Phát hiện thiên thạch nổ tung trên bầu trời Nam Cực 430.000 năm trước

Một số hạt vật chất ngoài Trái Đất được tìm thấy trên đỉnh núi tại Nam Cực giúp các nhà khoa học kết luận một thiên thạch đã nổ ở tầng khí quyển Trái Đất 430.000 năm trước.

Theo một nghiên cứu mới, các hạt bụi nhỏ được tìm thấy trên một đỉnh núi ở Nam Cực giúp các nhà khoa học phán đoán rằng một thiên thạch có đường kính hơn 100 m đã nổ tung trên bầu trời Nam Cực cách đây khoảng 430.000 năm, CNN đưa tin.

Ông Matthias Van Ginneken, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Kent, đã thu thập được 17 hạt bụi đen trong chuyến thám hiểm dãy núi Rondane, phía đông Nam Cực. Tất cả số đó đều có kích thước nhỏ hơn 1 mm, không thể nhìn thấy bằng mắt thường và chứa hàm lượng Niken cao.

Các nhà khoa học tìm thấy các hạt vật chất ngoài không gian trong lõi băng có niên đại 430.000 năm trước. Sự phân bố và mật độ của các hạt bụi này cho thấy thiên thạch có chiều rộng từ 100 m đến 150 m.

“Tôi để ý rằng một số hạt bụi dính vào nhau khi bị nóng chảy. Điều này cho thấy chúng có thể tương tác với nhau ở nhiệt độ cao”, ông Ginneken cho biết thêm.

 Các hạt vật chất ngoài không gian trên dãy núi Rondane, phía đông Nam Cực. Ảnh: CNN.

Các hạt vật chất ngoài không gian trên dãy núi Rondane, phía đông Nam Cực. Ảnh: CNN.

Ngoài ra, bằng cách phân tích các hạt bụi nhỏ này, ông Ginneken và nhóm các nhà khoa học quốc tế có thể phán đoán chuyện gì đã xảy ra khi thiên thạch cổ đại đi vào khí quyển Trái Đất.

Ông Mark Boslough, nhà nghiên cứu thuộc Đại học New Mexico, giải thích: “Các thiên thạch phải đủ lớn để vượt qua ma sát gây ra bởi bầu khí quyển Trái Đất và đủ nhanh để tạo ra hố thiên thạch trên bề mặt. Các thiên thạch nhỏ hơn sẽ nổ tung trong tầng khí quyển và không gây ra hố thiên thạch nào”.

Nếu thiên thạch va chạm bề mặt Trái Đất, vụ nổ có thể tạo ra hố thiên thạch, giống như vụ nổ đã xóa sổ loài khủng long hơn 66 triệu năm trước. Nếu thiên thạch nổ trên không trung, việc xác định các hạt vật chất ngoài không gian khó hơn rất nhiều vì ít để lại dấu vết trong hồ sơ địa chất.

Ông Van Ginneken cho biết: ”Nếu một thiên thạch tương tự nổ trên một khu vực dân cư đông đúc sẽ có thể khiến số thương vong lên hàng triệu người”.

Một số nhân chứng đã thấy 2 vụ nổ thiên thạch nhỏ hơn gần đây. Năm 2013, một thiên thạch đi vào khí quyển trái đất và nổ trên bầu trời nước Nga, làm hư hại 7.000 tòa nhà và hơn 1.000 người bị thương. Năm 1908, một thiên thạch đã phát nổ trên vùng trời Siberia, tàn phá hơn 1.200 km2 rừng.

Cường Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phat-hien-thien-thach-no-tung-tren-bau-troi-nam-cuc-430000-nam-truoc-post1199660.html