Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam

Trong bài viết với tiêu đề 'Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới' đăng trên Báo Hànôịmới ra ngày 1-9-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến nội dung rất quan trọng là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Đông đảo dư luận bày tỏ đồng tình và tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong nhiệm kỳ tới, nước ta sẽ sớm hoàn thiện và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người...

Tạo đột phá mạnh mẽ trong phát triển nguồn nhân lực thông qua đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ giáo dục và đào tạo. Trong ảnh: Giờ nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch):
Văn hóa phải là nền tảng tinh thần của xã hội

Tôi rất tâm đắc với bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đặc biệt là nội dung: “Phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội” trong tư tưởng chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta trong giai đoạn tới.

Đây là tư tưởng đã được khẳng định qua nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Việc nhắc lại nội dung này cho thấy sự quan tâm mang tính xuyên suốt đối với vai trò của văn hóa trong sự phát triển đất nước của Đảng ta, đồng thời cũng khẳng định, phát triển văn hóa chính là mục đích của sự phát triển bền vững đất nước.

Khi văn hóa là nền tảng tinh thần và là mục đích, văn hóa có tác dụng trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó văn hóa góp phần cùng với các lĩnh vực khác như kinh tế, chính trị, xã hội đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng về một đất nước hùng cường của toàn dân tộc. Vì thế, văn hóa đã, đang và sẽ luôn phải là nền tảng tinh thần của xã hội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội:
Tạo động lực mới cho đội ngũ trí thức, các nhà khoa học yên tâm cống hiến

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng rất quan trọng. Đây là bản tóm tắt những kết quả kèm đánh giá, nhận định trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; chỉ ra những khó khăn, tồn tại, bài học kinh nghiệm vô cùng sâu sắc cũng như đề ra mục tiêu, vừa mang tính định hướng, tổng quát dài hạn, vừa mang tính thực tiễn, đặc thù, cụ thể trong chặng đường sắp tới để đưa dân tộc ta, đất nước ta tới đích phát triển.

Có thể nói, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã mở hướng cho lao động sáng tạo của đội ngũ trí thức Việt Nam bằng việc đánh giá đúng vai trò, động viên kịp thời, tạo thời cơ để phát triển, song cũng chỉ ra những thách thức phải vượt qua; đồng thời xác định những nội dung lao động sáng tạo trong điều kiện mới và nêu lên các chủ trương cùng giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam - lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu “thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu” như tiếp thêm sức mạnh, niềm tin, niềm phấn khởi, tạo động lực mới cho đội ngũ trí thức, các nhà khoa học Việt Nam yên tâm cống hiến và phục vụ đất nước.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội:
“Lấy xây để chống”, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực

Qua nghiên cứu bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tôi nhận thấy bài viết đã đánh giá đầy đủ, toàn diện các mặt, từ thành tựu, bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ qua đến phương hướng, nhiệm vụ của giai đoạn tiếp theo.

Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bài viết đã đánh giá sâu sắc về những bài học kinh nghiệm quan trọng, đó là “thực sự coi trọng, phát huy vai trò của giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong điều kiện mới”. Tôi rất tâm đắc với định hướng, đồng thời cũng là những giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo những năm tiếp theo, đó là: “Tạo đột phá mạnh mẽ trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ giáo dục và đào tạo; trong đó chú trọng xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách, đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, xử lý nghiêm các tiêu cực trong giáo dục và đào tạo”.

Giáo dục và đào tạo có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng những con người mới với hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người trong thời kỳ mới, góp phần ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội. Tôi muốn nhấn mạnh thêm, bên cạnh vai trò “nêu gương” của đội ngũ nhà giáo, việc làm lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt trong ngành Giáo dục thời gian qua là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả để “lấy xây để chống”, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/978313/phat-huy-gia-tri-van-hoa-suc-manh-con-nguoi-viet-nam