Phát huy dân chủ, đồng thuận xã hội qua kênh giám sát của MTTQ - Bài 1: Bám sát thực tiễn để nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát

Hoạt động giám sát của MTTQ các cấp trong tỉnh ngày càng đi vào nền nếp, hướng thẳng vào những vấn đề nổi cộm mà đông đảo người dân đang quan tâm, giải quyết dứt điểm, thỏa đáng những mâu thuẫn, khúc mắc từ cơ sở. Do đó, Mặt trận đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền xem xét các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý; tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện quy chế dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

"Dân biết, dân kiểm tra" được phát huy

Giám sát đầu tư của cộng đồng là hoạt động tự nguyện của nhân dân, nhằm góp phần phát hiện, ngăn chặn để xử lý kịp thời các hoạt động đầu tư không đúng quy hoạch, sai quy định; tránh để xảy ra lãng phí, thất thoát vốn và tài sản nhà nước, ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình, xâm hại lợi ích của cộng đồng. Vai trò của đội ngũ làm công tác giám sát ở cơ sở càng quan trọng hơn khi Quảng Ninh đang liên tục triển khai nhiều dự án trọng điểm, đẩy mạnh đầu tư xây dựng nông thôn mới, các công trình hạ tầng phục vụ giảm nghèo bền vững... Xác định rõ vai trò này, hệ thống MTTQ từ tỉnh tới cơ sở đã tích cực vào cuộc, liên tục củng cố, kiện toàn đội ngũ giám sát viên để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ.

Thành viên Ban Thanh tra nhân dân phường Cẩm Tây (TP Cẩm Phả) khảo sát tiến độ, chất lượng thi công cống thoát nước, cải tạo mặt đường tại khu phố Minh Khai của phường.

Thành viên Ban Thanh tra nhân dân phường Cẩm Tây (TP Cẩm Phả) khảo sát tiến độ, chất lượng thi công cống thoát nước, cải tạo mặt đường tại khu phố Minh Khai của phường.

Cụ thể, Ủy ban MTTQ cấp xã có trách nhiệm chủ trì thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cho từng chương trình, dự án tại địa phương mình; bám sát quy định chung của tỉnh về thực hiện công tác giám sát đầu tư của cộng đồng (Quyết định số 4700/QĐ-UBND ngày 14/11/2018 của UBND tỉnh). Theo đó, mỗi Ban gồm ít nhất 5 thành viên, gồm đại diện Ủy ban MTTQ cấp xã, Thanh tra nhân dân xã và đại diện người dân tại chính khu vực có công trình thi công. Các Ban sẽ chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát theo hướng dẫn của MTTQ cấp xã; duy trì chế độ thông tin liên lạc, lập và gửi các báo cáo theo quy định về MTTQ cấp xã để được xác nhận thông tin, tổng hợp theo quý về HĐND, UBND cùng cấp và MTTQ cấp trên.

Tìm hiểu tại huyện Hải Hà, chúng tôi được ông Nguyễn Thế Hòa, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, cho biết: Để đảm bảo các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động hiệu quả, hằng năm, MTTQ huyện đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn giám sát cho đại diện các Ban; tiến hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm hoạt động giám sát ở cơ sở và biểu dương điển hình, cách làm hiệu quả để nhân rộng trong hệ thống Mặt trận toàn huyện. Ở cấp xã, Mặt trận liên tục tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền cùng cấp để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức cho nhân dân và giám sát viên về phát huy dân chủ ở cơ sở. Đồng thời là đầu mối dự trù kinh phí hỗ trợ để đảm bảo điều kiện hoạt động cho các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thôn Hải Tiến (xã Quảng Thành, huyện Hải Hà) đánh giá chất lượng thi công công trình cống thoát nước của thôn.

Cũng với cách làm như tại Hải Hà, các địa phương trong tỉnh cơ bản đều đã phát huy hiệu quả hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng, đồng nghĩa với ý thức trách nhiệm của người dân trong vai trò chủ thể ngày càng được củng cố, nâng lên. Thống kê của Ủy ban MTTQ tỉnh trong nhiệm kỳ 2014-2019, toàn tỉnh có 442 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, thành lập tại 186/186 xã, phường, thị trấn. Các Ban đã tổ chức gần 3.100 cuộc giám sát, kiến nghị trên 600 vụ việc có sai phạm, góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc từ cơ sở, hạn chế những khiếu nại, khiếu kiện phức tạp, kéo dài liên quan, nhất là trong việc thực hiện thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng.

