Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển du lịch bền vững

Chính quyền và người dân thành phố Đà Nẵng luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các di sản, không gian diễn xướng bài chòi, nghệ thuật tuồng, tổ chức các lễ hội truyền thống của địa phương, xây dựng, tổ chức thực hiện các sản phẩm văn hóa, lễ hội riêng cho thành phố.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng Nguyễn Thị Hội An cho biết: Năm 2021, ngành khắc phục mọi khó khăn, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về quy hoạch, đầu tư, quản lý và sử dụng các công trình, thiết chế văn hóa, thể thao…, trong đó chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với việc phát triển du lịch bền vững.

Chính quyền và người dân thành phố Đà Nẵng luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các di sản, không gian diễn xướng bài chòi, nghệ thuật tuồng, tổ chức các lễ hội truyền thống của địa phương, xây dựng, tổ chức thực hiện các sản phẩm văn hóa, lễ hội riêng cho thành phố. Từ đó làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng người dân và khách du lịch ngày càng phong phú, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương và trên cả nước.

Một tiết mục trong lễ hội Cầu ngư tại Đà Nẵng.

Một tiết mục trong lễ hội Cầu ngư tại Đà Nẵng.

Đến tháng 1/2021, TP Đà Nẵng có hai di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích quốc gia, 60 di tích cấp thành phố và 39 di tích đang nằm trong danh mục kiểm kê; 6 bảo vật quốc gia; có 5 di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia (nghề làm đá Non Nước Ngũ Hành Sơn, nghệ thuật Tuồng xứ Quảng, Lễ hội Cầu Ngư, Bài Chòi, nghề làm mắm Nam Ô).

Bên cạnh đó, Lễ Hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn đã được Hội đồng di sản thông qua, hiện đang trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt để đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… với các hệ thống di sản trên của thành phố Đà Nẵng hằng năm đã thu hút đông đảo người dân, du khách, học sinh, sinh viên đến tham quan, nghiên cứu, học tập.

Thành phố Đà Nẵng hiện có 28 lễ hội truyền thống. Hăầng năm, các lễ hội được tổ chức sôi nổi, giữ được nét truyền thống và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam. Nhiều lễ hội truyền thống đã thu hút được đông đảo nhân dân thành phố và du khách tham dự, như: Lễ hội Đình làng Túy Loan, Đình làng Hòa Minh, Lễ hội Cầu ngư Thanh Khê, Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn… đã góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch và các nét đẹp văn hóa truyền thống của nhân dân đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, chuỗi Văn hóa lễ hội hai bờ sông Hàn được triển khai thực hiện từ năm 2017 đến nay đã trở thành sản phẩm đặc trưng riêng của thành phố Đà Nẵng. Lễ hội được trải dài suốt năm và tập trung vào những ngày cuối tuần, những ngày lễ, Tết của thành phố và đất nước (với hơn 30 hoạt động thường xuyên và hơn 10 hoạt động định kỳ), đã thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng. Trong đó, nhiều sản phẩm văn hóa nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc của người dân xứ Quảng.

Ông Ngô Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố Đà Nẵng (Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng) chia sẻ, bằng nhiều hình thức tuyên truyền gần gũi, sinh động, Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc như: Liên hoan hát dân ca và hô hát bài chòi Đà Nẵng mở rộng; chương trình nghệ thuật “Giai điệu quê hương”; Liên hoan Ban nhóm nhạc, Nhóm nhảy và Vũ đoàn; sắp đặt nghệ thuật “Nón lá Việt Nam”…

Các loại hình nghệ thuật tạo hình, hô hát dân ca, bài chòi và hòa tấu các nhạc cụ truyền thống dân tộc kết hợp với nhạc cụ hiện đại được đưa vào biểu diễn phục vụ người dân và du khách miễn phí tại các công viên, khu điểm công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Đây cũng là một cách để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và giới thiệu các loại hình văn hóa nghệ thuật đến người dân, du khách. Đặc biệt là di sản nghệ thuật bài chòi đã được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) được nâng cấp, đầu tư hệ thống, trang thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng lãm ngày càng cao của du khách. Nhà hát đã phục dựng, xây dựng các vở diễn mới góp phần làm phong phú thêm hoạt động biểu diễn trong các chương trình “Tuồng xuống phố”, “Sân khấu học đường”; xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu cho chương trình nghệ thuật tuồng "Hồn Việt".

Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng Hồ Tấn Tuấn cho biết, ngay trong những ngày đầu đón năm mới 2021, thành phố Đà Nẵng đã đón tin vui khi vừa có thêm hai hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2283/QĐ- TTg vào ngày 31/12/2020 về việc công nhận các bảo vật quốc gia năm 2020 trong đó có tượng Ganesha và tượng Gajasimha.

Đây là hai hiện vật độc bản, có hình thức độc đáo và giá trị đặc biệt tiêu biểu cho nền nghệ thuật tôn giáo của Champa qua các thời đại. Chủ tịch UBND thành phố vừa có quyết định xếp hạng Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là di tích lịch sử cấp thành phố.

Đến gần cuối tháng 1/2021, Bảo tàng đã đón hơn 3.000 du khách đến tham quan, đây là những tín hiệu vui cho bảo tàng. Hiện Bảo tàng đang lưu giữ và giới thiệu tổng cộng 6 hiện vật điêu khắc đã được công nhận Bảo vật Quốc gia, gồm: Đài thờ Trà Kiệu, Đài thờ Mỹ Sơn E1, Tượng Bồ tát Tara, Đài thờ Đồng Dương, tượng Ganesha, tượng Gajasimha.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là nơi đến tham quan yêu thích của du khách trong nước và quốc tế, việc có thêm hai bảo vật sẽ thu hút người dân, du khách đến với Đà Nẵng và góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, mến khách đến bạn bè quốc tế và đẩy mạnh thúc đẩy, phát triển triển du lịch sau thời gian tạm ngưng vì dịch COVID-19.

Chung tay cùng thành phố Đà Nẵng để bảo tồn và phát huy giá trị các hiện vật, trong năm 2020, ngành Văn hóa thành phố đã tiếp nhận hơn 90 hiện vật của các gia đình nghệ nhân kim hoàn trong nước trao tặng; đồng thời tiếp nhận 287 bức tranh do ông Toyokichi ltoh, nhà sưu tầm tranh cho mượn và tặng. Các hiện vật được trưng bày sẽ góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân thành phố và du khách.

Nhằm đẩy mạnh khôi phục các hoạt động văn hóa nghệ thuật, du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đồng thời thực hiện “mục tiêu kép”, vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Đà Nẵng đã cho người dân và du khách được miễn phí tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn và các Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Chăm, Bảo tàng Mỹ thuật trên địa bàn từ ngày 1/1/2021 đến hết năm 2021.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng Nguyễn Thị Hội An nhận định, du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng. Vì vậy, việc xây dựng các sản phẩm văn hóa nghệ thuật gắn với việc phát triển du lịch nhằm mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của địa phương là nhiệm vụ của ngành Văn hóa.

“Ngành Văn hóa luôn chú trọng đến việc tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm văn hóa nghệ thuật truyền thống nhằm nâng cao ý thức trong cộng đồng nhân dân, doanh nghiệp, người kinh doanh du lịch trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đây là yếu tố tiên quyết để góp phần phát triển du lịch nhanh và bền vững”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng Nguyễn Thị Hội An nhấn mạnh.

Trần Lê Lâm

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/phat-huy-ban-sac-van-hoa-dan-toc-phat-trien-du-lich-ben-vung-629609/