Phát huy hiệu quả trong thực tế

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định một trong 6 chương trình trọng tâm là phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM) với mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ có 17 huyện, thị xã, thành phố, 88% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 8% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 18,6 tiêu chí/xã.

Phát huy thế mạnh địa phương

Khu vườn mẫu hơn 1.000m2 của gia đình anh Hoàng Văn Tuấn, chị Tào Thị Tình ở thôn Điền Lý, xã Điền Lư, huyện Bá Thước 3 năm trở lại đây luôn xanh mướt cả bốn mùa các loại rau gia vị truyền thống. Với phương thức thâm canh gối vụ, khu vườn đem lại thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng mỗi năm. Khu vườn được đầu tư, quy hoạch bài bản, từ công đoạn gieo trồng, nhổ cỏ, bón phân, diệt trừ sâu bệnh đều dùng phương pháp thủ công, sử dụng dung dịch hữu cơ, có mái che và dàn tưới nước phun tự động... Đồng chí Lê Văn Thắng, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Điền Lý cho biết: "Thôn Điền Lý có 225 hộ dân với hơn 940 nhân khẩu, trong đó có 20% là người dân tộc Mường và 80% là người dân tộc Kinh, chủ yếu là từ huyện Hoằng Hóa di cư lên đây sinh sống từ hàng chục năm trước, chính các hộ dân này đem kinh nghiệm trồng rau màu từ các huyện vùng xuôi lên. Khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chúng tôi lựa chọn 39/141 hộ có vườn rau diện tích trên 500m2 để làm hình mẫu xây dựng mô hình vườn mẫu làm điểm và đã thực hiện thành công. Nếu 5 năm trước đây, thu nhập bình quân đầu người là dưới 15 triệu đồng/năm, nay gấp 3 lần, đạt 45 triệu đồng/năm. Thôn Điền Lý đã cán đích “kiểu mẫu” đầu tiên của huyện vùng cao Bá Thước".

Khác với mô hình khu vườn mẫu tại thôn Điền Lý, Định Tân là xã thứ hai cán đích “kiểu mẫu” của huyện Yên Định theo hướng khuyến khích phát triển đa dạng mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. UBND xã Định Tân đã phát triển 3 mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao, bao gồm 2 mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 1 mô hình trang trại sinh thái trải nghiệm tại thôn Yên Hoành, lợi nhuận mỗi mô hình đạt khoảng 350-500 triệu đồng/năm. Ngoài ra, xã còn phát triển được 4 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 19 gia trại sản xuất cá lúa, 54 trang trại, gia trại chăn nuôi đạt lợi nhuận 200 triệu đồng/mô hình trở lên... Hai HTX nông nghiệp trên địa bàn xã đã thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho gần 50ha chuyên rau màu của người dân. Bên cạnh đó, 12 doanh nghiệp, 273 hộ kinh doanh cá thể, 29 hộ tiểu thương tạo việc làm và thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/người/tháng, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 69,38 triệu đồng/năm và xã không còn hộ nghèo.

Dưa chuột trồng trong nhà kính tại khu công nghệ cao Lam Sơn, Sao Vàng, Thanh Hóa .Ảnh Trương Bá Vinh.

Dưa chuột trồng trong nhà kính tại khu công nghệ cao Lam Sơn, Sao Vàng, Thanh Hóa .Ảnh Trương Bá Vinh.

Dọc các tuyến đường chính cũng như ngõ xóm của xã Định Tân vẫn rợp sắc cờ hoa sau ngày bầu cử. Đồng chí Lê Văn Thuần, Bí thư Đảng ủy xã Định Tân cho hay: “Các con đường đều được đặt tên, nhà dân trong xã đã được đánh số; mặt đường được thảm nhựa. Toàn bộ đường làng, ngõ xóm của chúng tôi đều được các hộ dân đồng thuận hiến đất để mở rộng từ 4m trở lên, các tuyến đường chính của thôn đều rộng hơn 8m, bất cứ ngõ nào xe ô tô con cũng dễ dàng lưu thông được”.

Tìm hiểu kết quả sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, ông Trần Đức Năng, Chánh văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa-người có hơn 10 năm gắn bó với Chương trình xây dựng NTM cho biết: “Đến hết quý I-2021, toàn tỉnh đã có 8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 327 xã, 685 thôn, bản đạt chuẩn NTM; 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã, 78 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu”.

Còn khó khăn phía trước

Cũng theo ông Trần Đức Năng, con đường để thực hiện các mục tiêu tiếp theo là rất khó khăn, bởi trong số 140 xã chưa đạt chuẩn NTM của Thanh Hóa có tới 115 xã thuộc các huyện miền núi, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, khả năng huy động nguồn lực rất hạn chế.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Thực tế là trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM, một số địa phương chỉ tập trung vào các tiêu chí về cơ sở hạ tầng mà chưa quan tâm đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân; việc huy động nguồn lực đạt kết quả thấp; khó khăn về nguồn vốn và vướng mắc trong sử dụng, kết hợp các nguồn vốn dẫn đến nhiều địa phương lúng túng trong triển khai thực hiện”.

Thực tế trên đòi hỏi thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa phải rà soát các cơ chế, chính sách, bảo đảm có tính đặc thù và tập trung nguồn lực để phát huy hiệu quả trong thực tế xây dựng NTM. Triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quan tâm phát triển các mô hình sản xuất mới mang lại giá trị, hiệu quả cao, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, gắn với đặc điểm tình hình và khai thác, phát huy thế mạnh của từng địa phương; chủ động phối hợp với các ngành, địa phương để rà soát, cân đối nguồn lực, phù hợp với khả năng huy động và nhu cầu vốn cho chương trình xây dựng NTM của các địa phương. Tổ chức thực hiện chương trình một cách thực chất, hướng tới mẫu số chung là nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Bài và ảnh: HOÀNG KHÁNH TRÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/phat-huy-hieu-qua-trong-thuc-te-660738