Phát huy giá trị di sản thời đại kim khí ở Hà Nội

Vài thập niên trở lại đây, Hà Nội đã khai thác và phát huy tương đối có hiệu quả nhiều di tích, biến nó thành những loại 'hàng hóa' đặc biệt, phục vụ khai thác du lịch. Một trong số đó là di sản thời đại kim khí.

Vũ khí và đồ trang sức thời đại kim khí

Vũ khí và đồ trang sức thời đại kim khí

Sức sống của thời đại này vẫn còn vẹn nguyên, chưa bao giờ lắng dịu trong giới nghiên cứu khảo cổ học trong và ngoài nước.

Giá trị cần được phát huy

Theo thống kê chưa đầy đủ của Viện Khảo cổ học cho thấy, thời đại kim khí ở Hà Nội có khoảng 88 di tích, trong đó có 43 di tích được điều tra, thám sát; 20 di tích phát hiện ngẫu nhiên và 27 di tích đã được khai quật nghiên cứu.

Trong số những di tích trên, di chỉ cư trú có Trung Mầu, Hoàng Ngô và Đường Mây. Trung Mầu có niên đại khoảng 2.000 – 2.500 năm; Hoàng Ngô có niên đại từ Gò Minh đến Đường Cổ và Đường Mây, thuộc giai đoạn muộn của văn hóa Đông Sơn, tương đương với Trung Mầu.

Loại hình cư trú mộ táng gồm có: Vinh Quang, Chiến Vậy, Gò Chùa Thông, Đường Cổ, Đình Tráng, Dương Xá, Vườn Chuối, Bãi Mèn. Trong đó niên đại của Vinh Quang được các nhà khảo cổ học xác định khoảng 2.200 – 3.500 năm, tương đương với lớp văn hóa từ Gò Mun đến Đường Cổ, Gò Chiền Vậy.

Lớp văn hóa giai đoạn Gò Mun khá dày và phát triển lên Đông Sơn, nhưng Đông Sơn ở đây có thể nhìn thấy 3 giai đoạn: Đông Sơn sớm, Đông sơn phát triển và Đông Sơn muộn. Gò Chùa Thông với những tàn tích thu được qua 3 lần khai quật, cho biết tầng văn hóa ở di chỉ này phát triển từ sớm đến muộn.

Ngoài ra, còn có loại hình di chỉ cư trú – xưởng mà Đền Thượng là một trường hợp điển hình và đặc biệt. Tại đây, trong lớp văn hóa Đông Sơn nằm dưới cùng, các nhà khảo cổ học phát hiện dấu tích lò đúc mũi tên đồng và 147 khuôn đúc. Đây là di tích phát hiện được nhiều khuôn đúc nhất nước ta trong thời đại kim khí và chủ yếu là khuôn đúc mũi tên 3 cạnh. Phát hiện này cũng tìm thấy ở Cầu Vực.

Nổi bật nhất là công trình phòng vệ quân sự Cổ Loa, thuộc Nhà nước Âu Lạc của vua An Dương Vương. Nếu Bạch Hạc – Việt Trì là kinh đô đầu tiên của nước Văn Lang thời vua Hùng mở nước thì Cổ Loa là ngôi thành bề thế hiếm hoi trong thời cổ đại. Ngôi thành này rất đặc biệt, trong đó có nhiều hoạt động xứng đáng là một đô thị cổ.

TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, cho biết: “Hà Nội đã cung cấp đầy đủ một phả hệ thời đại kim khí 4 giai đoạn của đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đó là một tuyến chủ đạo xuyên suốt từ sơ kỳ đến hậu kỳ và là cốt lõi vật chất chủ yếu của cơ tầng kinh tế - xã hội của Nhà nước Văn Lang – Âu lạc.

Sự có mặt đầy đủ phả hệ 4 giai đoạn, Hà Nội cũng chứng minh được quá trình chiếm lĩnh vùng đồng bằng ô trũng của người Việt cổ, khi có sự “bùng nổ” dân số, khiến con người phải tìm nơi đất mới để khai thác. Tại đây, với điều kiện đất - nước thích hợp, một nền nông nghiệp trồng lúa nước đã phát triển thịnh vượng, thông qua các tàn tích lúa cháy, dao gặt (nhíp, vằng), lưỡi cày… tìm thấy trong di tích đã chứng minh quá rõ nhận định này”.

