Phát hiện 'tiểu mặt trăng' mới của Trái Đất

Một nhà thiên văn học tại Tucson, Arizona, Mỹ cho biết ông khám phá ra một tiểu mặt trăng bay vòng quanh Trái đất, có tên 2020 CD3.

Ảnh minh họa Getty Images.

Ảnh minh họa Getty Images.

Kacper Wierzchos, một nhà thiên văn học của dự án Khảo sát bầu trời Catalina, thuộc phòng thí nghiệm Mặt trăng và Hành tinh tại Đại học Arizona, đã đăng tải trên Twitter về khám phá mới của mình.

Wierzchos nói rằng vật thể có kích thước khoảng 1,8 đến 3 mét và quỹ đạo của nó cho thấy nó đi vào quỹ đạo Trái đất khoảng ba năm trước. Ông nói thêm rằng phát hiện này là một “vấn đề lớn” bởi vì, trong số khoảng 1 triệu tảng đá lơ lửng trong vũ trụ được biết đến, đây là “tiểu hành tinh thứ hai được biết đến trên quỹ đạo Trái đất (sau RH120 được phát hiện năm 2006, cũng bởi dự án Khảo sát bầu trời Catalina).”

Tiểu mặt trăng này được Trung tâm về tiểu hành tinh thuộc Liên minh thiên văn học quốc tế (IAU) chính thức “gọi tên” vào ngày 25/2. Trung tâm này được thành lập từ năm 1947, chuyên thu thập dữ liệu quan sát về các tiểu hành tinh, sao chổi và vệ tinh trong Hệ Mặt trời.

Trong tuyên bố chính thức của mình, IAU chỉ ra rằng các kết quả quan sát cho thấy “vật thể này tạm thời bị ràng buộc với Trái đất”.

Tiểu hành tinh gần đây nhất được quan sát đi vào quỹ đạo Trái đất là 2006 RH120. Viên đá không gian này có quỹ đạo quanh Mặt trời và đi sát Trái đất cứ sau vài thập kỷ, bị lực hấp dẫn của hành tinh chúng ta “bắt lấy” vào tháng 6/2006 và vẫn đi theo quỹ đạo đó cho đến tháng 9/2007, trước khi quay trở lại quỹ đạo cũ.

Thông tin thêm về tiểu mặt trăng này sẽ có thể được tiết lộ trong thời gian tới bởi các nhà thiên văn học vẫn đang quan sát và nghiên cứu.

Khảo sát bầu trời Catalina, một dự án do NASA tài trợ, nhằm mục đích quan sát vũ trụ để khám phá và theo dõi các vật thể gần Trái đất, đặc biệt là những vật thể có thể đe dọa Trái đất.

Duy Tiến

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cuoc-song-muon-mau-goc/phat-hien-tieu-mat-trang-moi-cua-trai-dat-583352/