Phát huy hiệu quả vai trò của báo chí trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay

Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, sáng 16-6, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia 'Vai trò của báo chí trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam hiện nay'.

Đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư phát biểu tại hội thảo.

Đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư phát biểu tại hội thảo.

NDĐT - Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, sáng 16-6, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Vai trò của báo chí trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam hiện nay”.

Hơn 70 bài tham luận và các ý kiến trình bày tại Hội thảo của các nhà khoa học, các cán bộ, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Ban Tuyên giáo T.Ư, Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và nhiều cơ quan báo chí T.Ư khác…, tập trung bàn về 5 nội dung: Những vấn đề lý luận về vai trò của báo chí trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Bối cảnh trong nước, quốc tế tác động đến vai trò của báo chí trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay; Thực trạng vai trò của báo chí trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam hiện nay; Những vấn đề đang đặt ra đối với vai trò của báo chí trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam hiện nay; Phương hướng, giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam trong thời gian tới.

Trong suốt 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn, xem đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định đến sức mạnh và uy tín của Đảng. Bước vào thời kỳ đổi mới với những thời cơ mới, thách thức mới, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng trở nên bức thiết. Trước tình hình đó, ngày 26-6-1992, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa VII đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW về “Một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”. Tiếp đó, ngày 2-2-1999, Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa VIII ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”.

Bước sang thế kỷ XXI, thực tiễn tiếp tục đặt ra những vấn đề mới, cấp thiết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chính vì vậy, ngày 16-1-2012, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Sau đó không lâu, ngày 30-10-2016, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-TW về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”….

Các Nghị quyết trên, đặc biệt là Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII rất chú trọng vào nhiệm vụ nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về những nguy cơ, đồng thời đề ra các giải pháp đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu;...

Toàn cảnh hội thảo.

Thực hiện các nghị quyết của Đảng, trong những năm qua, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi một bước những tiêu cực, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế: công tác đấu tranh phát hiện, ngăn chặn và xử lý tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; tình trạng tiêu cực, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng; sự phai nhạt lý tưởng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn diễn biến phức tạp;... làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Trong khi đó, các thế lực thù địch, phản động vẫn đang tìm mọi cách phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Chúng ra sức kích động, chia rẽ nội bộ Đảng; chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân; xuyên tạc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng;…

Để công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng đem lại hiệu quả cao, cần phải phát huy sự chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân. Trong đó, báo chí có vai trò rất quan trọng. Chính vì vậy, Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII khẳng định: “Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm quy định về thông tin, báo chí, tuyên truyền”.

Kết luận số 23-KL/TW, ngày 22-11-2017 của Ban Bí thư về “Tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” cũng nhấn mạnh: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân để phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Theo Ban Tuyên giáo T.Ư, kể từ số Báo Thanh Niên đầu tiên (21-6-1925), tính đến ngày 30-11-2019, cả nước có 850 cơ quan báo chí, trong đó có 179 cơ quan báo, 648 tạp chí, 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình với hai đài Quốc gia, 64 đài địa phương, năm kênh truyền hình. Hiện, hơn 41.000 người đang công tác tại các cơ quan của cả bốn loại hình báo chí (trong đó, có 20.407 người được cấp thẻ nhà báo), sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội và hơn 200 Chi hội trực thuộc T.Ư Hội Nhà báo Việt Nam.

Về tổng thể, báo chí nước ta đã phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ toàn diện: Tăng loại hình; tăng số lượng cơ quan báo chí; tăng số đầu báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình, ấn phẩm, chương trình; tăng chất lượng nội dung, hình thức, công nghệ in ấn, truyền tải thông tin; tăng số lượng, phạm vi phát hành, phạm vi phủ sóng; tăng số lượng nhà báo và đội ngũ những người làm việc trong các cơ quan báo chí; tăng số lượng công chúng báo chí, nhất là ở nước ngoài; tăng nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật báo chí… Cùng với sự gia tăng nhanh chóng về lượng, thì vai trò, đóng góp và ảnh hưởng xã hội của báo chí đối với công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và thỏa mãn nhu cầu thông tin cho người dân cũng tăng lên.

Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và Nhà nước, gắn bó và đồng hành với sự nghiệp cách mạng của dân tộc; là phương tiện thông tin, tuyên truyền quan trọng, đồng thời là diễn đàn để nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sự tham gia chủ động, tích cực của báo chí trong thời gian qua đã góp phần làm cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá và đạt nhiều kết quả.

Đặc biệt, báo chí đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhiều cơ quan thông tấn, báo chí đã dành thời lượng đáng kể với những hình thức phong phú, nội dung thiết thực để tuyên truyền, cổ vũ nhân dân góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhiều bài báo có chất lượng tốt, phản ánh kịp thời những tấm gương điển hình tiên tiến; phát hiện, phê phán, lên án những tổ chức, cá nhân có biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tạo nên những áp lực đủ mạnh để các cơ quan, tổ chức chủ động, tích cực hơn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Việc tổ chức Giải Búa liềm vàng trong những năm vừa qua đã tạo động lực quan trọng để nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng, qua đó phát huy hiệu quả vai trò của báo chí trong lĩnh vực công tác này.

Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, việc phát huy vai trò của báo chí trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa được như kỳ vọng. Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII và Kết luận số 23-KL/TW, ngày 22-11-2017 của Ban Bí thư đều khẳng định, việc phát huy vai trò báo chí, của các cơ quan truyền thông trong ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và còn nhiều bất cập, hạn chế.

Việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Để phát huy tối ưu vai trò của báo chí tham gia công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới thì sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước đối với báo chí có ý nghĩa quyết định.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa cơ quan báo chí với các cơ quan liên quan; nhà báo phải chủ động học tập lý luận chính trị, nghiên cứu các nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức cách mạng, tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại; cần phải chú ý nhiều hơn đến việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về báo chí để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

TS NGUYỄN MINH PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/44877102-phat-huy-hieu-qua-vai-tro-cua-bao-chi-trong-xay-dung-chinh-don-dang-hien-nay.html