Phát hiện về các tế bào beta giúp điều trị khỏi bệnh tiểu đường

Các nhà khoa học Anh xác định được rằng khi bị bệnh tiểu đường một số tế bào beta không còn sản xuất insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu, mà thay đổi cơ chế hoạt động tiết ra somatostatin, một chất đặc trưng của tế bào delta. Và các nhà khoa học đã tìm được cách để các tế bào delta biến đổi trở lại thành tế bào beta và bắt đầu sản xuất insulin.

Phương pháp biến đổi các tế bào delta trở lại thành tế bào beta có thể cứu giúp hàng triệu người trong tương lai - Ảnh: medicalnewstoday.com

Phương pháp biến đổi các tế bào delta trở lại thành tế bào beta có thể cứu giúp hàng triệu người trong tương lai - Ảnh: medicalnewstoday.com

Theo academic.oup.com, công trình nghiên cứu của các nhà khoa học ở Đại học Exeter, Anh, đã chỉ ra rằng các tế bào beta (beta cell) sản xuất insulin có thể thay đổi chức năng của chúng khi bị bệnh tiểu đường. Và sự thay đổi này có thể đảo ngược được.

Đây là nghiên cứu đầu tiên về bệnh tiểu đường không phải trên tế bào động vật, mà là trên tế bào người. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng hệ thống trao đổi thông tin giữa các tế bào, hướng dẫn protein cách hành xử, đã bị rối loạn khi bị bệnh tiểu đường.

Những thay đổi dẫn đến thực tế là một số tế bào beta không còn sản xuất insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu, mà thay vào đó lại tiết ra somatostatin, một chất ngăn chặn sản xuất các hormone quan trọng, bao gồm cả chính insulin.

Nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu những gì xảy ra với các tế bào beta của người khi tiếp xúc với môi trường mô phỏng bệnh tiểu đường thể 2. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng cái chết của tế bào beta, xảy ra ở cả 2 thể bệnh tiểu đường, có liên quan với những tác động tiêu cực của môi trường vi mô.

Tuy nhiên, giờ đây đã trở nên rõ ràng rằng trên thực tế, một số tế bào beta không bị chết. Nhóm nghiên cứu lần đầu tiên đã phát hiện ra rằng một số trong số chúng chỉ đơn giản không còn là tế bào beta.

Chúng bắt đầu sản sinh ra một loại hormone khác gọi là somatostatin. Chất này là đặc trưng của một loại tế bào khác, tế bào delta (delta cell). Do đó, khi nghiên cứu về bệnh tiểu đường, các nhà khoa học không còn thấy các tế bào beta đã thay đổi và coi chúng đều là tế bào delta.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích mô tụy ở những người mắc bệnh tiểu đường thể 1 hoặc thể 2. Điều này cho thấy rằng họ có nhiều tế bào delta hơn mức cần thiết. Điều này khiến các nhà khoa học cho rằng một số tế bào sản xuất insulin thực sự vẫn còn sống và chỉ đơn giản là thay đổi các cơ chế hoạt động sống.

Ở giai đoạn tiếp theo, nhóm nghiên cứu đã điều tra lý do tại sao các tế bào có thể thay đổi cơ chế hoạt động của chúng. Hóa ra, vấn đề là các thông điệp mà các tế bào trao đổi với nhau bằng các phân tử RNA.

Một phân tích về các tế bào tuyến tụy của những người mắc bệnh tiểu đường thể 2 cho thấy khoảng 1/4 các gien có cấu trúc thông tin bị nhiễu loạn. Các nhà khoa học cho rằng đây có thể là lý do khiến các tế bào hoạt động theo kiểu khác đi.

Nhưng điều quan trọng nhất là các nhà nghiên cứu đã có thể đảo ngược những thay đổi này. Họ đã xử lý các tế bào bằng nhiều chất khác nhau, khôi phục môi trường của chúng. Sau đó, các tế bào delta biến đổi trở lại thành tế bào beta và bắt đầu sản xuất insulin.

Một kỹ thuật như vậy có thể cứu giúp hàng triệu người khỏi bệnh tiểu đường trong tương lai. Nhưng sự phát triển của liệu pháp này đòi hỏi nghiên cứu sâu hơn sẽ cho phép hiểu được sự tinh tế của cơ chế chuyển đổi các tế bào thuộc loại này sang loại khác.

Vũ Trung Hương

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/suc-khoe-c-84/phat-hien-ve-cac-te-bao-beta-giup-dieu-tri-khoi-benh-tieu-duong-113435.html