Phát huy hiệu quả nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài

Việt Nam chủ động nêu rõ những ưu tiên, nhu cầu từ các bộ, ngành, địa phương để qua đó khuyến khích các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đầu tư, hỗ trợ trong các lĩnh vực này.

(Ảnh minh họa. Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

(Ảnh minh họa. Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Ngày 5/7, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tổng kết 21 năm triển khai hoạt động (1996-2017).

Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, về những khó khăn thuận lợi của công tác phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam thời gian qua, những giải pháp nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài thời gian tới.

- Xin ông đánh giá quá trình hình thành và triển khai hoạt động của Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 1996-2017?

Ông Đôn Tuấn Phong: Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ. Đến năm 2000, trong xu thế đổi mới tổ chức bộ máy, cải cách hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã giải thể một số ủy ban phối hợp trong đó có Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ. Năm 2001, trước yêu cầu của tình hình và đặc thù công tác phi chính phủ nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Sự khác nhau giữa hai cơ quan này chính là Ủy ban thành lập năm 1996 phụ trách cả công tác phi chính phủ nước ngoài và công tác phi chính phủ trong nước. Ủy ban công tác phi chính phủ nước ngoài được tái lập năm 2001 chỉ phụ trách công tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Có thể nói, việc thành lập Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ trước đây cũng như là Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài sau này là hết sức quan trọng trong lĩnh vực này. Trước năm 1996, mặc dù đã có một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài đến hoạt động tại Việt Nam vì mục tiêu nhân đạo và phát triển thế nhưng gần như không có một khuôn khổ pháp lý, một cơ quan quản lý Nhà nước nào chịu trách nhiệm toàn bộ về hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; chính vì vậy, chưa thực sự tạo thuận lợi cho các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.

Cùng với việc Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 1996, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế về hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, qua đó cấp giấy phép hoạt động cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, hay nói cách khác là tạo điều kiện pháp lý để các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có thể đến Việt Nam đăng ký hoạt động và hoạt động một cách hợp pháp. Kể từ đó, số lượng các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đến Việt Nam ngày càng tăng. Nhiều chương trình, dự án viện trợ nhân đạo và phát triển được triển khai với quy mô lớn. Viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thực sự đã đóng một phần hết sức ý nghĩa cho quá trình giảm nghèo và phát triển bền vững của Việt Nam.

Trong quá trình hoạt động, công tác xây dựng, hoàn thiện văn bản pháp lý luôn được chú trọng nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Năm 1996, chúng ta mới có một quy chế về hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam. Tới năm 2001, cùng với việc thành lập Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế về quản lý và sử dụng nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài nhằm tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tiếp nhận, xử lý nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Quy chế này nhằm đảm bảo trách nhiệm của phía Việt Nam là nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng nguồn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, đồng thời đảm bảo công tác quản lý nguồn viện trợ này từ góc độ quản lý nhà nước.

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 12 về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Sự nâng cấp về khung pháp lý này đảm bảo tính ràng buộc về mặt pháp lý cao hơn, đồng thời thể hiện sự đổi mới trong công tác phi chính phủ nước ngoài nhìn từ góc độ quản lý nhà nước.

Ví dụ, nếu trước đó, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài khi đến Việt Nam phải xin phép hoạt động thì với Nghị định 12, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký hoạt động dưới ba hình thức: Giấy đăng ký hoạt động, giấy đăng ký lập văn phòng dự án và giấy đăng ký lập văn phòng đại diện. Nghị định 12 đã có những quy định thuận lợi cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài như: thời hạn giấy đăng ký dài hơn nhằm khuyến khích các chương trình dự án trung hạn, dài hạn có quy mô lớn hơn; quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài khi đến Việt Nam...

Có thể nói, đến nay, khung pháp lý cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và hoạt động của họ tại Việt Nam đã tương đối toàn diện. Nghị định 12 tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có thể triển khai các hoạt động nhân đạo và phát triển hiệu quả nhất, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

- Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã có những hoạt động gì trong công tác xúc tiến, vận động viện trợ, thưa ông?

Với tư cách là cơ quan đầu mối và vận động viện trợ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã nỗ lực tăng cường mở rộng hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, vận động nguồn lực tài chính từ họ nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội.

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam liên tục đề xuất với Đảng, Chính phủ các chủ trương, chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình vận động quốc gia về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài các giai đoạn 2006-2010, 2013-2017. Hiện nay, Liên hiệp đang đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chương trình quốc gia cho giai đoạn tiếp theo.

Chương trình vận động quốc gia về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài là một văn bản có tính định hướng, ưu tiên đối với hoạt động viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Nói một cách khác, chúng ta chủ động nêu rõ những ưu tiên, nhu cầu của Việt Nam từ các bộ, ngành, địa phương. Qua đó, khuyến khích các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đầu tư, hỗ trợ trong các lĩnh vực này để phối hợp với các nguồn lực của Nhà nước từ Trung ương tới địa phương.

Nhờ đó, công tác vận động viện trợ đã đạt được những kết quả nhất định. Từ năm 1996-2017, tổng giá trị viện trợ phi chính phủ nước ngoài giải ngân giúp Việt Nam ước đạt khoảng trên 4 tỷ USD. Đây là một nguồn lực có ý nghĩa, giúp giải quyết một phần khó khăn về kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực giảm nghèo, phát triển bền vững ở những ngành, lĩnh vực, địa phương có dự án.

- Trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nguồn viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài ngày càng eo hẹp, ông có thể chia sẻ một số những định hướng, giải pháp triển khai hiệu quả nguồn viện trợ này?

Ông Đôn Tuấn Phong: Khi Việt Nam trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp, xu hướng chung các tổ chức phi chính phủ nước ngoài sẽ giảm ưu tiên bởi, một phần nguồn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ đến từ nguồn ODA. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, một lượng cơ bản nguồn viện trợ đến từ chính các tổ chức phi chính phủ, từ công chúng, các doanh nghiệp, quỹ đầu tư tư nhân...

Việt Nam dù đã trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn và thách thức chưa được giải quyết triệt để như hậu quả chiến tranh kéo dài; một số nhóm đặc biệt gồm người có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa... Cùng với đó là chênh lệch vùng miền, đời sống của nhân dân một số địa bàn còn rất khó khăn, một số tác động mang tính phi truyền thống như tác động của biến đổi khí hậu, những biến đổi xuyên biên giới...Tất cả những khó khăn, thách thức này cho thấy vẫn có cơ hội cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài với tư cách là các đối tác tiếp tục cùng chia sẻ với Việt Nam.

Tôi cho rằng sự quan tâm của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tới các vấn đề của Việt Nam vẫn duy trì. Tuy nhiên, công tác vận động viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài sẽ phải thay đổi theo tình hình mới, gắn chặt chẽ những ưu tiên của Việt Nam với nhu cầu của các địa phương, cộng đồng và các ngành, đồng thời phải mang tính khả thi, phù hợp với định hướng của từng địa phương, từng ngành, rộng hơn là của quốc gia.

- Trân trọng cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/phat-huy-hieu-qua-nguon-vien-tro-phi-chinh-phu-nuoc-ngoai/511660.vnp