Phát huy di sản, kết nối đại ngàn

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng trên 5 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng) và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là đồng bào các dân tộc: Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, Cơ Ho, Mơ Nông, Rơ Măm, Xơ Đăng… Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2018 là dịp tôn vinh giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng, kết nối đại ngàn Tây Nguyên với đông đảo du khách, bạn bè trong nước và quốc tế.

Để tiếng cồng chiêng mãi ngân vang

Cùng chung vui với bà con đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tại lễ hội Festival văn hóa cồng chiêng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Tây Nguyên trù phú, bà con các dân tộc trên địa bàn đoàn kết, cùng nhau bảo tồn, phát triển nền văn hóa đặc sắc, độc đáo của mình, trong đó có không gian văn hóa cồng chiêng. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong hàng chục năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách, đầu tư thích đáng để bảo vệ, phát triển văn hóa Tây Nguyên. Thủ tướng tin không ai làm việc này tốt hơn chính đồng bào của mình ở đây. Mọi thực thể sống đều cần một hệ sinh thái nhất định, cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng chỉ thực sự sống động và phát triển trong một không gian phù hợp. Để tiếng cồng chiêng vang lên mãi mãi và bay xa ra tận các nước trên thế giới, chúng ta phải cùng nhau gìn giữ môi trường tự nhiên, môi trường sống; bảo tồn hệ sinh thái và phát huy các giá trị của văn hóa Tây Nguyên truyền thống cũng chính là giữ gìn môi trường sinh tồn của văn hóa cồng chiêng trong không gian đậm chất sử thi, giàu sắc thái huyền thoại của đại ngàn Tây Nguyên.

Quang cảnh Lễ khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2018.

Theo thông tin từ ban tổ chức Festival, thì đến nay, các tỉnh Tây Nguyên còn lưu giữ hơn 10.000 bộ cồng chiêng. Các hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cũng đang được đẩy mạnh, như: Truyền dạy đánh cồng chiêng cho thanh, thiếu niên ở các buôn làng, trường học; liên hoan cồng chiêng hằng năm ở các địa phương; phục dựng các lễ hội của người dân bản địa; gắn cồng chiêng với phát triển du lịch cộng đồng…

Rơ Châm Van, dân tộc Gia Rai, ở xã Ia Yok (Ia Grai, Gia Lai)-nghệ nhân cồng chiêng tham dự Festival lần này, phấn khởi nói với chúng tôi: “Tiếng chiêng của làng mình giờ được vang lên, ngân xa và đồng điệu với nhịp chiêng của các dân tộc anh em”. Nghệ nhân Y Dun, dân tộc Mơ Nông, đến từ xã Trường Xuân (Đắc Song, Đắc Nông) khẳng định: “Cồng chiêng có nguồn gốc từ lâu đời và đã ăn sâu bám rễ trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Tất cả nghi lễ trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới… đều có tiếng chiêng”.

Khi cồng chiêng đứng trước nguy cơ bị mai một do tác động của điều kiện tự nhiên, xã hội thì chính những con người ưu tú của các dân tộc Tây Nguyên đứng ra bảo vệ, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Nghệ nhân Nay Phai (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã bán gần hết tài sản của gia đình để mua chiêng trôi nổi trên thị trường. Già làng A Blếch (xã Đắk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) huy động sức mạnh của cả làng để giữ bộ chiêng quý không bị bán đi. Anh Rơ Châm Van ở xã Ia Yok (Ia Grai, Gia Lai) tự học đánh chiêng và chỉnh chiêng từ năm 12 tuổi rồi đi vận động, tập hợp thanh niên trong vùng thành lập các đội cồng chiêng và truyền dạy cho họ... Cứ như thế, di sản văn hóa quý báu của người Tây Nguyên và nhân loại được lưu giữ, trường tồn.

Tây Nguyên hội tụ, kết nối bạn bè

Với chủ đề “Cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây Nguyên”, Festival diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn, phong phú, như: Lễ hội đường phố; phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống; trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm; sinh hoạt văn nghệ dân gian; triển lãm ảnh, tranh, tư liệu; hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ngoài ra còn có hội chợ thương mại công, nông nghiệp Gia Lai; cà phê đường phố; ẩm thực Tây Nguyên và ẩm thực 3 miền, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của các địa phương; công bố tour du lịch… Festival là dịp tôn vinh, phát huy giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng, kết nối đại ngàn Tây Nguyên với du khách, bạn bè trong và ngoài nước. Trong dịp này, tỉnh Gia Lai dự kiến đón khoảng 25.000 lượt khách du lịch, góp phần quảng bá, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương và cả vùng Tây Nguyên.

Hơn 1.000 nghệ nhân cồng chiêng đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên tham gia lễ hội đường phố tại Pleiku (Gia Lai).

Chị Nguyễn Thị Thu Huệ, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh hồ hởi kể: “Tôi từng được bạn bè giới thiệu về các điểm du lịch, sản phẩm văn hóa, ẩm thực của Gia Lai, nhưng hôm nay mới trực tiếp trải nghiệm. Tôi đặc biệt ấn tượng với văn hóa cồng chiêng. Lần đầu tiên được nghe tiếng cồng chiêng, được ngắm nhìn những chàng trai, cô gái Gia Rai, Ê Đê, Mơ Nông… khỏe mạnh, xinh đẹp, chân trần theo nhịp cồng chiêng, bên bông lửa réo rắt, hương rượu cần nồng ấm… tôi như bị thôi miên, ngây ngất. Cùng với đó là sắc hoa dã quỳ trên núi lửa Chư Đang Ya, đôi mắt Pleiku-Biển Hồ, các mặt hàng nông sản, ẩm thực, thổ cẩm và sự thân thiện của người dân bản địa… Đây là thế mạnh riêng của tỉnh Gia Lai, hy vọng sẽ trở thành những sản phẩm du lịch, hàng hóa độc đáo trong tương lai”.

Còn chị Hồ Thị Viên ở xã Tú An (An Khê, Gia Lai) đến Festival với mong muốn giới thiệu, quảng bá sản phẩm thổ cẩm của người Ba Na ở quê hương mình. Chị cho biết: “Ở làng tôi có khoảng 80% người dân biết dệt thổ cẩm, nhưng chủ yếu chỉ làm tự phát, phục vụ sinh hoạt gia đình. Thổ cẩm chưa vượt ra khỏi làng và người dân chưa sống được bằng nghề thổ cẩm. Tới đây, chúng tôi sẽ thành lập tổ hợp tác xã thổ cẩm, tiến hành dệt những sản phẩm gắn với thị trường và kết hợp phát triển du lịch cộng đồng”.

Mong muốn của đông đảo du khách và người dân cũng chính là mục tiêu của tầm nhìn về một Tây Nguyên mới được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong lễ khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng: Đưa Tây Nguyên trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về văn hóa. Chìa khóa cho sự vươn lên giàu có của Tây Nguyên là phát triển ngành chế biến nông lâm nghiệp, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc, tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản thế giới. Đồng thời, Tây Nguyên phải là một biểu tượng phát triển du lịch Việt Nam mang đậm sắc thái huyền thoại và di sản châu Á trong thế kỷ 21.

Bài và ảnh: QUANG HỒI - ANH SƠN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/phat-huy-di-san-ket-noi-dai-ngan-555991