Phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của các bảo tàng trong quân đội

Sáng 25-12, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác nghiệp vụ bảo tàng toàn quân năm 2020.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị dự và phát biểu tại Hội nghị.

Nội dung hội nghị gồm 3 phần: Tổng kết công tác nghiệp vụ năm 2020; tham luận, trao đổi hoạt động của các bảo tàng nhằm xác định các mặt hạn chế, khó khăn và đưa ra giải pháp khắc phục; định hướng hoạt động năm 2021.

 Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tiến hành thảo luận, nhìn nhận, đánh giá khách quan, toàn diện về tổ chức, hoạt động hệ thống bảo tàng trong năm qua; nêu rõ những việc đã làm tốt, những ưu điểm, hạn chế, những mặt cần khắc phục rút kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, phân tích cơ hội, khó khăn, thách thức để thống nhất phương pháp tổ chức triển khai thực hiện, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiệp vụ trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu: Các bảo tàng trong quân đội phải nâng cao chất lượng hoạt động; phát huy chức năng của bảo tàng, trong đó những chức năng cơ bản như sưu tầm, quản lý hiện vật; nghiên cứu khoa học, phát huy những giá trị lịch sử văn hóa, gắn liền với các sự kiện lịch sử của dân tộc; tiếp tục có những bộ sưu tầm hiện vật đặc sắc…

Để các bảo tàng trong quân đội thu hút nhiều khách tham quan, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, phải tiếp tục ứng dụng công nghệ hiện đại vào hệ thống các bảo tàng. Sắp tới sẽ phát triển phần mềm về giáo dục, trong đó có tích hợp những nội dung cốt lõi của các bảo tàng vùng, miền, nghĩa là ở cấp đại đội có thể xem được những trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng các quân khu... Như vậy mới đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ hiện nay.

Theo Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, đội ngũ cán bộ của bảo tàng phải được học tập, nghiên cứu cách bảo quản, trưng bày hiện vật của các bảo tàng trong và ngoài nước để phát triển hệ thống bảo tàng trong quân đội. Phải có những cán bộ bảo tàng tâm huyết, say mê, có trách nhiệm với lịch sử. Phải làm sao để thiết chế văn hóa của bảo tàng là một công cụ, thiết chế văn hóa đặc biệt, là cuốn “lịch sử sống” để giáo dục cho thế hệ mai sau.

Hiện vật trưng bày ngoài trời tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Thượng tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: Hệ thống bảo tàng, nhà (phòng) truyền thống, di tích lịch sử quân sự đã phát huy tốt chức năng là một thiết chế văn hóa, một cơ quan tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội; hệ thống thường xuyên kiện toàn, củng cố tổ chức nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động; tiến hành chỉnh lý, nâng cấp, đổi mới nội dung và phương pháp trưng bày; ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ trong các khâu công tác của bảo tàng; mở rộng khả năng tiếp cận phục vụ nhu cầu của quảng đại quần chúng nhân dân; phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy, phổ biến tri thức về lịch sử, văn hóa, khoa học, nhằm gìn giữ, phát huy tinh hoa di sản văn hóa quân sự, bản chất cách mạng, truyền thống anh hùng của quân đội, bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống của cơ quan, đơn vị; góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống văn hóa cho cán bộ chiến sĩ và nhân dân.

Tin, ảnh: KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/phat-huy-gia-tri-lich-su-van-hoa-cua-cac-bao-tang-trong-quan-doi-647527