Phát huy dân chủ trong xây dựng nông thôn mới

Thực tiễn các địa phương trong tỉnh thời gian qua cho thấy, phát huy dân chủ của người dân có vai trò quyết định xây dựng nông thôn mới (NTM) đi vào chiều sâu, bền vững.

Người dân thôn Thác Bưởi 1 (xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên) duy trì hoạt động vệ sinh đường ngõ xóm, đảm bảo tiêu chí môi trường nông thôn mới.

Người dân thôn Thác Bưởi 1 (xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên) duy trì hoạt động vệ sinh đường ngõ xóm, đảm bảo tiêu chí môi trường nông thôn mới.

Loại bỏ tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước, phát huy triệt để phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” là giải pháp hàng đầu của xã Tiên Lãng (huyện Tiên Yên) để có thể cán đích xã NTM năm 2017, cũng như xây dựng NTM kiểu mẫu hiện nay. Trong các buổi họp bàn trước nhân dân, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã đều công khai để người dân được trực tiếp tham gia bàn bạc, xây dựng kế hoạch đầu tư hạ tầng, từ khâu chuẩn bị dự án đến khi hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình, điển hình tiên tiến, sáng kiến, kinh nghiệm hay về xây dựng NTM trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các buổi sinh hoạt chi bộ, hội nghị.

“Mỗi gia đình, thôn xóm, tổ dân cư đều được vận động, khuyến khích tham gia thực hiện nhiệm vụ chung tùy theo khả năng, điều kiện của mình. Từ việc đơn giản như thay đổi nền nếp sinh hoạt, lao động, chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, tham gia các phong trào thể thao, văn nghệ, cho đến những đóng góp như hiến đất, hiến kế, góp công, góp vật liệu làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa thôn, giúp đỡ hộ có hoàn cảnh khó khăn..., không ai đứng ngoài cuộc cả” - bà Vũ Thị Quyến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tiên Lãng, cho biết.

Các cấp MTTQ trong tỉnh và các tổ chức thành viên rất chú trọng công tác tuyên truyền về quy chế dân chủ ở cơ sở, giúp người dân hiểu đúng, đầy đủ về mục đích và ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM ngay từ những ngày đầu bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ này. Người dân nhận thức đầy đủ, rõ ràng về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm, vai trò chủ thể, đồng thời là người hưởng thụ trong xây dựng NTM. Từ đó, tích cực đóng góp ngày công lao động, vật chất, tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông, nhà văn hóa thôn, các công trình khác thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tình làng, nghĩa xóm trong thôn, khu ngày càng được vun đắp.

Nhiều hộ gia đình ở thôn 7 (xã Quảng Chính, huyện Hải Hà) nâng cao thu nhập từ phát triển mô hình chăn nuôi.

Cũng nhờ nêu cao dân chủ ở cơ sở, đến nay hầu hết các khu dân cư trong tỉnh đã xây dựng được các quy ước, hương ước. Nội dung hương ước, quy ước hướng mọi người dân trong cộng đồng nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực lao động, sản xuất, xóa nghèo, làm giàu chính đáng; xây dựng nếp sống văn hóa; đấu tranh bài trừ các loại tệ nạn, hủ tục, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, chung sức xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc ngay tại địa bàn khu dân cư. Bên cạnh đó, người dân còn tích cực bàn bạc tìm hướng sản xuất, kinh doanh mới, hiệu quả, như dồn điền đổi thửa, hợp tác sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ.

Thông qua cầu nối là mặt trận và các đoàn thể, người dân đã chủ động, trực tiếp tham gia bàn bạc, góp ý kiến, giám sát quá trình huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng NTM, đảm bảo tính minh bạch, công khai dân chủ, tạo sự đồng thuận, niềm tin trong cộng đồng.

Nhất quán quan điểm xây dựng NTM chỉ có điểm đầu, chưa và không có điểm kết thúc, trong giai đoạn mới, yếu tố phát huy dân chủ, đẩy mạnh các phong trào quần chúng tiếp tục được đặt lên hàng đầu, cụ thể hóa thành những cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, sát tình hình thực tế của từng địa phương và phù hợp với sức dân. Mục tiêu là nhằm không ngừng củng cố niềm tin và đáp ứng với tâm tư nguyện vọng của người dân.

Hoàng Giang

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202007/dai-doan-ket-toan-dan-phat-huy-dan-chu-trong-xay-dung-nong-thon-moi-2490285/