Phát hoảng hơn 100 km 'cõng' 5 trạm thu phí!

Những nhà xe chở khách, xe tải chuyên chở hàng hóa, xe du lịch… thường xuyên đi hành trình từ TP.HCM đi các tỉnh Tây Nguyên hay gần hơn là đi Bình Phước sẽ thấy 'hoảng' với mật độ trạm thu phí.

Trạm thu phí số 2 (Đồng Xoài, Bình Phước) - Ảnh: Danh Phú.

Đầu tiên là hành trình từ TP.HCM đi Bình Phước, mà cụ thể ở đây đi huyện Bù Đăng nhà xe sẽ phải “kinh qua” 5 trạm thu phí cho quãng đường 150km, tức là bình quân chỉ 30km có một trạm.

Theo tìm hiểu của BizLIVE, tính từ TP.HCM trở đi, trạm thu phí đầu tiên cách thành phố chưa tới 10km là Lái Thiêu (Lái Thiêu, Bình Dương). Cách trạm này không xa chưa tới 30km là trạm thu phí gần ngay ngã tư Sở Sao (Thủ Dầu Một, Bình Dương). Tiếp đến là trạm thu phí Phước Hòa (Phú Giáo, Bình Dương), đây là trạm cuối thuộc đất Bình Dương. Như vậy các nhà xe phải chi cho 3 trạm thu phí nếu muốn đi qua Đất Thủ, đấy may mà là một trạm ngay đầu cầu Bình Triệu mới "xóa sổ" gần đây.

Tiếp đó, ngay khi vừa qua đến đất Bình Phước vài trăm mét gặp ngay trạm thu phí Tân Lập (Đồng Phú, Bình Phước). Và chỉ chạy thêm chừng 20km theo hướng lên Tây Nguyên là gặp trạm thu phí số 2 (Đồng Xoài, Bình Phước). Đây là trạm thu phí cuối và là trạm thứ 5 cho hành trình từ TP.HCM đi Bù Đăng dài 150km, tức chỉ khoảng 30km là phải trả phí cho một trạm. Và nếu tính kỹ thì từ trạm thu phí đầu tiên đến trạm cuối cùng khoảng cách chỉ là khoảng 100km!

Được biết, ngoài hướng đường kể trên, các nhà xe từ TP.HCM đi Bù Đăng cũng có thể đi “tránh” theo hướng Chơn Thành nhưng nếu đi theo hướng này thì vẫn “dính” 4 trạm thu phí.

Ngoài Bù Đăng thì nhiều tuyến khác từ TP.HCM về các huyện khác của Bình Phước cũng khiến các nhà xe rất cám cảnh về trạm thu phí dày đặc như TP.HCM đi Phước Bình, Phước Long, Bù Gia Mập…

Trạm thu phí "giăng" trên tuyến đường từ TP.HCM đi Bù Đăng, Bình Phước.

Trạm thu phí "giăng" trên tuyến đường từ TP.HCM đi Bù Đăng, Bình Phước.

Không chỉ với các nhà xe chạy hành trình từ TP.HCM đi Bình Phước mà còn “ớn” với cả các nhà xe của các tỉnh thành Tây Nguyên như Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum vì cũng phải đi theo hướng này để về Sài Gòn, tức là cũng phải “ôm” trọn các trạm kể trên.

Chẳng hạn một xe chở hàng từ Đắk Lắk về TP.HCM sẽ phải “gánh” cả triệu đồng tiền phí đường bộ. Các phương tiện sẽ phải qua 8 trạm thu phí trong đó có 4 trạm thu phí trên quốc lộ 14 (Đắk Lắk 1 trạm, Đắk Nông 2 trạm và Bình Phước 1 trạm) có mức phí “chat” lên đến 200.000 đồng/lượt với xe trên 18 tấn.

Khoảng cách từ trung tâm Thành phố Buôn Mê Thuột , Đắk Lắk đi TP.HCM dài 360km mà cõng tới 8 trạm thu phí, tức là bình quân mỗi trạm cách nhau 45km.

Như vậy có thể thấy các xe di chuyển theo các hành trình kể trên đang chóng mặt với việc trả phí đường bộ bởi mật độ đặt trạm là quá dày so với quy định.

Theo quy định tại Điều 2, Thông tư số 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ thì khoảng cách giữa 2 trạm thu phí tối thiểu phải từ 70km.

Như vậy, với hành trình từ TP.HCM đi Bù Đăng (Bình Phước) khoảng cách bình quân giữa các trạm thu phí chỉ khoảng 30km, với hành trình TP.HCM đi Đắk Lắk là 45km… Tức là đều quá ngắn so với quy định ở thông tư trên. Điều này khiến các xe thường xuyên di chuyển trên những tuyến đường kể trên rất bức xúc về độ phủ sóng của các trạm thu phí dọc hành trình.

DANH PHÚ

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/phat-hoang-hon-100-km-cong-5-tram-thu-phi-3099299.html