Phát huy giá trị tài nguyên sinh học

xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp, là điểm du lịch hấp dẫn, Hà Nội đang đẩy mạnh bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên sinh học.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, Hà Nội có 10 hệ sinh thái, trong đó có 6 hệ sinh thái tự nhiên và 4 hệ sinh thái nhân tạo. Trong số 6 hệ sinh thái tự nhiên, có các hệ sinh thái quan trọng, đó là: Hệ sinh thái rừng kín, á nhiệt đới cây lá rộng xen cây lá kim ở Vườn quốc gia Ba Vì; núi đá vôi, phân bố chủ yếu ở khu vực Hương Tích, Quan Sơn (huyện Mỹ Đức) và một số nơi với khoảng 4.272,10ha.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu, nhờ có lớp phủ rừng vùng Hương Sơn và Quan Sơn mà hệ sinh thái núi đá vôi của Hà Nội còn lưu giữ một số loài thực vật quý hiếm, được ghi trong Sách đỏ Việt Nam như: Nghiến, lan một lá, rau sắng...

Bên cạnh đó, Hà Nội còn có hệ sinh thái đất ngập nước - chính là hệ thống hơn 220 hồ, điển hình là: Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Đồng Mô - Ngải Sơn, hồ Quan Sơn, hồ Xuân Khanh… "Hệ thống hồ của Hà Nội không chỉ đóng vai trò điều tiết không khí, môi trường mà còn là nguồn lực phát triển kinh tế thông qua nuôi trồng thủy sản và thu hút du lịch. Nhiều mô hình nuôi cá lồng sinh học trên hệ thống hồ của Ba Vì, Sơn Tây... cho hiệu quả kinh tế cao" - Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ đánh giá.

Ngoài ra, Hà Nội còn là một trong số không nhiều địa phương có hệ thực vật đầy đủ cả 6 ngành: Khuyết lá thông, cỏ tháp bút, thông đất, dương xỉ, hạt trần và hạt kín... Từ nguồn đa dạng sinh học này, nhiều địa phương đã khai thác lợi thế để phát triển du lịch như huyện Ba Vì và Mỹ Đức.

Tiêu biểu như, nhờ có hệ sinh thái núi rừng Hương Sơn và hệ thống hồ Quan Sơn, nhiều năm qua, Mỹ Đức đã thu hút trung bình hơn 1,4 triệu khách tham quan/năm. Ngoài ra, UBND huyện Mỹ Đức phối hợp Sở NN&PTNT bảo tồn và phát triển giống rau sắng - một loại đặc sản của vùng đất này.

Tiến sĩ Phạm Kim Liên - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, Hà Nội có thể tận dụng thế mạnh tài nguyên thiên nhiên từng vùng để phát triển. Đơn cử, có thể hình thành các vùng sinh thái nông nghiệp đặc trưng, tạo vành đai xanh, góp phần phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, từng bước ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cần xây dựng kế hoạch rõ ràng và có sự theo dõi, giám sát đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng, núi, nguồn lợi trong khu vực; hiện trạng, tình hình khai thác, tài nguyên tồn tại...

Thực tế, Hà Nội đã có nghị quyết về quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học TP Hà Nội đến năm 2030 với mục tiêu bảo đảm các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mang đặc thù của Hà Nội; các loài và nguồn gen quý hiếm, tài nguyên rừng được bảo tồn, phát triển, sử dụng hợp lý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội theo hướng bền vững.

Cụ thể, ngoài Vườn quốc gia Ba Vì, Hà Nội có thêm 7 khu được bảo vệ cảnh quan là: Hương Sơn, Vật Lại, chùa Thầy, hồ Quan Sơn, hồ Tây, hồ Đồng Mô - Ngải Sơn và hồ Suối Hai. Ngoài ra, Hà Nội đề xuất một số cơ sở cần bảo tồn, như: Quần thể lim cổ thụ ở đền Và, các loài thực vật quý hiếm và cây cổ thụ tại Thành cổ Sơn Tây...

Về nguồn gen cần bảo tồn thông qua các dự án ưu tiên của Sở NN&PTNT thành phố gồm: 14 nguồn gen cây ăn quả, 7 nguồn gen rau và 2 giống hoa, cây cảnh… Đó là những nguồn tài nguyên quý giá, làm nền tảng cho một số ngành của Hà Nội có thể phát triển theo hướng vừa nuôi dưỡng, gìn giữ, vừa khai thác hiệu quả, bền vững.

Đỗ Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Khoa-hoc/913758/phat-huy-gia-tri-tai-nguyen-sinh-hoc