Phát huy các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ nông dân

TP Cần Thơ đã quan tâm triển khai nhiều hoạt động khuyến nông, giúp nông dân xây dựng và nhận rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, từ đó nâng cao được thu nhập. Thông qua thực hiện các mô hình, nông dân cũng được tập huấn để hiện đại hóa sản xuất, nâng cao nhận thức và hành động trọng sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn, thích ứng biến đổi khí hậu và tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hỗ trợ nông dân

Nông dân tìm hiểu các thiết bị mới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được trưng bày, giới thiệu bên lề một hội thảo đầu bờ được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ tổ chức ở huyện Vĩnh Thạnh năm 2020.

Nông dân tìm hiểu các thiết bị mới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được trưng bày, giới thiệu bên lề một hội thảo đầu bờ được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ tổ chức ở huyện Vĩnh Thạnh năm 2020.

Các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã liên tục được ngành Nông nghiệp thành phố đẩy mạnh trong những năm qua. Bên cạnh các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương, Cần Thơ cũng đã huy động thêm nhiều nguồn lực đầu từ xã hội và tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương và các dự án quốc tế để đẩy mạnh công tác khuyến nông như: Dự án VnSAT, Dự án sáng kiến phát triển lúa gạo châu Á… Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, năm 2020, đã tổ chức tập huấn hơn 288 cuộc, với 10.114 lượt nông dân tham dự và 249 cuộc hội thảo, với 2.254 lượt người tham dự, với các nội dung gồm: ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa, rau mùa, hoa kiểng, cây ăn trái, chăn nuôi, thủy sản. Hỗ trợ cho nông dân khoảng 300.000 cây, con giống các loại, với kinh phí trên 2,6 tỉ đồng. Đồng thời, triển khai nhiều đề tái, dự án, mô hình giúp nông dân giảm chi phí và tăng thu nhập, nhất là mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa và các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản nói chung. Mô hình cánh đồng lớn tại thành phố đạt diện tích trên 30.000 ha/vụ đã phát huy hiệu quả “liên kết bốn nhà”, thúc đẩy nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo và tăng lợi nhuận cho nông dân từ 2,4-5 triệu đồng/ha/vụ.

Thời gian qua, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, chi cục thủy sản, Chi cục thú y và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp đã hỗ trợ nông dân xây dựng được rất nhiều mô hình trồng trọt và chăn nuôi mang lại hiệu quả cao. Cụ thể như, mô hình nuôi cá chạch lấu trong bể lót bạt, nuôi lươn thương phẩm không bùn mật độ cao, trồng rau trong nhà lưới, trồng nấm bào ngư xám, nuôi gà thả vườn an toàn sinh học, nuôi dê sinh sản an toàn sinh học, mô hình lắp đặt hệ thống tưới phun tự động cho rau màu, vườn cây ăn trái… Các mô hình này không chỉ giúp nâng cao giá trị trên cùng một diện tích mà còn hướng nông dân đến việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và các điều kiện tự nhiên tại địa phương. Thông qua việc trình diễn, giới thiệu các mô hình này cũng giúp nhiều hộ dân được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, máy móc thiết bị mới và giống cây trồng vật nuôi mới…để mạnh dạn ứng dụng, đưa vào sản xuất.

Xây dựng kế hoạch khuyến nông “dài hơi”

Khuyến nông là hoạt động rất cần thiết cho phát triển nông nghiệp nhằm góp phần thúc đẩy nông dân hiện đại hóa sản xuất, nâng cao nhận thức và hành động trong sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn, sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với quốc tế và tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tăng, nông dân rất cần được hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình thích ứng, bền vững.

Cần Thơ đã quan tâm xây dựng một kế hoạch khá “dài hơi” cho công tác khuyến nông. Đó là Chương trình khuyến nông TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của chương trình nhằm đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đô thị theo chuỗi giá trị. Mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, xây dựng chứng nhận chất lượng gắn với chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực. Thành lập sàn giao dịch sản phẩm nông nghiệp gắn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, đảm bảo đầu ra sản phẩm. Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp thích ứng với các điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội thông qua việc chuyển giao kỹ thuật sản xuất mới, có hiệu quả đến người dân bằng nhiều hoạt động tập huấn, chuyển giao kỹ thuật mới, hỗ trợ nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả cả trong trồng trọt và chăn nuôi…

Việc xây dựng chương trình khuyến nông là rất cần thiết và cần đánh giá kỹ thực trạng khuyến nông tại địa phương để xây dựng chương trình sát nhu cầu thực tế và huy động tốt được các nguồn lực. Theo ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, trong nội dung của Chương trình khuyến nông TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025 cần nêu rõ trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan và địa phương nhằm huy động sự tham gia, phối hợp một cách đồng bộ để mang lại hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, cần có sự tham gia, gắn kết chặt chẽ giữa Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn với Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ. Ông Trần Lê Bình, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ cũng cho rằng, cần huy động sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa các sở ngành, địa phương và đơn vị có liên quan. Bởi muốn có mô hình sản xuất hiệu quả và bền vững, nông dân không chỉ cần được hỗ trợ tập huấn, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mà cần được kết nối với doanh nghiệp chế biến và nhà tiêu thụ để đảm bảo đầu ra sản phẩm, cũng như cần có đường giao thông thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa…Mô hình sản xuất nông nghiệp có đầu ra có tốt thì mới bền vững và thu hút nông dân tham gia.

Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định Chương trình Khuyến nông TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè đã yêu cầu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ tiếp thu các ý kiến đóng góp để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Chương trình nhằm sớm trình UBND TP Cần Thơ xem xét, phê duyệt. Trong đó, chú ý xây dựng Chương trình sát nhu cầu thực tế địa phương, cũng như huy động sự tham gia, phối hợp của các sở ngành, địa phương và lồng ghép chương trình này với các chương trình khác để phát huy tốt các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho nông dân.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/phat-huy-cac-nguon-luc-dau-tu-ho-tro-nong-dan-a132482.html