Phát huy hơn nữa giá trị các di tích cách mạng

Hệ thống di tích cách mạng trên địa bàn tỉnh không quá dày đặc, nhưng nhiều di tích mang giá trị lịch sử lớn, ghi đậm dấu ấn một thời quân và dân Quảng Ninh cùng cả nước kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Có thể kể tới các di tích tiêu biểu như Trung tâm Đệ tứ chiến khu Đông Triều, cụm di tích cách mạng mỏ Mạo Khê, Đồn Cao, đình chùa Hổ Lao (Đông Triều), di tích Khe Tù (Tiên Yên), Khe Mai (Vân Đồn), Vũng Đục (Cẩm Phả), núi Bài Thơ (Hạ Long), đồi Trần Phú, di tích Pò Hèn (Móng Cái)…

Di tích cấp quốc gia Trung tâm Đệ tứ chiến khu Đông Triều đang được thi công giai đoạn II với tổng thể nhiều hạng mục. Đây là di tích cách mạng có sự đầu tư lớn của tỉnh.

Di tích cấp quốc gia Trung tâm Đệ tứ chiến khu Đông Triều đang được thi công giai đoạn II với tổng thể nhiều hạng mục. Đây là di tích cách mạng có sự đầu tư lớn của tỉnh.

Trong những năm qua hầu hết các di tích cách mạng đều đã được tỉnh trích ngân sách đầu tư, tôn tạo; một số trong đó đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh… Tuy nhiên, việc đầu tư cho các di tích cách mạng do đặc thù khó huy động vốn xã hội hóa nên mới ở mức độ ban đầu, vẫn chưa thực sự tương xứng; hơn nữa công tác khai thác, phát huy, làm lan tỏa giá trị các di tích cách mạng đến người dân và trong đời sống cũng chưa cao.

Trung tâm Đệ tứ chiến khu Đông Triều với cốt lõi là chùa Bắc Mã hiện là di tích cách mạng được đầu tư lớn nhất tỉnh. Di tích này sau 3 năm hoàn thành giai đoạn I, hiện nay đang được triển khai xây dựng giai đoạn II với các hạng mục đình, chùa, nhà truyền thống, sân nền, khuôn viên, tường bao… tổng giá trị đầu tư gần 30 tỷ đồng. Mục tiêu tiến độ của dự án là hoàn thành trước ngày 8/6/2020, nhằm kỷ niệm 75 năm thành lập Đệ tứ chiến khu Đông Triều. Các di tích cách mạng còn lại trên địa bàn tỉnh hiện được đầu tư theo hướng giữ hiện trạng, một số di tích ở dạng được khoanh vùng bảo vệ, chưa được đầu tư tôn tạo, nhất là những di tích hiện đang nằm trong diện tích đất quốc phòng hoặc trên những địa hình khó khăn.

Hạng mục đình Bắc Mã thuộc Trung tâm Đệ tứ chiến khu Đông Triều đã sắp hoàn thành

Phần lớn nguyên vật liệu xây dựng đình Bắc Mã đều là chất liệu gỗ, nhằm giữ giá trị gốc của di tích.

Về công tác khai thác, phát huy giá trị di tích cách mạng, hiện nay TP Móng Cái đang là địa phương được ghi nhận làm khá tốt. Mặc dù cả 3 di tích cách mạng của thành phố là đồi Trần Phú, Đồn Biên phòng 209 Pò Hèn, địa điểm thành lập chi bộ đảng đầu tiên của TP Móng Cái chỉ là di tích cấp tỉnh, tuy nhiên đều được người dân Móng Cái biết đến, đồng thời thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Trong đó, địa điểm thành lập chi bộ đảng đầu tiên của TP Móng Cái nằm dưới chân cầu Ka Long hiện là địa chỉ giáo dục lịch sử, truyền thống cho học sinh, sinh viên và thanh niên không chỉ địa bàn Móng Cái mà là toàn tỉnh. Di tích Đồn Biên phòng 209 Pò Hèn đang được gắn với mô hình làng dân tộc thiểu số Hải Sơn để trở thành điểm du lịch ấn tượng của Móng Cái. Đây cũng là di tích mang giá trị lớn lao trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979, đồng thời cũng là cột mốc văn hóa nơi biên cương, nên đang được TP Móng Cái củng cố thêm căn cứ để đề xuất cấp trên trình Chính phủ công nhận di tích quốc gia.

Địa điểm thành lập chi bộ đảng đầu tiên của TP Móng Cái là nơi giáo dục truyền thống cho học sinh thành phố. Ảnh Trung tâm TTVH Móng Cái cung cấp năm 2019

Đáng nói, ngoài TP Móng Cái, việc khai thác, phát huy giá trị di tích cách mạng ở hầu khắp các địa phương còn lại của tỉnh chưa tạo được dấu ấn. Các di tích ít được người dân quan tâm, nhớ tới, ngay cả đối với những di tích cách mạng đã được xác định có giá trị lớn của tỉnh. Như đối với 4 di tích tại Đông Triều là Trung tâm Đệ tứ chiến khu Đông Triều, cụm di tích cách mạng mỏ Mạo Khê, Đồn Cao và đình chùa Hổ Lao. Với các di tích này, mặc dù thị xã đã sớm đưa vào hệ thống điểm du lịch, đồng thời thiết kế thành tuyến du lịch di tích cách mạng Bắc Mã - Hổ Lao - Đồn Cao - Mạo Khê, tuy nhiên hiện chưa có hãng lữ hành nào khai thác dịch vụ, đưa du khách tới tham quan.

Thực tế trên cho thấy, đơn vị chức năng tỉnh cũng như các địa phương cần phải có sự đầu tư, quan tâm hơn trong công tác đầu tư và phát huy giá trị nhóm di tích cách mạng trên địa bàn. Đây thực sự là tài sản, tài nguyên quý không chỉ để gắn với du lịch, qua đó phát triển kinh tế, mà còn giáo dục truyền thống, làm vang vọng sự hào hùng của vùng đất và con người Quảng Ninh.

Công trình đài tưởng niệm tại di tích Đồn Biên phòng 209 Pò Hèn.

Việt Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202004/phat-huy-hon-nua-gia-tri-cac-di-tich-cach-mang-2480791/