Nền nông nghiệp phát triển với sự gia tăng diện tích canh tác, buộc con người phải chế tạo những vật dụng có năng suất lao động cao hơn, theo đó, nghề luyện đồng và chế tác đồ sắt phát triển. Lúc đó, trung tâm luyện kim lớn như Cổ Loa là một hiện tượng vô cùng ấn tượng đối với vùng đất Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Những chứng tích đó hiện còn ở Đền Thượng, Cầu Vực, Mả Tre với nhiều khuôn đúc, di vật đồng được cất dấu. Theo các cụ bô lão ở đây cho biết, rất có thể là của một người thợ đúc đồng để lại.

Những đồ vật trong sinh hoạt và lao động sản xuất thời kim khí.

Cần có nơi trưng bày tại chỗ

Thời đại kim khí ở Hà Nội cho đến nay chưa hoàn thiện được trưng bày di vật nhằm phát huy có hiệu quả trong việc phát triển văn hóa, du lịch. Tuy nhiên, những chứng tích của thời đại kim khí đã cho thấy, giai đoạn này chiếm một vị trí quan trọng đối với hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Hà Nội.

Giai đoạn, được các nhà nghiên cứu vinh danh là hành trình tới Thăng Long hay Tiền Thăng Long minh chứng cho việc dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long là hoàn toàn xác đáng của vị vua anh minh Lý Công Uẩn.

Bộ sưu tập thời đại kim khí Hà Nội còn được huy động, phát huy trong nhiều sự kiện của Thủ đô và đất nước qua những cuộc trưng bày phối hợp giữa Nhà nước và tư nhân, cho thấy một tiềm năng và khả năng sẽ được khai thác triệt để trong tương lai, khi có một cơ chế thích hợp và thông thoáng.

Di sản thời đại kim khí, đứng về mặt di tích đã được các nhà quản lý văn hóa Thủ đô nghiên cứu, đưa điển hình vào ngân hàng dữ liệu đặt tên đường phố, công trình công cộng của Hà Nội. Công việc này đã thông qua Hội đồng tư vấn trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nhiều công trình nghiên cứu về thời đại kim khí cũng đã được thực hiện, dưới nhiều dạng thức và cách tiếp cận khác nhau, đem đến nhiều sản phẩm có giá trị, làm cho Hà Nội có chiều sâu lịch sử, tạo bệ đỡ cho Thủ đô cất cánh.

Nói về vấn đề này, TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, cho biết: Di sản thời đại kim khí của Hà Nội vô cùng khó khăn để khai thác, phát huy. Những di tích hấp dẫn và quy mô có nhiều câu chuyện kể hoặc nằm ở vùng đầm lầy, ô trũng không dễ gì trưng bày tại chỗ vì quá khó khăn về bảo quản, bảo vệ hoặc đã bị xóa sổ từ lâu, nay chỉ còn lại những dấu chấm trên bản đồ khảo cổ học.

Nhiều di tích do chưa có định hướng chiến lược, nên dường như không còn đất để khai quật làm trưng bày tại chỗ và nếu còn, nơi đó cũng chưa hẳn đắc địa.

Hà Nội vẫn có thể lựa chọn được những nơi làm trưng bày tại chỗ thích hợp. Quần thể di tích thời đại kim khí trên vùng đất Cổ Loa với lợi thế địa hình cao, giao thông đi lại thuận tiện, tầng văn hóa lưu tồn nhiều di vật, đặc biệt chứa đựng nhiều câu chuyện hấp dẫn, bởi vậy thành Cổ Loa phải được giải tỏa, sông Hoàng Giang phải được phục hồi và những di tích phải được lựa chọn để trưng bày tại chỗ, kết hợp với một phòng trưng bày bổ sung hiện đại về ánh sáng, âm thanh, tủ bục, nghe nhìn, bổ trợ cho một số nội dung được chuẩn bị phong phú, kỹ lưỡng và có ý tưởng…

Địa điểm thứ 2 là Vườn Chuối, nay thuộc thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, nằm trên một gò cao, với diện tích còn lại tương đối lớn 19.000 m2, nằm trong một quần thể đô thị tương lai.

Theo đó, hãy biến nơi đây thành một khu công viên khảo cổ học với tên gọi Vườn Chuối trong đó được trồng những loại cây bụi, rễ nông và cỏ. Công viên ấy là lá phổi, là không gian sinh thái cho khu đô thị tương lai và là nơi vui chơi, thư giãn cho cộng đồng.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/phat-huy-gia-tri-di-san-thoi-dai-kim-khi-o-ha-noi-3973299-b.html