Phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, xây dựng Hà Nam phát triển nhanh và bền vững

Nhiều năm trước, Hà Nam vẫn là tỉnh thuần nông, nằm trong vùng chiêm trũng của Đồng bằng Bắc Bộ, kinh tế kém phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tương đối chậm. Khoảng 10 năm trở lại đây, đặc biệt trong nhiệm kỳ 2015-2020, với sự nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và tinh thần đoàn kết, quyết tâm trong toàn đảng bộ, nhân dân, tỉnh Hà Nam chuyển mình mạnh mẽ, vươn lên là một điểm sáng về phát triển kinh tế của cả nước.

Kế thừa những thành tựu đạt được của nhiệm kỳ trước, với tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo, quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Nam đã đoàn kết, phát huy sức mạnh nội lực, tranh thủ ngoại lực, sự đồng thuận của nhân dân, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

1. Tháng 7-2019, Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Nam triển khai xây dựng điểm mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” tại 14 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Sau một năm thực hiện, đến nay mô hình được nhân rộng ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” bắt đầu từ những cử chỉ cụ thể, đơn giản của cán bộ, công chức, như: Thái độ vui vẻ, lời cảm ơn, lời chúc mừng, lời xin lỗi... khi giao tiếp với nhân dân. Qua đó xây dựng, củng cố mối gắn kết chặt chẽ, sự tin cậy, chia sẻ giữa chính quyền và nhân dân; tạo chuyển biến rõ nét trong tác phong, lề lối làm việc, nhận thức trách nhiệm và thái độ phục vụ của cán bộ, đảng viên, từng bước mang đến sự hài lòng cho người dân.

 Thành phố Phủ Lý phát triển năng động.

Thành phố Phủ Lý phát triển năng động.

Đó là những kết quả bước đầu trong thực hiện nội dung “Năm dân vận chính quyền” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Hà Nam. Đây cũng là kết quả tiêu biểu đạt được trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của Đảng bộ tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2015-2020. Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng sâu sát, quyết liệt, quan tâm chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho cơ sở.

Nhiệm kỳ qua, xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Việc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) được triển khai thường xuyên và theo chuyên đề hằng năm. Xây dựng mô hình điểm và đăng ký làm theo Bác Hồ của các tập thể, cá nhân được gắn với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm; tập trung giải quyết những vấn đề vướng, khó ở cơ sở và đề cao vai trò nêu gương của người đứng đầu.

Công tác kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, giám sát được mở rộng và tập trung vào những lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm; xử lý kịp thời các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm; giữ nghiêm kỷ luật đảng. Công tác dân vận, nhất là dân vận chính quyền đạt nhiều kết quả. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tập hợp, vận động nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

2. Mặc dù là tỉnh có quy mô nhỏ cả về diện tích, dân số và ít tiềm lực, nhưng với sự chủ động, sáng tạo của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân; huy động mọi nguồn lực để phát triển, Hà Nam đã vươn mình mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho tỉnh bứt phá trong giai đoạn tới. 5 năm qua, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX..., Tỉnh ủy Hà Nam đã cụ thể hóa các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội bằng 5 nghị quyết chuyên đề mang tính đột phá; đề ra nhiều chủ trương, giải pháp và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng. Toàn tỉnh đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn năm 2016-2020 của tỉnh Hà Nam ước đạt 10,1%, cao thứ hai trong vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 4 cả nước. Quy mô kinh tế tăng gấp 1,7 lần; thu ngân sách tăng trưởng cao và về đích trước hai năm so với mục tiêu đầu nhiệm kỳ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng (chiếm 63%), thương mại-dịch vụ (chiếm 27,5%) và nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 9,5%. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 66,6 triệu đồng, bằng mức bình quân chung của cả nước.

Công nghiệp hóa nông nghiệp không ngừng được đẩy mạnh, Hà Nam đã thực hiện thành công nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn với sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân; chuyển dịch mạnh lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 1,12%/năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và hiệu quả. Đến nay, 6/6 huyện, thành phố, thị xã trên toàn tỉnh được công nhận và hoàn thành xây dựng nông thôn mới; 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Hà Nam về đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo, tạo nền tảng phát triển công nghiệp với tốc độ cao và bền vững, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và đạt nhiều kết quả tích cực. Ngành công nghiệp của tỉnh duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016-2020 ước đạt gần 470.000 tỷ đồng, tăng bình quân 14,4%/năm. Hà Nam luôn nằm trong tốp đầu của cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong tổng số 470 dự án thu hút đầu tư từ đầu năm 2016 đến nay, có 162 dự án có vốn đầu tư nước ngoài; nhiều dự án lớn có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp cũng như các lĩnh vực kinh tế-xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.

Thương mại, dịch vụ, du lịch của tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bước đầu tạo được tiền đề đưa Hà Nam trở thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao cấp vùng về y tế, giáo dục-đào tạo. Du lịch có bước phát triển vượt bậc, nhất là sau khi phối hợp tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc-Vesak 2019, Hà Nam được thế giới và cả nước biết đến là một điểm sáng về du lịch. Hà Nam đã triển khai nhiều giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; tăng cường quản lý quy hoạch; củng cố phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, thúc đẩy đô thị hóa và liên kết vùng. Diện mạo đô thị ở Hà Nam có nhiều thay đổi, TP Phủ Lý được công nhận là đô thị loại II, Duy Tiên được công nhận là thị xã, đây là những điểm nhấn rõ nét nhất trong nhiệm kỳ.

Một góc Khu công nghiệp Đồng Văn IV, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Ảnh: TRƯƠNG DŨNG

Là tỉnh cửa ngõ phía nam của Thủ đô Hà Nội, Hà Nam có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội cũng như xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh, đặc biệt là trong xây dựng khu vực phòng thủ. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền ở Hà Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, cấp ủy các cấp luôn coi trọng nhiệm vụ củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh-trật tự, xem đây là tiền đề, điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội. Nhiệm kỳ qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong toàn tỉnh Hà Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác quân sự, quốc phòng địa phương và công tác bảo đảm an ninh-trật tự. Tiềm lực, thế trận quân sự khu vực phòng thủ tỉnh được tăng cường, nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố vững chắc.

3. Bước vào chặng đường 5 năm tới, Hà Nam đặt mục tiêu phấn đấu đạt mức phát triển khá của vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Đến năm 2025, có tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10%, tự cân đối ngân sách, GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung của cả nước và đặt mục tiêu đến năm 2035, Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, xây dựng Hà Nam phát triển nhanh và bền vững...

Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam xác định thực hiện tốt 3 khâu đột phá: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát huy lợi thế liên kết vùng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là hiện đại hóa nền hành chính, cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động.

MINH MẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-huy-hieu-qua-moi-nguon-luc-xay-dung-ha-nam-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-635717