Phật hoàng Trần Nhân Tông với việc bảo vệ núi sông bờ cõi

Trần Nhân Tông (1258-1308) là vị vua thứ ba đời nhà Trần. Ông là con trai đầu của vua Trần Thánh Tông, tên chính là Khâm, sinh ra và lớn lên vào thời kỳ đất nước luôn luôn bị giặc ngoại xâm lăm le xâm lược, nên sớm ý thức được trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, nhân dân, dòng họ. Ông được vua cha Trần Thánh Tông nhường ngôi năm 1278, cùng cha ổn định tình hình đất nước và củng cố quốc phòng-an ninh, bảo vệ bình yên bờ cõi Tổ quốc.

Năm 1282, sau khi đánh bại nhà Nam Tống, làm chủ toàn bộ Trung Quốc, vua Nguyên quyết định bành trướng thế lực xuống phương Nam. Để thực hiện mưu đồ đó, vua Nguyên vờ cho sứ sang nước ta mượn đường đánh Chiêm Thành. Lúc bấy giờ, Trần Nhân Tông và vua cha (Thượng hoàng) kiên quyết khước từ. Biết bản chất giặc rất hung bạo, ông đã cho triệu tập Hội nghị Bình Than thống nhất ý chí chống giặc trong triều đình. Trần Hưng Đạo được cử làm Tiết chế, Tổng chỉ huy cuộc kháng chiến.

Đầu năm 1285, ông cùng Thượng hoàng mở Hội nghị Diên Hồng, mời các vị bô lão trong nước đến họp nhằm đoàn kết toàn dân chống giặc. Ông cùng cha tích cực tham gia chỉ đạo cuộc kháng chiến và đã trực tiếp chỉ huy một đạo binh thuyền quyết chiến với giặc trên sông Bạch Đằng. Ngày toàn thắng, khi làm lễ hiến phù trước lăng mộ Trần Thái Tông (vị vua đầu tiên triều Trần), ông đã cảm xúc đọc hai câu thơ:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.

Nghĩa là:

Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông muôn thuở vững âu vàng.

Sau thắng lợi huy hoàng đánh tan 50 vạn quân Nguyên vào mùa xuân năm 1288, Trần Nhân Tông chủ trương "nới sức dân", thúc đẩy khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, nhanh chóng xây dựng lại đất nước bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh.

Bấy nhiêu công lao to lớn đã đưa Trần Nhân Tông lên một vị trí vẻ vang trong lịch sử dân tộc, được các sử gia đánh giá là "bậc vua hiền của nhà Trần", "nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp phục hưng làm vẻ vang đời trước" .

Mùa xuân năm 1293, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, tức Trần Thuyên và lên làm Thượng hoàng như truyền thống của nhà Trần. Năm 1295, ông đã xuất gia ở Vũ Lâm (Hoa Lư, Ninh Bình ngày nay), rồi lại trở về kinh sư. Cho đến mùa thu năm 1299, từ phủ Thiên Trường, Nhân Tông mới chính thức xuất gia, lên núi Yên Tử tu Phật và sáng lập ra phái Thiền Trúc Lâm mà ông là tổ thứ nhất. Từ đây, ông lấy Pháp hiệu là Hương Vân đại đầu đà hoặc Trúc Lâm đại đầu đà. Người đương thời và các đời sau tôn xưng ông là Điều Ngự Giác hoàng.

Trần Nhân Tông tuy xuất gia nhưng vẫn nặng lòng lo việc nước, việc dân. Đối với ông, Phật giáo nói chung và dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử nói riêng phải luôn gắn liền với đời sống của đất nước, của dân tộc, không thể có sự cách biệt giữa đạo và đời. Ngay việc Trần Nhân Tông chọn Yên Tử làm nơi tu thiền cũng hàm chứa nhiều tầng nghĩa. Yên Tử có cảnh vật vừa đẹp, vừa thanh vắng, rất thích hợp cho việc tu thiền nên các vua Trần đã tìm đến núi Yên Tử.

Theo sách Trúc Lâm tôn chỉ nguyên thanh của Ngô Thì Nhậm thì Yên Tử sơn là nơi có một vị trí quân sự quan trọng, là vọng gác tiền tiêu của Tổ quốc và Trần Nhân Tông khoác áo cà sa đến đây tu hành là để làm nhiệm vụ của một người "lính Biên phòng". Sách đó có đoạn viết: "Mọi người thấy đức Điều Ngự là tổ thứ nhất khi ra ở chùa Hoa Yên (tức chùa Yên Tử) thì cho là ngài xuất gia, nhưng có biết đâu đương lúc bấy giờ đức Tổ ta biết lấy thiên hạ làm của công...

Xét thấy Yên Tử là một ngọn núi cao, phía Đông có thể nhòm mặt tỉnh Yên, tỉnh Quảng; phía Bắc có thể trông tới Lạng Sơn, Lạng Giang, nên mới dựng tự viện, thường qua lại xem chuyện động tĩnh, khiến cho quân giặc ở ngoài không thể gây những việc đáng lo ngại. Đó thực là Vô lượng lực Đại thế chí Bồ Tát vậy...".

