Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Huế: Quan tâm hơn nữa 'báu vật nhân văn sống'

VH- Thừa Thiên Huế hiện đang có 3 di sản văn hóa phi vật thể: Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn (được UNESCO vinh danh) cùng 2 di sản tầm quốc gia, trong đó có Ca Huế. Tuy nhiên, việc khai thác và phát huy giá trị của các di sản này đang còn nhiều hạn chế, đặc biệt chưa trở thành điểm mạnh để phục vụ du lịch.

Biểu diễn Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn tại Nhà hát Duyệt Thị Đường - khu di sản Hoàng cung Huế

Sau 15 năm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn đã từng bước được bảo tồn, truyền dạy và phát huy giá trị. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phục hồi được gần 100 bài cả lễ nhạc lẫn vũ khúc cung đình của Nhã nhạc. Và loại hình nghệ thuật này cũng được ưu tiên chọn làm “quà” đãi khách trong nước và ngoại giao quốc tế của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chưa xứng tầm

Nhiều năm qua, nhà hát Duyệt Thị Đường (Hoàng cung Huế) là địa điểm “đỏ đèn” để trình diễn Nhã nhạc cung đình và các loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình triều Nguyễn để phục vụ khách du lịch. Trung bình mỗi năm, doanh thu từ bán vé biểu diễn ở đây đạt gần 1 tỉ đồng, cũng đã là một nỗ lực lớn. Tuy nhiên, loại hình di sản này chỉ “quanh quẩn” được biểu diễn khai thác ở khu di sản Hoàng cung Huế. Ngoài Nhã nhạc được chú trọng khai thác, còn các loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình như tuồng cung đình, múa cung đình… vẫn đang gặp khó trong khai thác và phát huy giá trị.

Được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cách đây 3 năm, Ca Huế cũng là loại hình nghệ thuật văn hóa được ưu tiên phát huy giá trị và khai thác du lịch. Thế nhưng, sản phẩm ca Huế trên sông Hương vẫn còn tồn tại không ít “sạn”, Ca Huế bài bản thì ít mà dân ca nhạc Huế thì nhiều. Chỉ có một số ít câu lạc bộ Ca Huế hoạt động đúng chuẩn với các làn điệu, bài bản, như câu lạc bộ Ca Huế thính phòng. Nhưng cũng vì nguồn lực có hạn, nên các câu lạc bộ này chỉ biểu diễn ở quy mô nhỏ, và không thường xuyên; và nhiều nghệ sĩ đến đây cũng chỉ vì đam mê, yêu nghề.

Nhà thơ Võ Quê, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh, hiện là Chủ nhiệm câu lạc bộ Ca Huế thính phòng cho biết: Những nghệ sĩ biểu diễn ở đây không có cát-xê như ở các show diễn khác. Nguồn thu từ ủng hộ của khán giả không nhiều, chúng tôi dành một phần để hỗ trợ tiền xăng xe đi lại, và thăm hỏi và động viên các nghệ sĩ mỗi khi đau ốm hoặc giúp đỡ những em theo học ca Huế có hoàn cảnh khó khăn…

TS Lê Thị Minh Lý, Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, suốt 15 năm qua, Festival Huế là môi trường, là cơ hội làm sống lại và tỏa sáng di sản văn hóa Huế, đặc biệt là di sản phi vật thể.

Biểu diễn ca Huế miễn phí tại di tích lăng Tự Đức phục vụ khách du lịch

Chưa có chính sách đãi ngộ xứng đáng

Sau khi được công nhận là kiệt tác phi vật thể của nhân loại, năm 2005, một khóa đào tạo về Nhã nhạc với 20 học viên đã được tuyển chọn và truyền dạy. Lớp học này khá đặc biệt bởi nó được giảng dạy bằng hình thức truyền khẩu từ các nghệ nhân và được dạy ký xướng âm theo kiểu truyền thống. Những chuyên gia và nghệ nhân “truyền lửa” cho khóa học này, phải kể đến cố GS.TS Trần Văn Khê, GS.TS Tô Ngọc Thanh, PGS.TS Hà Sâm cùng các nghệ nhân dân gian Trần Kích, Trần Thảo, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa…

Nhiều nghệ nhân là “nhân chứng sống” về Nhã nhạc, cũng như các loại hình diễn xướng cung đình triều Nguyễn đã đóng góp to lớn trong công cuộc truyền dạy và phục hồi các bài bản cổ xưa. Chính nhờ các nghệ nhân truyền dạy mà nhiều nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế nâng cao kỹ năng trình diễn. Thế nhưng, nguồn tài chính để dành cho nghệ nhân dân gian lại rất ít ỏi.

NSND Phan Thị Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế cho rằng: Chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân là “nhân chứng sống” và các nghệ sĩ có trình độ chuyên môn vẫn chưa được thường xuyên. Chỉ khi nào Nhà hát xây dựng các hồ sơ khoa học, phục dựng các bài bản hay các vũ khúc cung đình… thì các nghệ nhân, nghệ sĩ nói trên mới được mời tham gia. Và khi công việc kết thúc thì họ phải quay trở lại với cuộc đời thường, phải làm nhiều nghề để mưu sinh. Dù Nhà hát đã cố gắng dành một khoản kinh phí nhất định cho các nghệ nhân khi tham gia các công trình nghiên cứu khoa học, nhưng chưa xứng đáng với công sức mà họ đã bỏ ra.

Nhà thơ Võ Quê trăn trở: Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể, ngành văn hóa địa phương không chỉ thu thập tư liệu và hình ảnh biểu diễn từ các nghệ nhân lớn tuổi, mà cũng cần có sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho những nghệ nhân tham gia truyền dạy, có chính sách đối với những nghệ nhân đang gặp khó khăn…\

Giá trị văn hóa di sản phi vật thể ở Huế chưa được phát huy xứng với tiềm năng và giá trị của nó. Và chính các cấp, ngành của Thừa Thiên Huế vẫn chưa có sự phối hợp và hỗ trợ nhau để tạo nên những sản phẩm văn hóa, góp phần cho phát triển du lịch. Tỉnh cần sớm có một báo cáo kiểm kê tổng thể về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đang có. Đây là cơ sở để có thể xác định thứ tự ưu tiên việc cần làm trước mắt và cả những chiến lược lâu dài nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của từng loại di sản cụ thể.

(TS LÊ THỊ MINH LÝ, Hội Di sản văn hóa Việt Nam)

SƠN THÙY

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-phi-vat-the-o-hue160quan-tam-hon-nua-bau-vat-nhan-van-song