Đại diện cho ý nguyện của nhân dân

Khác với giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước, giám sát của MTTQ mang tính nhân dân. Nghĩa là đại diện cho tiếng nói, ý nguyện của nhân dân, nêu được những vấn đề dân thắc mắc, quan tâm, lấy đó làm cơ sở dẫn dắt trong vấn đề giám sát. Xác định điều này, các cấp MTTQ trong tỉnh đã và đang liên tục đổi mới phương thức để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, nhận diện rõ được quy trình, đối tượng giám sát.

Công nhân thi công cải tạo hệ thống vỉa hè phường Yên Giang (TX Quảng Yên), đoạn qua khu vực đền thờ Trần Hưng Đạo.

Điển hình như tại TX Quảng Yên, từ năm 2015 đến nay đã có trên 80 dự án lớn nhỏ được triển khai, thu hồi hơn 2.000ha đất các loại, ảnh hưởng tới hơn 10.000 hộ dân các xã, phường. Từ yêu cầu thực tế, Ủy ban MTTQ thị xã lựa chọn nội dung giám sát về công tác giải phóng mặt bằng, chủ động vào cuộc để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân ngay từ các khâu lập phương án thu hồi đất, bồi thường, tái định cư, đánh giá tác động môi trường... Chương trình giám sát của Mặt trận còn hướng vào việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; không để xảy ra tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu, chậm trễ, tiêu cực.

Còn tại TP Hạ Long, Ủy ban MTTQ thành phố chủ động tham mưu với cấp ủy, thống nhất với chính quyền, phối hợp chặt chẽ với các thành viên để tiến hành giám sát các công trình, dự án liên quan đến chỉnh trang đô thị. Nhiệm kỳ 2014-2019, Ủy ban MTTQ thành phố đã chủ trì 8 cuộc giám sát trong tổng số 25 cuộc giám sát của Khối MTTQ và các đoàn thể về lĩnh vực này. Từ chủ đề chính, chương trình giám sát lại được chia thành 9 nội dung nhỏ để đảm bảo giám sát chuyên sâu, đa chiều, tránh trùng lặp. Cụ thể như: Việc cải tạo, nâng cấp hệ thống vỉa hè, biển báo hiệu giao thông; việc tu bổ các công trình kè, bờ tuyến ven biển, hồ điều hòa, mương, sông, suối; việc di dời cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư; việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt...

Cán bộ Ủy ban MTTQ phường Bãi Cháy (TP Hạ Long) và khu phố 6 giám sát thi công tuyến đường Trần Khánh Dư đoạn qua các tổ 4, 5 của khu phố.

Ông Đồng Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố, cho biết: Trên cơ sở chỉ đạo chung của Ban Thường vụ Thành ủy hằng năm, Chương trình giám sát của MTTQ thành phố có sự phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện giữa UBND các cấp, các cơ quan chuyên môn và các tổ chức thành viên, dù là giám sát thường xuyên hay đột xuất. Khi giám sát, MTTQ thành phố tập trung khảo sát trực tiếp, đột xuất để ghi nhận trực quan về hiện trạng tại các công trình, lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân địa phương. Kết quả của buổi thực tế sẽ được tổng hợp, đối chiếu với số liệu báo cáo để có đánh giá khách quan, có phương án góp ý ngay nếu có hạn chế, vướng mắc ở cơ sở. MTTQ các phường cũng chủ động có kế hoạch giám sát cụ thể từng năm; phải liên tục đánh giá, rút kinh nghiệm qua từng chương trình để khắc phục khó khăn trong hoạt động.

Nguyên tắc hàng đầu là “bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan” cũng chính là cách làm của MTTQ nhiều địa phương trong tỉnh khi triển khai hoạt động giám sát. Các kiến nghị sau giám sát của MTTQ đã được các cấp chính quyền chỉ đạo tiếp thu, nghiên cứu, xem xét giải quyết và có nhiều chuyển biến tích cực. Nhờ đó, đã góp phần thiết thực vào nhiệm vụ nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền.

Bài 2: Rõ trách nhiệm, vai trò của Mặt trận Tổ quốc

Hoàng Giang

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201910/tac-pham-du-thi-giai-bao-chi-bua-liem-vang-2019-phat-huy-dan-chu-dong-thuan-xa-hoi-qua-kenh-giam-sat-cua-mttq-bai-1-bam-sat-thuc-tien-de-nang-cao-chat-luong-hieu-qua-giam-sat-2458511/