Phát huy giá trị khu phố cổ Hà Nội trong thời đại 4.0

Khu phố cổ Hà Nội là một di sản đô thị có kiến trúc độc đáo, với các phố nghề thủ công truyền thống, phố chuyên doanh, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc gắn liền với lịch sử của vùng đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Cùng với sự phát triển của đất nước qua mỗi giai đoạn lịch sử, khu phố cổ Hà Nội mang dấu ấn văn hóa của các thời kỳ, cũng là nơi hội tụ của cư dân khắp mọi miền.

Dấu ấn bản sắc văn hóa đô thị của Hà Nội

Đến nay, khu phố cổ chứa đựng kho tàng giá trị vật thể với 121 di tích (bao gồm 83 di tích lịch sử văn hóa, 30 di tích lịch sử cách mạng, 8 di tích khác) với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng như đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ Hồi giáo, miếu, am… Cùng với giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn như hoạt động ẩm thực, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, lễ hội truyền thống… tất cả đã góp phần tạo dựng nên “dấu ấn Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến”.

Trong những năm qua, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về giá trị văn hóa khu phố cổ Hà Nội thông qua các hoạt động văn hóa, các hoạt động tương tác, hội thảo, triển lãm... đã thực sự góp phần vào việc nâng cao nhận thức của người dân, giúp cho du khách trong và ngoài nước có những hiểu biết về di sản, về quyết tâm bảo vệ khu phố cổ Hà Nội của chính quyền quận Hoàn Kiếm.

Khu phố cổ Hà Nội là bản sắc văn hóa đô thị của Hà Nội

Khu phố cổ Hà Nội là bản sắc văn hóa đô thị của Hà Nội

Những dự án triển khai trong khu phố cổ Hà Nội về chỉnh trang các phố, trùng tu, tôn tạo các di tích, các dự án xây dựng, cải tạo trụ sở cơ quan, trường học đã đem lại một diện mạo mới cho khu phố cổ, góp phần làm đẹp thành phố, cải thiện điều kiện sống cho người dân, góp phần lưu giữ các giá trị vật thể của khu phố cổ Hà Nội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nhận định: Phố cổ Hà Nội có giá trị về cấu trúc không gian đô thị gắn với các phố nghề, phường nghề và lễ hội truyền thống, hệ thống di sản, di tích kiến trúc có ý nghĩa văn hóa qua các giai đoạn lịch sử. Do nền kinh tế phát triển, nhu cầu kinh doanh đa dạng, những phường nghề, phố nghề hiện nay ở Hà Nội đã dần bị biến mất hoặc chuyển đổi.

Những khu phố gắn với nghề nghiệp hoặc mặt hàng đặc trưng của mình ngày càng bị mất dần. Đa số các phố hiện nay chỉ còn lại các tên gọi: phố Hàng Gà, Hàng Bông, Hàng Da, Hàng Chiếu, Hàng Mắm…, không còn kinh doanh các mặt hàng như tên gọi của nó.

Về giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị phố cổ Hà Nội, ông Nguyễn Trúc Anh đề nghị, Hà Nội cần khai thác hiệu quả giá trị kiến trúc khu phố cổ như là một sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao. Các hoạt động phải đề cao vai trò và lợi ích của người dân khu phố cổ. Bởi lẽ, để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống thì không gì tốt bằng việc gắn quyền lợi về kinh tế và quyền lợi xã hội của chính họ với công việc bảo vệ.

Cần có cơ chế xã hội hóa cho việc bảo vệ và khai thác các ngôi nhà cổ. Cho phép chủ sở hữu sử dụng vào mục đích du lịch, tham quan, nghiên cứu, để họ có được nguồn thu từ du lịch…Hà Nội cần thường xuyên có những chương trình đánh giá những tác động của hoạt động và phát triển du lịch đến các giá trị kiến trúc của khu Phố cổ Hà Nội để có kế hoạch phân bố hợp lý, giảm thiểu những tác động bất lợi. Cần quy hoạch khu Phố cổ Hà Nội thành khu phố du lịch đặc thù, độc đáo.

