Phát hiện thêm lỗi chỉ số tốc độ, Indonesia đề nghị Boeing giám sát

Chiếc máy bay của Hãng hàng không Lion Air rơi trên biển Java, Indonesia tuần qua đã bị lỗi chỉ số tốc độ bay...

Công tác trục vớt, tìm kiếm cứu nạn trong vụ máy bay Lion Air vẫn đang được khẩn trương thực hiện

Chiếc máy bay của Hãng hàng không Lion Air rơi trên biển Java, Indonesia tuần qua đã bị lỗi chỉ số tốc độ bay trong 4 chuyến bay gần đây nhất, buộc giới chức điều tra Indonesia kêu gọi nhà sản xuất máy bay Boeing và giới chức Mỹ đảm bảo vấn đề này không ảnh hưởng cả dàn máy bay.

Ủy ban ATGT Quốc gia Indonesia, chịu trách nhiệm điều tra nguyên nhân vụ tai nạn khiến toàn bộ 189 người trên máy bay được cho là thiệt mạng, đang thu thập dữ liệu về toàn bộ sự việc đã diễn ra trong 3 sự cố trước đó và hành động của phi hành đoàn trước vụ tai nạn.

Cơ quan điều tra này cũng trích xuất thông tin từ hộp đen máy bay mới được trục vớt về tình hình chuyến bay trước đó do chiếc Boeing 737 Max 8 thực hiện.

Ủy ban ATGT Quốc gia Indonesia đề nghị Cơ quan ATGT Quốc gia Mỹ và Boeing thực hiện các bước cần thiết để ngăn chặn các vụ tai nạn tương tự, đặc biệt trên máy bay Boeing 737 Max, hiện đang có 200 chiếc máy bay hoạt động trên toàn thế giới.

Tính đến thời điểm hiện tại, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) - đơn vị cấp phép cho máy bay Boeing 737 Max – vẫn chưa có động thái yêu cầu kiểm tra dòng máy bay thế hệ mới nói trên.

Phát biểu tại Thủ đô Washington, Mỹ, quyền Cục trưởng Cục Hàng không Liên bang Mỹ Daniel Elwell cho biết: Cục sẽ chờ cho đến khi có thông tin điều tra nguyên nhân vụ tai nạn Lion Air rồi mới đưa ra hành động.

Hiện tại, FAA chưa nhận được bất cứ báo cáo nào liên quan đến tốc độ trên dòng máy bay này tại Mỹ.

Thông tin mới nhất mà các điều tra viên vừa công bố chưa thể giúp trả lời câu hỏi, tại sao phi công trên các chuyến bay trước đây có thể xử lý vấn đề một cách an toàn trong khi phi hành đoàn trên chuyến bay ngày 29/10 lại dẫn đến tình trạng lao xuống biển với tốc độ cao, ông John Cox, Chủ tịch Công ty tư vấn Safety Operating Systems, người cũng từng là phi công chuyên nghiệp cho biết.

Ông Cox vẫn giữ nguyên quan điểm khi nhấn mạnh rằng, mất tốc độ máy bay không có nghĩa mất kiểm soát cả máy bay. Theo ông Cox, các phi công đều được đào tạo để xử lý những tình huống khi hệ thống bị lỗi hiển thị tốc độ hành tiến của phi cơ. Mỗi máy bay thường có 3 hệ thống khác nhau để tính toán tốc độ và độ cao, có rất nhiều cách cho phép phi công biết được tốc độ thực sự đang bay khi chỉ 1 thiết bị hiển thị tốc độ không còn đáng tin cậy.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/phat-hien-them-loi-chi-so-toc-do-indonesia-de-nghi-boeing-giam-sat-d278070.html