Phát huy hiệu quả của mô hình phố đi bộ

Hà Nội là thành phố có bề dày văn hóa nghìn năm, vẻ đẹp của những di sản vật thể, phi vật thể hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Thời gian qua, thành phố đã có nhiều biện pháp để phát huy giá trị này, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nổi bật phải kể đến mô hình phố đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Tại Tô-ki-ô (Nhật Bản) cách đây ít ngày, UBND thành phố Hà Nội phối hợp Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tổ chức Hội nghị Xúc tiến điểm đến du lịch Hà Nội - Việt Nam tới thị trường Nhật Bản. Gian hàng của Hà Nội thu hút khoảng 30 nghìn khách tham quan. Cùng với hình ảnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các loại hình nghệ thuật truyền thống, điểm nhấn của hội nghị chính là giới thiệu các hoạt động của không gian đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm. Sở dĩ không gian phố đi bộ được lựa chọn khi “đem chuông đi đánh xứ người” là bởi, sau hai năm hoạt động, phố đi bộ đã trở thành một trong những địa chỉ được ưa thích của khách trong nước và quốc tế khi đến Hà Nội vào mỗi dịp cuối tuần.

Còn nhớ cách đây hơn hai năm, quận Hoàn Kiếm đã thí điểm tổ chức không gian hồ Hoàn Kiếm và khu vực phụ cận thành phố đi bộ từ tối thứ sáu cho đến đêm chủ nhật hằng tuần. Khác với tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Hàng Ngang - Đồng Xuân, hay các tuyến phố đi bộ mở rộng trong khu phố cổ (Lương Ngọc Quyến, Mã Mây, Tạ Hiện...), quận Hoàn Kiếm mong muốn kiến tạo hồ Hoàn Kiếm thành không gian văn hóa, với các hoạt động văn hóa - nghệ thuật do thành phố tổ chức; đồng thời, tạo điều kiện để tất cả các tổ chức, cá nhân có thể biểu diễn trên phố đi bộ. Đã có những băn khoăn về tổ chức giao thông, về an ninh trật tự và cả hoạt động kinh doanh của một số hộ gia đình tại các tuyến phố quanh hồ. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, những nghi ngại đó được xua tan. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong cho biết, từ tháng 9-2016 đến tháng 9-2018, không gian đi bộ đã tổ chức hàng trăm sự kiện và nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật phong phú, đa dạng, ấn tượng. Trong đó đã có 185 sự kiện văn hóa được tổ chức với quy mô lớn. Không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa - nghệ thuật của Hà Nội, mà còn là nơi giao lưu văn hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, cũng như với bạn bè quốc tế. Nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức các sự kiện, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của địa phương, các sự kiện văn hóa do các cơ quan, đơn vị tổ chức tại đây. Cùng với đó, phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm còn là “sân khấu” của những người đam mê biểu diễn nghệ thuật. Chung quanh hồ, các “nghệ sĩ đường phố” trình diễn đủ loại hình nghệ thuật, từ nghệ thuật truyền thống, cho đến âm nhạc hiện đại... Hồ Hoàn Kiếm còn là nơi tái hiện nhiều trò chơi dân gian như: nhảy dây, kéo co, chơi ô ăn quan...

Nếu hoạt động đi bộ trong khu phố cổ thu lợi nhuận từ buôn bán, kinh doanh, thì việc kiến tạo không gian văn hóa tại phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm đem lại lợi nhuận một cách gián tiếp. Trung bình ban ngày có khoảng ba nghìn đến năm nghìn người, buổi tối khoảng 15 nghìn đến 20 nghìn người đến đây tham quan, vui chơi, vào những dịp lễ, Tết, số lượng người còn đông hơn...

Nhờ thế, lượng khách du lịch lưu trú đến quận Hoàn Kiếm tăng nhanh. Năm 2017, quận Hoàn Kiếm thu hút gần 1,8 triệu lượt khách lưu trú, tăng 33% so với năm 2016; đến hết tháng 9-2018 đã có hơn 1,42 triệu lượt khách, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2017. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng tăng cao. Năm 2016 đạt khoảng 5.215 tỷ đồng, năm 2017 đạt 6.018 tỷ đồng. Dự kiến năm 2018 đạt khoảng 7.500 tỷ đồng. Có gần 600 hộ trên địa bàn chuyển đổi mô hình kinh doanh sang phục vụ du lịch. Trên địa bàn quận có 585 khách sạn và cơ sở lưu trú, tăng 121 cơ sở so với năm 2017.

Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm đã trở thành một hình mẫu thành công trong việc khai thác giá trị văn hóa để phát triển kinh tế. Trên cơ sở của mô hình này, UBND quận Tây Hồ đã đưa vào khai thác “Không gian biểu diễn nghệ thuật ẩm thực đường phố quận Tây Hồ” (tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn) bên hồ Tây. Cùng với các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, điểm nhấn của phố đi bộ Trịnh Công Sơn là khai thác thế mạnh ẩm thực của địa phương, nổi bật như chè sen Quảng An, xôi Phú Thượng... Với không gian rộng lớn hơn, phố đi bộ Trịnh Công Sơn có thể tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí quy mô lớn. Vào các ngày cuối tuần, mỗi ngày có khoảng năm nghìn đến sáu nghìn khách tham quan; qua đó, thúc đẩy hoạt động dịch vụ, thương mại trên địa bàn.

Hà Nội là thành phố có bề dày văn hóa nghìn năm, vẻ đẹp của những di sản vật thể, phi vật thể hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Nhưng tiềm năng ấy chỉ thật sự có ý nghĩa khi được phát huy, khai thác hợp lý, để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động của các tuyến phố đi bộ là điển hình của mô hình khai thác giá trị văn hóa để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số hạn chế trong công tác quản lý như: bất cập trong việc trông giữ xe, xử lý những đối tượng bán hàng rong, tình trạng đem súc vật không rọ mõm gây nguy hiểm vào không gian phố đi bộ... cần sớm được khắc phục để những mô hình này tiếp tục phát huy hiệu quả, trở thành không gian văn hóa, nơi sinh hoạt chung đúng nghĩa

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/37819702-phat-huy-hieu-qua-cua-mo-hinh-pho-di-bo.html