Phát hiện thêm nhiều di vật tại Hoàng thành Thăng Long

Ngày 17-4, tại Hà Nội, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long tổ chức hội thảo khoa học 'Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2017' và đã công bố nhiều phát hiện quan trọng làm sáng rõ hơn kiến trúc Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử.

Rất nhiều vật liệu đặc biệt được tìm thấy tại hố khai quật này

Vật liệu kiến trúc nhiều và dày đặc

Năm 2017, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp Viện Khảo cổ học khai quật thăm dò khu vực phía Đông nền điện Kính Thiên (giáp đường Nguyễn Tri Phương) với tổng diện tích gần 1.000m².

Sau gần 1 năm khai quật thăm dò, nghiên cứu chỉnh lý, các nhà khoa học tổ chức công bố kết quả, cũng như nhận định bước đầu về tính chất, niên đại, quy mô, chức năng và giá trị của các di tích đã xuất lộ tại hố khai quật. Hố khai quật gồm 16 lớp đào, các lớp dày trung bình 20cm, diễn biến khá phức tạp và về cơ bản bị phá hủy do có sự xâm thực của giai đoạn sau xuống các tầng văn hóa giai đoạn trước.

Theo PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cuộc khai quật đã làm xuất lộ các lớp văn hóa có niên đại khoảng từ thời Đại La, qua các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn, đến thời hiện đại. Một số kiến trúc có niên đại thuộc các thời Lý, Trần, Lê sơ, Lê trung hưng đã được phát lộ trong cuộc khai quật này, gồm có: móng cột, móng nền kiến trúc, sân nền… Trong số này, dấu tích nổi bật tìm thấy là dải bó nền hoa chanh của thời Trần, được cho là lớn nhất từ trước đến nay (hơn 1,1m²).

Theo nhận định của các nhà khảo cổ học, vật liệu xây dựng dải nền hoa chanh là ngói phẳng, dẹt, được sắp đặt rất công phu, quy chỉnh, đặc điểm này cho thấy, đây là dấu tích kiến trúc sớm thuộc thời Trần (thế kỷ 13) và là kiến trúc chiếm vị trí quan trọng trong Hoàng cung Thăng Long thời Trần.

Về di vật, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều loại hình khác nhau, gồm đất nung, đồ gốm, đồ gỗ, đồ kim loại, trong đó có một số lượng lớn là gạch ngói. PGS-TS Tống Trung Tín nhận định, điểm nổi bật nhất của lần khai quật này là các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều di vật bằng gốm, sành, sứ thời Lê sơ. Trong đó, có nhiều di vật làm bằng men xanh, những mảnh ngói có họa tiết rồng đậm nét.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều bát hình rồng, phượng điển hình của thế kỷ 16. Trong các loại vật liệu xây dựng, đặc sắc nhất là nhóm gạch ngói và vật liệu trang trí thuộc thời Lê sơ (từ thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 17). Những di vật này cho phép hình dung rõ thêm về loại “ngói rồng” lợp cung điện trong khu vực chính điện Kính Thiên của thời Lê sơ. Tại các hố đào cũng tìm thấy khá nhiều mảnh gốm men thời Lê sơ, Mạc và Lê trung hưng, đây là vật liệu rất tốt để nghiên cứu tính chất và đời sống Hoàng thành Thăng Long thời Lê.

Nhận định về kết quả này, TS Bùi Minh Trí cũng cho rằng, chưa lần khai quật nào tìm được số lượng các loại ngói cũng như vật liệu kiến trúc nhiều và dày đặc như vậy. Nếu trước đây, ở khu khai quật 18 Hoàng Diệu chỉ tìm thấy loại hoa văn rồng 5 móng, thì tại đây còn có xuất hiện cả hình ảnh rồng 4 và 5 ngón - dành riêng cho hoàng cung. Vì vậy, theo TS Bùi Minh Trí, cần gấp rút xây dựng một bản đồ tổng thể kiến trúc kết nối khu vực 18 và số 9 Hoàng Diệu mới có thể có được cái nhìn tổng thể về nơi này.

Phục dựng không gian điện Kính Thiên?

Tại hội thảo, các nhà khoa học cùng chung nhận định rằng, với kết quả cuộc khai quật năm 2017, đã đóng góp thêm nhiều tư liệu mới góp phần tìm hiểu kiến trúc Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử tại khu vực Đông Bắc chính điện Kính Thiên và để phục vụ cho dự án nghiên cứu, khôi phục chính điện Kính Thiên.

Vui mừng trước những kết quả thu nhận được từ khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2017 nhưng TS Nguyễn Văn Sơn cũng cho rằng, có rất nhiều điều cần phải làm sáng tỏ, song với tốc độ và quy mô như hiện nay, có lẽ phải đến 50 năm nữa mới có thể hoàn thành việc khai quật hoàng cung nhà Nguyễn. Nhiều nhà khảo cổ học, chuyên gia lịch sử đề nghị cần phải mở rộng khu vực đào để thúc đẩy nhanh việc khảo cổ toàn bộ khu di tích, từ đó sớm báo cáo và bàn giao cho TP Hà Nội.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đề nghị, cần phải lập được bản đồ tổng thể, kết nối các kết quả khảo cổ học từ trước đến nay để có cái nhìn tổng thể về di tích, người dân bình thường có thể nhìn vào bản đồ để hiểu hơn về di sản.

Cùng đồng tình với kết quả trên, nhưng GS Phan Huy Lê cho rằng, không nên đẩy nhanh thêm tiến độ khai quật mà nên song song tiến hành nghiên cứu và tập trung các kết quả có được tại khu vực khảo cổ Vườn hồng cùng với khu vực chính điện. Ông kỳ vọng trong vài năm tới có đủ tư liệu nghiên cứu phục dựng không gian điện Kính Thiên.

MAI AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phat-hien-them-nhieu-di-vat-tai-hoang-thanh-thang-long-512627.html