“Hiện nay, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã phối hợp với Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội trong việc tổ chức nghiên cứu lập thẩm định Quy hoạch phân khu đô thị khu phố cổ Hà Nội và đã trình để Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét phê duyệt. Tuy nhiên, để bảo tồn, phát huy giá trị phố cổ thì bên cạnh những chủ trương, chính sách, quy định, điều quan trọng nhất vẫn là sự nghiêm túc, đồng lòng chung tay, chung sức của chính quyền và người dân trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ gìn giữ, phát huy di sản quý giá này”, ông Nguyễn Trúc Anh cho biết.

Phát huy giá trị di tích trong thời đại 4.0

Đề cập đến yếu tố bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trong thời đại 4.0, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hùng Cường (Đại học Xây dựng) nhấn mạnh, việc bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích trong thời đại 4.0 sẽ có những thay đổi lớn so với giai đoạn trước. Với sự hỗ trợ của công nghệ, cách thức bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị sẽ có những cách làm mới hiệu quả, chính xác hơn và đặc biệt việc phát huy giá trị của di sản sẽ có nhiều cách tiếp cận mới hấp dẫn hơn.

Vấn đề với công tác bảo tồn và phát huy giá trị của phố cổ Hà Nội là làm sao khai thác hết thế mạnh của công nghệ như: Khảo sát và lưu trư dữ liệu dạng 3D cho toàn bộ công trình có giá trị, đặc biệt là với những công trình khó có khả năng giới thiệu cho khách du lịch và đang có khả năng hỏng hóc khó khôi phục. Đây là việc làm cấp thiết, bởi trong khoảng 1.000 ngôi nhà tại phố cổ mong muốn giữ, với tốc độ bảo tồn như hiện nay, nếu không số hóa sớm thì không còn tài liệu gốc để có thể tu bổ tôn tạo; Thiết lập bản đồ quy hoạch bảo tồn sử dụng công nghệ BIM tích hợp GIS trong công tác quản lý…

Bên cạnh đó, cần dựng lại cuộc sống tại phố cổ những năm thời phong kiến, thời thuộc Pháp, giai đoạn đầu giữa thế kỷ 20 của từng con phố bằng công nghệ 3D để cho du khách hiểu về không gian, cảnh quan, lối sống ở phố cổ qua các giai đoạn.

Thông tin này được thông qua hệ thống 5G có thể cho du khách đọc, xem được tại từng đầu con phố tham quan; Việc số hóa dữ liệu di sản không chỉ ở phần kiến trúc vật thể mà còn phải tích hợp các dữ liệu văn hóa khác. Ví dụ với một ngôi nhà cổ, khi tra thông tin sẽ được giới thiệu về lịch sử ngôi nhà, của chủ nhà, của các thế hệ, các đồ đạc, nội thất hay các diễn biến lịch sử của ngôi nhà. Có như vậy mới hấp dẫn khách đến tham quan.

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là đặc điểm hàng phố đặc trưng của phố cổ đang khó quản lý, các phố Hàng Dầu, Hàng Chiếu hay Hàng Ngang, Hàng Đào… dần mất đi đặc trưng phố bán riêng một loại hàng hóa mà dần thay bằng các tòa nhà khách sạn, đồ lưu niệm na ná như nhau trên mọi con phố.

“Hiện nay cộng đồng dân cư khu phố cổ đang có sự thay đổi, nhiều người mới đến chỉ thuần kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, bán hàng cho khách du lịch và cũng chưa hiểu hết đặc trưng văn hóa lối sống của khu phố cổ trước đây. Nếu được xem những khung cảnh tái hiện này sẽ có ý thức hơn về việc tham gia giữ gìn những hiện vật hay tập quán, văn hóa để giữ được hồn của phố cổ”, ông Phạm Hùng Cường nhấn mạnh.

Kim Tiến

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phat-huy-gia-tri-khu-pho-co-ha-noi-trong-thoi-dai-40-114180.html