Phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa

Để các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng phát huy giá trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Chỉ thị 21 yêu cầu các cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thành việc lập hồ sơ xếp hạng, cắm mốc di tích, bia di tích theo đúng quy định…

Để các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng phát huy giá trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Chỉ thị 21 yêu cầu các cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thành việc lập hồ sơ xếp hạng, cắm mốc di tích, bia di tích theo đúng quy định…

Khẩn trương hành động

Những năm qua, việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số di tích chưa được lập hồ sơ xếp hạng, nhất là các di tích gắn với các sự kiện lịch sử tiêu biểu trong các thời kỳ cách mạng, kháng chiến của tỉnh; việc khoanh vùng một số di tích để xác định khu vực cần được bảo vệ nguyên trạng, việc khai thác giá trị của di tích để phục vụ tuyên truyền, quảng bá du lịch chưa được quan tâm đúng mức…

 Di tích căn cứ cách mạng Hòn Dữ sẽ được trùng tu, tôn tạo trong thời gian tới.

Di tích căn cứ cách mạng Hòn Dữ sẽ được trùng tu, tôn tạo trong thời gian tới.

Chính vì thế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 21 yêu cầu các cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thành việc lập hồ sơ xếp hạng, cắm mốc di tích, bia di tích theo đúng quy định. Trước mắt, lập hồ sơ xếp hạng, cắm mốc xác định vị trí khu vực bảo vệ nguyên trạng đối với các di tích là căn cứ cách mạng của tỉnh nhưng chưa được xếp hạng như: Đồng Bò (Nha Trang), Đồng Trăng (Diên Khánh), Hòn Hèo, Đá Bàn (Ninh Hòa); có kế hoạch tu bổ, tôn tạo các di tích đã xuống cấp, các di tích cách mạng của tỉnh đã được xếp hạng như: Hòn Dù, Hòn Dữ (Khánh Vĩnh), Tô Hạp (Khánh Sơn). Đồng thời, nghiên cứu nâng cấp và đầu tư hoàn chỉnh một số di tích có điều kiện gắn với du lịch như: Căn cứ cách mạng Đồng Bò, địa điểm lưu niệm Tàu C235, khu di tích mộ bác sĩ A.Yersin; khuyến khích xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, thu hút đầu tư xây dựng các dự án du lịch gắn với các khu di tích…

Theo ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa phải dựa trên cơ sở tôn vinh, kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo gắn kết hài hòa giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế, du lịch với văn hóa. Bên cạnh tăng cường sự đầu tư của Nhà nước, cần khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư trùng tu, tôn tạo, quản lý và phát huy giá trị di tích.

Sẽ triển khai nhiều việc làm cụ thể

Với vai trò của cơ quan chuyên môn trong vấn đề này, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Theo lãnh đạo sở, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, kiểm tra hiện trạng các di tích. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến những di tích gắn với các sự kiện cách mạng, kháng chiến của tỉnh để có kế hoạch trùng tu, tôn tạo, bảo vệ, phát huy giá trị. Tập trung triển khai có hiệu quả các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch lớn của ngành như: đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành cổ Diên Khánh; phần mềm quản lý các công trình di tích lịch sử, văn hóa… Cùng với đó, tham mưu việc nghiên cứu nâng cấp và đầu tư hoàn chỉnh một số di tích có điều kiện gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh; tích cực thực hiện các ấn phẩm có giá trị về di tích, di sản văn hóa, biên tập các tài liệu thuyết minh, giới thiệu dưới nhiều hình thức khác nhau để có thể đem lại hiệu quả tuyên truyền cao nhất.

Đối với các địa phương, sở sẽ tham mưu, đề xuất chính sách nhằm nâng cao đời sống của người dân trong vùng di tích; quan tâm hỗ trợ kinh phí tu bổ, bảo vệ các di tích và hiện vật gắn với di tích đang nằm trong khuôn viên đất, nhà ở của người dân; kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích; có giải pháp thu hút đầu tư xây dựng các dự án du lịch, xây dựng các tuyến, điểm du lịch kết nối với di tích; xây dựng các chương trình dã ngoại về nguồn, cuộc thi tìm hiểu di tích để các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ có điều kiện hiểu biết nhiều hơn đến các di tích của địa phương.

Với việc chỉ đạo sự tham gia, vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, hy vọng trong những năm tới sẽ có thêm nhiều di tích, nhất là di tích gắn với sự kiện lịch sử cách mạng của tỉnh được xếp hạng, khoanh vùng bảo vệ và phát huy giá trị vào đời sống xã hội.

Giang Đình

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/201911/phat-huy-gia-tri-di-tich-lich-su-van-hoa-8139398/