Phát huy bản sắc xứ Quảng

Thời gian qua, ngành du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng (DLCĐ) đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Nam nói chung và thành tựu xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương nói riêng.

Phấn đấu có thêm ít nhất 21 xã đạt chuẩn

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Quảng Nam (Văn phòng Điều phối NTM), đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 98 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 48,04% tổng số xã), 1 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao và không còn xã dưới 7 tiêu chí; có 102 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu; đã có 106 sản phẩm OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) được công nhận, gồm 18 sản phẩm 4 sao và 88 sản phẩm 3 sao.

Du lịch đóng góp vào xây dựng bộ mặt nông thôn mới

Du lịch đóng góp vào xây dựng bộ mặt nông thôn mới

Quảng Nam phấn đấu đến cuối năm 2020, có thêm ít nhất 21 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên ít nhất 116 xã, đạt tỷ lệ 58%; có 26 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao, trong đó, có 9 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Không còn xã dưới 8 tiêu chí; có ít nhất 133 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu và hỗ trợ phát triển, nâng cấp ít nhất 120 sản phẩm mới, sản phẩm đã tham gia Chương trình OCOP đạt từ 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên khoảng 226 sản phẩm, trong đó có ít nhất 3 sản phẩm gửi về trung ương tham gia đánh giá phân hạng 5 sao.

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM

Báo cáo của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Quảng Nam, doanh thu từ DLCĐ tại địa phương không ngừng tăng, năm 2019 đạt hơn 45,5 tỷ đồng, là mức thu nhập tăng thêm từ khu vực nông nghiệp nông thôn cho người dân ở đây. Tăng thu nhập sẽ giúp tăng tích lũy ở khu vực nông thôn và tạo nguồn lực để thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM. Bên cạnh đó, thúc đẩy liên kết phát triển sản xuất, kết nối mở rộng chuỗi giá trị du lịch, góp phần thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM. Phát triển DLCĐ gắn với nông nghiệp nông thôn tạo việc làm, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn, giúp người dân “ly nông không ly hương”, giảm tỷ lệ di cư từ nông thôn ra thành thị.

Tuy nhiên, quá trình phát triển DLCĐ còn gặp khó khăn, do quy hoạch NTM trước đây của nhiều địa phương chưa định hướng phát triển du lịch, nhất là DLCĐ, hoặc có nhưng chất lượng quy hoạch chưa tốt; thiếu tính liên kết vùng, liên kết ngành... khiến điểm đến du lịch, sản phẩm DLCĐ thiếu bản sắc, chưa khai thác được giá trị văn hóa đặc trưng. Ngoài ra, việc hạn chế trong liên kết giữa các địa phương trong phát triển du lịch chưa tạo ra sự trải nghiệm đa dạng cho du khách theo phương châm “đến một địa phương là biết cả vùng”. Kết nối giữa doanh nghiệp lữ hành và điểm đến DLCĐ còn khó khăn, sản phẩm DLCĐ chưa phù hợp với xu hướng phát triển và nhu cầu của thị trường, chưa thuận lợi trong việc kết nối tour... Chính vì lý do trên, thời gian lưu trú và khả năng chi tiêu của khách du lịch tại khu vực còn thấp, sự kết nối giữa du lịch và nông nghiệp và các ngành khác chưa hiệu quả.

Xác định, để xây dựng NTM bền vững, việc chú trọng phát triển DLCĐ dựa trên nền tảng phát huy các giá trị văn hóa, cảnh quan nông thôn là hết sức quan trọng. Do đó, thời gian tới, Quảng Nam sẽ đẩy mạnh phát triển nhân rộng các mô hình DLCĐ gắn với xây dựng NTM; hình thành các sản phẩm DLCĐ gắn với hoạt động tham quan, trải nghiệm ở các làng quê, làng nghề. Đẩy mạnh xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu để trở thành những điểm DLCĐ hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá vẻ đẹp của những “miền quê đáng sống”.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Quảng Nam dựa trên tính độc đáo của các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác những giá trị di sản văn hóa nổi bật mang tính toàn cầu (du lịch di sản), giá trị văn hóa dân tộc truyền thống và những giá trị tự nhiên nổi trội của địa phương Quảng Nam (du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch ẩm thực), trong đó coi trọng phát triển các sản phẩm du lịch xanh, mà trọng tâm là du lịch sinh thái thân thiện với môi trường.

Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tại các xã, đáp ứng các tiêu chí về quy hoạch NTM và không gian đồng bộ cho các hoạt động DLCĐ. Đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong phát triển sản phẩm DLCĐ.

Có chính sách thu hút các nhà đầu tư phát triển các sản phẩm DLCĐ, du lịch nghỉ dưỡng, sức khỏe, du lịch trải nghiệm giáo dục, du lịch ẩm thực, du lịch văn hóa dân gian đồng quê, kết hợp chặt chẽ với cộng đồng sản xuất nông nghiệp trong khu vực nông thôn. Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch xanh, thân thiện môi trường phù hợp với nhu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường cao cấp…

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên, Quảng Nam đặt mục tiêu phát triển kinh tế du lịch, đặc biệt DLCĐ là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM hiệu quả, bền vững, từng bước nâng cao thu nhập, hướng đến xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, xây dựng những "làng quê đáng sống", góp phần gìn giữ được “hồn quê” và cốt cách của nông thôn Việt Nam.

Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh Quảng Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, qua đó làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-huy-ban-sac-xu-quang-142698.html