Phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ và về vai trò sức mạnh của quần chúng nhân dân được hình thành ngay từ những năm hai mươi của thế kỷ XX. Thể hiện ở việc nhấn mạnh vai trò của quần chúng nhân dân, sự đoàn kết đấu tranh, việc tổ chức lực lượng cách mạng trên tất cả các lĩnh vực trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến đời sống của nông dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến đời sống của nông dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân

Sau thắng lợi cách mạng Tháng Tám năm 1945, đặc biệt trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (từ năm 1955) do yêu cầu thực tiễn xây dựng nền kinh tế, quản lý xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề cập tới quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Người khẳng định “Cách mạng là việc chung của dân chúng chứ không phải là việc của một hai người”. Người luôn giáo dục cán bộ các cấp phải tin vào sức mạnh của quần chúng “phải nhớ dân là chủ, dân như nước, mình như cá, lực lượng bao nhiêu là nhờ vào dân hết” và “dân tốt, lúc họ đã hiểu thì khó khăn mấy cũng làm được”.

Ý thức mạnh mẽ về vai trò của quần chúng nhân dân, Người đã nhấn mạnh: Cần làm cho “Mọi người thấm nhuần tinh thần làm chủ tập thể phấn khởi lao động, mọi việc đều đổi mới như hoa nở mùa xuân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dừng ở quan điểm chung, cơ bản mà đã có những chỉ dẫn cụ thể, rằng quyền làm chủ phải được thực hiện và phát huy đầy đủ ở ba cấp: Cả nước, địa phương và cơ sở. Chế độ làm chủ phải được thực hiện theo cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đồng thời giải quyết tốt mối quan hệ giữa ba lợi ích: Lợi ích toàn xã hội, của tập thể và cá nhân người lao động.

Với mục đích “Không ngừng nâng cao đời sống văn hóa và vật chất của nhân dân lao động” với phương châm “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì hại đến dân phải hết sức tránh”. Để nhân dân có điều kiện phát huy quyền làm chủ tập thể của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú ý đến việc phát huy vai trò của nhà nước, là nhà nước do dân bầu ra, để họ thật sự hưởng “Quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân, phát huy tính tích cực sáng tạo của họ, làm cho họ thật sự tham gia quản lý công việc của nhà nước”.

Một điều quan trọng là phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng là phải tiến hành có tổ chức, có lãnh đạo, giáo dục tinh thần cách mạng tích cực, chủ động sáng tạo của nhân dân. Đồng thời “phải tin và dựa vào lực lượng, sáng kiến của nhân dân”, Người cho rằng: “Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân” nhưng Người cũng nhắc nhở rằng quyền lợi và trách nhiệm phải gắn liền với nhau. Nếu chỉ kêu gọi trách nhiệm mà không quan tâm đến quyền lợi thì “lời kêu gọi xuông” ấy sẽ không đạt kết quả gì hơn và ngược lại.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người

Ngày 7/11/2006 Bộ Chính trị BCHTW Đảng đã ra Chỉ thị 06/CT-TW về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Nhằm làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản, về những giá trị to lớn của tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền về các nội dung, tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được tiến hành thường xuyên liên tục với nhiều hình thức phong phú sinh động, thiết thực, hiệu quả. Đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội góp phần phát huy dân chủ, động viên thi đua yêu nước, khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo, dám nghĩ dám làm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế.

Hồ Chủ tịch nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần II, tháng 2-1951.

Để thực hiện có hiệu quả nội dung chuyên đề của năm 2019 “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,” trước hết cần thấm nhuần quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đó là: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dân là chủ, nhân dân làm chủ. Trong quá trình thực hiện cần gắn nội dung học tập, làm theo với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và nâng cao hiệu quả công tác dân vận; thực hiện tốt các chương trình công tác, phong trào thi đua của ngành, cơ quan đơn vị, địa phương.

Trên cơ sở đó, nội dung chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong năm 20219, cán bộ công chức, viên chức cần xác định rõ nội dung phấn đấu, làm theo sát với chức năng, nhiệm vụ và thực tế công việc hàng ngày của mỗi người. Không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác, nâng cao đạo đức công vụ với tinh thần tôn trọng nhân dân, gần gũi nhân dân, hiểu dân để phát huy quyền làm chủ và đáp ứng lợi ích chính đáng của nhân dân kết hợp hài hòa các lợi ích, nghĩa vụ đi đôi với quyền lợi.

Điều quan trọng là phải xây dựng cho được đội ngũ cán bộ, công chức các cấp đủ năng lực, phẩm chất, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Nói đi đôi với làm, tận tụy với công việc, luôn khiêm tốn giản dị, sâu sát thực tế, gần gũi với nhân dân, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, đấu tranh với những biểu hiện vô cảm và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân. Góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và xây dựng Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính tạo động lực để phát triển đất nước vì mục tiêu: Dân giàu , nước mạnh xã hội dân chủ công bằng và văn minh.

Phú Thọ

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/phat-huy-dan-chu-cham-lo-doi-song-nhan-dan-theo-tu-tuong-ho-chi-minh-70904