Phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành kế hoạch tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Phú Thọ, Điện Biên, Nghệ An, Lâm Đồng, Bình Phước.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Vụ Văn hóa dân tộc phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức khảo sát, đánh giá kết quả hoạt động của các mô hình có hiệu quả về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của từng vùng, miền, dân tộc trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương. Yêu cầu đặt ra là các mô hình đó phải phù hợp với đời sống văn hóa, phong tục tập quán của địa phương, gắn kết các hoạt động bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng vùng, miền, các dân tộc với Chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, du lịch ở địa phương…

Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2020, Vụ Văn hóa dân tộc sẽ phối hợp tổ chức triển khai 8 mô hình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới trên toàn quốc.

Dệt thổ cẩm của người dân tộc Pà Thẻn ở xã Tân Bắc (Quang Bình, Hà Giang). Ảnh: Nguyễn Chiến/TTXVN

Dệt thổ cẩm của người dân tộc Pà Thẻn ở xã Tân Bắc (Quang Bình, Hà Giang). Ảnh: Nguyễn Chiến/TTXVN

Cụ thể, các mô hình được xây dựng là: nghề thêu, dệt thổ cẩm của người Dao Đỏ gắn với bảo tồn, phát huy xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang; bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống dân tộc Hà Nhì phục vụ phát triển du lịch trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại tỉnh huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai; Câu lạc bộ Văn hóa dân tộc Mường trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ; chế tác và trình diễn đàn tính dân tộc Thái gắn với bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu; bảo tồn, phát huy nghệ thuật “múa xòe, múa sạp” dân tộc Thái trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại tỉnh huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên; Câu Lạc bộ Cồng chiêng dân tộc K’ho gắn với bảo tồn, phát huy phục vụ phát triển du lịch trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng; Câu Lạc bộ hát dân ca Thái phục vụ phát triển du lịch trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An; đan lát truyền thống của người Khmer trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Vụ Văn hóa dân tộc chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống của 8 mô hình nêu trên, đánh giá những kết quả đạt được, khó khăn hạn chế làm cơ sở lựa chọn địa điểm, xây dựng nội dung triển khai xây dựng mô hình; tổ chức tập huấn phương pháp triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình; hỗ trợ các trang thiết bị, vật tư, đạo cụ phục vụ xây dựng mô hình; tổ chức các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống, xây dựng mô hình; tổ chức ghi hình, chụp ảnh tư liệu về bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc để lưu giữ, đồng thời phục vụ công tác tuyên truyền, giới thiệu và nhân rộng mô hình…

Kế hoạch được ban hành nhằm xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của từng vùng, miền, dân tộc trong xây dựng nông thôn mới; tổ chức các hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, các phong trào văn hóa, văn nghệ vui tươi, lành mạnh, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, tăng cường tinh thần đoàn kết cộng đồng, xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, phát triển đất nước. Kế hoạch cũng hướng đến việc phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng vào công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các vùng miền, cộng đồng, dân tộc trong phong trào xây dựng nông thôn mới trên cả nước; bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng nhằm tạo ra nguồn thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Theo Phương Lan (TTXVN)

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/phat-huy-ban-sac-van-hoa-cua-cac-dan-toc-thieu-so-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi-35994.html