệt, Trung tâm đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai Chương trình giáo dục di sản Hoàng Thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa trong các trường học trên địa bàn. Trong năm học 2018-2019, đã có trên 19 nghìn học sinh tham gia chương trình giáo dục di sản.

Các nữ công nhân viên chức lao đông Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, Liên đoàn Lao động quận Tây Hồ tổ chức dâng hương, thăm quan tại Điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long.

Từ những nỗ lực không ngừng nghỉ, lượng du khách đến với Hoàng Thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa cũng ngày càng tăng lên, nếu nhu năm 2016 có gần 400 nghìn lượt du khách thì đến năm 2018 đạt 620 nghìn lượt và ước đến năm 2020 là 970 nghìn lượt. Tổng thu từ khách du lịch năm 2016 đạt 6,23 tỷ đồng; ước cả năm 2019 đạt trên 12 tỷ đồng...

Bên cạnh những kết quả khả quan, ông Trần Việt Anh Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, cũng nêu ra những khó khăn, hạn chế, như: Tốc độ tăng trưởng về lượng khách và doanh thu đạt chỉ tiêu, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, nhất là tại Khu di tích Cổ Loa; việc triển khai một số đề án, dự án trọng tâm của Trung tâm còn chậm; hạ tầng, cơ sở vật chất, cảnh quan chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch; chưa có nhiều di chỉ, hiện vật khảo cổ... nên chưa có tính hấp dẫn về du lịch, do đó, để đưa di sản đến đúng “tầm” vẫn còn là chặng đường dài để đi.

Anh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/phat-huy-hon-nua-gia-tri-di-san-khu-hoang-thanh-thang-long-100091.html