Phát huy hào khí Trường Sơn trong thời kỳ mới

Những ngày tháng 5 lịch sử này, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vui mừng kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 - 19-5-2019).

Cách đây 60 năm, để đáp ứng yêu cầu chi viện cho cách mạng miền nam, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Trung ương (T.Ư) Đảng về mở tuyến vận tải chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, ngày 19-5-1959, Tổng Quân ủy T.Ư (nay là Quân ủy T.Ư), Bộ Quốc phòng quyết định thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (tiền thân của Đoàn 559), làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng hóa, tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ, chuyển công văn, tài liệu từ bắc vào nam và từ nam ra bắc. Đây là một quyết định lịch sử, thể hiện tư duy sáng tạo chiến lược của Đảng, nhãn quan sắc bén của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ của toàn thể dân tộc ta.

Trong suốt 16 năm hoạt động (1959-1975), Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh và Bộ đội Trường Sơn đã phát huy vai trò to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện từ hậu phương lớn cho các chiến trường miền nam Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia, góp phần làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cuộc Tiến công chiến lược năm 1972, Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào. Đặc biệt, từ năm 1973 đến 1975, Bộ đội Trường Sơn đã nỗ lực vượt bậc, xây dựng, tu sửa, nâng cao chất lượng cầu, đường đáp ứng yêu cầu của thời cơ chiến lược mới trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Bộ đội Trường Sơn đã kịp thời tổ chức vận chuyển từng binh đoàn chủ lực lớn của Quân đội ta, đưa khối lượng lớn cơ sở vật chất kỹ thuật vào chiến trường miền nam; bám sát các mũi tiến công của bộ binh, vừa tháo gỡ bom, mìn, vừa nhanh chóng sửa chữa, bắc lại cầu mới cho đại quân ta tiến vào giải phóng các thành phố, thị xã và giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng ngày 30-4-1975.

Những năm tháng chiến tranh, đường Trường Sơn mang tên Bác không chỉ giữ vai trò là tuyến chi viện chiến lược, mà còn là chiến trường tổng hợp, ác liệt, nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch. Trong đó, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã dùng mọi thủ đoạn, với các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân, hiện đại đánh phá điên cuồng nhằm cắt đứt tuyến chi viện chiến lược, nhưng không đè bẹp được ý chí, tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm của Bộ đội Trường Sơn; của quân và dân địa phương nơi có tuyến đường đi qua, sự giúp đỡ của cách mạng Lào, Cam-pu-chia. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, hàng chục nghìn người lính Trường Sơn và biết bao nam nữ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc đã đổ mồ hôi, xương máu, hy sinh tuổi thanh xuân, vượt qua mưa bom, bão đạn, thời tiết khắc nghiệt, khắc phục muôn vàn khó khăn, gian khổ, kiên cường bám trụ, vừa mở đường, giữ đường, với khí thế “sống bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”, tất cả để cho xe lăn bánh hướng tới chiến trường; vừa chống trả biệt kích, thám báo, đập tan các cuộc hành quân ngăn chặn của Mỹ và chính quyền Sài Gòn; góp phần đưa cách mạng miền nam đánh bại từng chiến lược chiến tranh, thực hiện thắng lợi tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc.

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền nam, góp phần quyết định thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và đi vào lịch sử dân tộc ta như một huyền thoại, biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Tuyến vận tải chi viện chiến lược Trường Sơn là thành công đặc biệt xuất sắc trong đường lối, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền nam của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; là sự thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân, được biểu hiện sinh động bằng quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Đó còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết quốc tế, liên minh chiến đấu tình nghĩa, thủy chung giữa quân đội và nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia; sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, có hiệu quả của Chính phủ và nhân dân Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em; của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới...

Đất nước hòa bình, thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiếp nối truyền thống anh hùng, vận dụng, phát triển sáng tạo bài học kinh nghiệm từ xây dựng, bảo vệ tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ đất nước. Qua hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, đất nước có bước phát triển toàn diện, giành được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực, có ý nghĩa lịch sử.

60 năm đã trôi qua, nhưng kỳ tích Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn mãi ngời sáng trong trang sử oanh liệt của dân tộc ta như một thiên anh hùng ca bất tử, tô thắm truyền thống đánh giặc, giữ nước của Quân đội nhân dân và dân tộc Việt Nam anh hùng; là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Chúng ta mãi trân trọng, tri ân sâu sắc công lao, cống hiến của quân và dân ta, nhất là những chiến công, đóng góp to lớn của Bộ đội Trường Sơn đã chiến đấu, anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Phát huy truyền thống anh hùng, hào khí Trường Sơn năm xưa, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng..., viết tiếp huyền thoại Trường Sơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

NHÂN DÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/xa-luan/item/40227202-phat-huy-hao-khi-truong-son-trong-thoi-ky-moi.html