Phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Là thành phố phát triển bậc nhất cả nước, TP Hồ Chí Minh đang trong quá trình hội nhập quốc tế một cách sâu rộng. Trong quá trình đó, thành phố luôn tìm cách bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, nhằm tạo động lực phát triển bền vững.

Biểu diễn nhạc dân tộc phục vụ công chúng ở phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Sau hơn 30 năm đổi mới và phát triển toàn diện, việc phát huy văn hóa truyền thống ở TP Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả quan trọng. Thành phố đã gắn việc phát huy giá trị truyền thống văn hóa với các phong trào của các tổ chức đoàn thể như: Phong trào "Phục vụ nhân dân theo 12 điều y đức" trong ngành y; phong trào "Học tập Sáu điều Bác Hồ dạy" của ngành công an; phong trào "Thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước" của Ðoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ,… Các cuộc vận động, các phong trào thi đua đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng, giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh cũng như việc rèn luyện tư tưởng, đạo đức, lối sống tích cực cho người dân.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục truyền thống lịch sử cũng được các địa phương quan tâm thông qua tổ chức các hoạt động lễ hội, các chương trình nghệ thuật truyền thống, nhằm khôi phục, chọn lọc và phát huy các giá trị tốt đẹp của dân tộc. Các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Xây dựng nông thôn mới" và các phong trào xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa… đã góp phần tạo ra môi trường tốt đẹp, nuôi dưỡng, phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc trong cộng đồng, trong mỗi người dân. Về xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè) hôm nay, dễ dàng nhận thấy niềm vui trên nét mặt mỗi người dân nơi đây. Những đường hẻm, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp, giúp việc đi lại của người dân trở nên thuận lợi, không còn khó khăn như trước. Ðó là nhờ vào sự chung tay, chung sức của người dân Phước Lộc khi biết phát huy tình đoàn kết để xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Trong đó, điển hình gia đình ông Nguyễn Văn Hải ở ấp 4, xã Phước Lộc. Gia đình ông luôn đi đầu trong việc thực hiện chủ trương vận động người dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn dù diện tích đất của gia đình không nhiều. Gia đình ông đã ủng hộ gần 500 m2 đất, trị giá 2,3 tỷ đồng để mở rộng hẻm 7 và bờ kè ấp 4. Tấm gương gia đình ông Hải đã lan tỏa đến từng hộ dân trong ấp, tạo nên sức mạnh tập thể để cùng nhau xây dựng nông thôn ngày thêm tươi đẹp.

Không khí thi đua đoàn kết để giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở thành phố trong thời gian qua luôn sôi nổi, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của quần chúng nhân dân. Mỗi ban, ngành, tổ chức đoàn thể các cấp đều có những mô hình, việc làm thiết thực, thể hiện sự tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách", đưa hộ nghèo thoát nghèo. Anh Cao Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thới Ðông, huyện Hóc Môn cho biết, hội luôn tổ chức nhiều hoạt động để giúp đỡ các hộ nông dân nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn. Từ việc hỗ trợ vốn, đến hướng dẫn khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao được tổ chức thường xuyên để người dân có thêm kiến thức, điều kiện làm ăn. Không những thế, những người đi trước trong việc thoát nghèo tiếp tục hỗ trợ những hộ chưa thoát nghèo bằng nhiều hình thức để họ có điều kiện vươn lên. "Nhiều hộ dân khá đã hỗ trợ hộ nghèo bằng những đồng vốn không lấy lãi, hay cung cấp giống cây, vật nuôi để các hộ có điều kiện sản xuất. Ngoài ra, hội viên còn góp sức vận động cho con của các hộ nghèo những góc học tập để các cháu có điều kiện học tập tốt hơn, giúp hộ nông dân nghèo giảm bớt gánh nặng", anh Tuấn chia sẻ. Chính sự đùm bọc, tương thân tương ái đó, TP Hồ Chí Minh đã trở thành địa phương đi đầu trong cả nước và trở thành "điểm sáng" trong thực hiện chương trình giảm nghèo. Hiện nay, số hộ nghèo có thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm trên địa bàn thành phố còn 0,89% (17.389 hộ); hộ cận nghèo có thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm còn 2,39% (46.971 hộ). Thành tựu đạt được trong lĩnh vực giảm nghèo bền vững đã góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, đẩy lùi các tư tưởng cổ hủ, lạc hậu và các tệ nạn xã hội.

TP Hồ Chí Minh đang tập trung cao độ phát huy nội lực và huy động ngoại lực cho sự phát triển bền vững. Ðể phát huy hiệu quả, đòi hỏi tăng cường giáo dục giá trị văn hóa cho mỗi người dân, tinh thần yêu nước trong mỗi người dân thành phố, nhất là giới trẻ, phải gắn với mục tiêu, chương trình hành động cụ thể, thiết thực. Các hoạt động giáo dục về giá trị văn hóa truyền thống phải luôn được đẩy mạnh nhằm bồi dưỡng, giáo dục nhân cách con người trước những thử thách, tác động từ mặt trái cơ chế thị trường. Theo Thạc sĩ Bùi Thành Ðạt, Học viện An ninh nhân dân, thành phố phải xây dựng, xác lập bản lĩnh văn hóa cho người dân và biết kết hợp hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại nhằm tạo động lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước, TP Hồ Chí Minh cần xác lập bản lĩnh văn hóa cho người dân để mỗi người biết trân trọng giữ vững giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, đồng thời biết tẩy chay, loại trừ văn hóa lai căng từ bên ngoài tác động vào trong quá trình phát triển hội nhập.

Tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới, bên cạnh phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, TP Hồ Chí Minh sẽ tạo ra được sức mạnh nội sinh, trở thành động lực để phát triển bền vững trong tương lai.

Bài, ảnh: Linh Nguyễn

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/37305302-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong.html