Không chỉ lo giữ yên phía Bắc, Trần Nhân Tông còn rất quan tâm tới mối bang giao với Nhà nước Chiêm Thành ở phía Nam.

Năm 1282, khi Hốt Tất Liệt phát binh đánh Chiêm Thành hòng chiếm lấy nước này và tạo thành một bàn đạp lợi hại để rồi từ đó cho quân đánh thốc lên, phối hợp với mũi tiến công chính từ phía Bắc tràn xuống nhằm nuốt chửng Đại Việt, Trần Nhân Tông đã gửi viện binh cho Chiêm Thành, đánh bại quân Nguyên.

Năm 1301, sau khi đã xuất gia ở Yên Tử, Trần Nhân Tông còn vân du đến biên giới phía Nam của đất nước, lập am Tri Kiến tại trại Bố Chính (Bố Trạch, Quảng Trạch, Quảng Bình ngày nay). Từ đó, ông đi tiếp đến tận kinh đô của Chiêm Thành và du ngoạn ở đấy 7 tháng liền. Vua Chiêm Thành bấy giờ là Chế Mân, biết tin Trần Nhân Tông khoác áo cà sa đến nước mình đã "hết sức kính trọng thỉnh mời, dâng cúng trai lễ".

Nhân chuyến đi này, Trần Nhân Tông đã hứa gả Công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Ít năm sau (năm 1306), Chế Mân đã đem hai châu Ô, Lý làm lễ vật dẫn cưới Huyền Trân. Hai châu ấy được đổi tên thành châu Thuận, châu Hóa (Quảng Trị và Thừa Thiên ngày nay) và sáp nhập vào bản đồ Đại Việt. Quan hệ bang giao giữa Đại Việt và Chiêm Thành chưa có thời kỳ nào thân thiện như thế.

Một nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam nhận xét: "Đây phải nói là một điểm sáng kỳ lạ trong đời sống của một người xuất gia như vua Trần Nhân Tông. Chưa bao giờ trong lịch sử Phật giáo ở nước ta hay ở bất cứ một nước nào khác trên thế giới, một người xuất gia lại có thể mở mang bờ cõi và mở mang bờ cõi một cách hòa bình. Căn cứ vào giới luật của hàng Phật tử bình thường sống ở các chùa chiền... thì một người xuất gia không bao giờ được phép đi làm mai mối cho việc dựng vợ gả chồng. Thế mà, Hương Vân đại đầu đà đã làm việc đó và làm một cách thành công".

Triết lý của Thiền phái Trúc Lâm do ba vị tam tổ sáng lập: Trần Nhân Tông cùng với sư Pháp Loa (tức Đồng Kiên Cương 1284-1330) và Huyền Quang (tức Lý Đạo Tái 1254-1334) mang đậm bản sắc văn hóa Đại Việt. Lý thuyết của phái Trúc Lâm do Trần Nhân Tông khởi xướng là không kêu gọi tín đồ lìa bỏ cuộc sống trần tục, không ép xác khổ hạnh mà đề cao nhân nghĩa, giáo dục lòng nhân đạo, không phân biệt giàu sang, luôn luôn nhớ tới cội nguồn. Trần Nhân Tông tổ chức giảng Kinh Vô lượng cho hàng ngàn người nghe và mọi người tiếp thu tư tưởng của ông, nhận rõ đạo Phật Trúc Lâm là nhập thế, không huyền vi xa lạ.

Trần Nhân Tông mất đi đã để lại nhiều giai thoại thú vị. Sử chép rằng, vào năm 1308, Trần Nhân Tông tu hành trên ngọn núi Tử Tiên, Yên Tử, khi nghe tin bà chị là Thiên Thụy ốm nặng, ông xuống thăm và bảo:

- Nếu chị đã đến ngày đến giờ thì cứ đi. Dưới âm phủ có ai hỏi thì chị cứ trả lời: Xin đợi một chút, em tôi là Trúc Lâm đại sĩ sẽ tới ngay.

Nói xong, ông trở về núi, gọi Pháp Loa đến dặn dò mọi việc, rồi bỗng nhiên ngồi mà hóa.

Vua Trần Nhân Tông qua đời năm 1308, tại am Ngọa Vân, núi Yên Tử (Đông Triều, Quảng Ninh), thọ 51 tuổi.

Người đương thời và sau đó đã tạc tượng vua Trần Nhân Tông. Tượng ở Yên Tử đặt trong Huệ Quang Kim Tháp, là một pho tượng được tạo hình khỏe mạnh, rắn chắc, cân đối, đầy sức mạnh và nghị lực. Còn ở chùa tháp Phổ Minh (Nam Định), tượng toát lên vẻ ung dung thanh thản, hợp với con người của nhà vua.

Trần Nhân Tông đã bước vào cõi Niết Bàn, nhưng đã để lại hình ảnh của một vị vua anh hùng cứu nước, anh minh, quyết đoán, nhân hậu - vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm, một nhà thơ, một nhà hiền triết của dân tộc ta.

Đặng Việt Thủy

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/phat-hoang-tran-nhan-tong-voi-viec-bao-ve-nui-song-bo-coi/