Phát hiện thêm 4 'anh em' của Ghềnh Đá Đĩa Phú Yên

Ghềnh Đá Đĩa lâu nay là danh thắng độc nhất vô nhị ở Việt Nam và cả ASEAN với loại đá bazan gần 200 triệu năm tuổi.

Nham thạch phun từ miệng núi lửa, gặp nước biển lạnh, đông cứng lại và xảy ra hiện tượng ứng lưu, tạo sự rạn nứt toàn bộ khối thạch khổng lồ. Đá bị nứt theo mạch dọc tạo thành những cột thẳng đứng hoặc xiên ngang, đồng thời lại có những đường nứt ngang cắt các cột đá thành nhiều khúc.

Thác Vực Song (Thác Đôi Lứa, Thác Vợ Chồng) ở xã An Lĩnh, huyện Tuy An.

Thác Vực Song (Thác Đôi Lứa, Thác Vợ Chồng) ở xã An Lĩnh, huyện Tuy An.

Ngoài Việt Nam chỉ một số nước có Đá Đĩa tượng tự. Châu Á có Jusangjeolli Jeju (Hàn Quốc), Takachiho (Nhật Bản), Breichat HaMeshushim (Israel) và Stolbchaty (Di sản thế giới - Nga). Châu Âu có Giant’s Causeway (Di sản thế giới -Ireland), Svartifoss (Iceland) Los Órganos (Tây Ban Nha), Fingal (Scotland). Châu Mỹ có Devils Postpile (Mỹ), Los Prismas Basalticos (Mexico). Châu Phí, Úc và Asean không có.

Thác Vực Hòm (Thác Độc Thân) ở xã An Lĩnh, huyện Tuy An.

Tuần rồi, trong khi khai thác đá xây dựng, Đồi Đá Đĩa ở An Phú phát lộ dài cả kilometre, làm ngỡ ngàng nhiều người. Nhân dịp này, Phú Yên công bố luôn gia đình Đá Đĩa của tỉnh. Ghềnh Đá Đĩa đang đón khách du lịch ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An; không còn lẻ loi mà có thêm mấy anh em Đá Đĩa khác nhận họ hàng.

Thứ nhất là Hòn Đá Đĩa ở xã An Hòa, huyện Tuy An, cách bờ chừng 300m. Đây là đảo nhỏ cao độ 70m, đường kính khoảng 200m và toàn đá. Dân gian gọi là Hòn Yến vì thủa xưa, yến rợp đảo. Có người bảo đảo giống tổ yến. Mặt ngoài của Hòn Yến là vỉa Đá Đĩa cực đẹp.

Hòn Yến (Hòn Đá Đĩa) ở xã An Hòa , huyện Tuy An.

Thứ hai là Thác Đá Đĩa ở xã An Lĩnh, huyện Tuy An gồm Thác Vực Hòm, còn gọi là Tháp Độc Thân và Tháp Vực Song, còn gọi là Thác Đôi Lứa, Thác Vợ Chồng. Cả hai thác đều có cấu trúc Đá Đĩa bao bọc, cao khoảng 15m với cảnh trí đẹp mắt. Hồ thác có thể tắm. Mùa mưa lớn phải mặc áo phao cho an toàn.

Vực Trà Cối ở Vùng 7 xã An Xuân, huyện Tuy An.

Thứ ba là Núi Đá Đĩa ở xã An Xuân, huyện Tuy An với Vực Trà Cối, Thung Lũng và Vách Đá Dĩa ở Vùng 7. Các điểm này đều là láng giềng nhưng diện mạo vả cảnh quan khác lạ. Có người gọi là Suối Đá Đĩa vì các vỉa đá sát vách núi và bờ suối.

Núi Đá Đĩa ở thung lũng Vùng 7 xã An Xuân, huyện Tuy Hòa.

Thứ tư là Đồi Đá Đĩa ở xã An Phú, thành phố Tuy Hòa. Có cả đồi, hồ, tường thành; tình cờ được phát hiện trong quá trình các máy xúc cạp đá. Những vỉa Đá Đĩa không lồ chỉ cách mặt đất nửa mét với vô vàn cấu trúc độc đáo. Lãnh đạo tỉnh lập tức chỉ đạo ngưng khai thác, giữ nguyên hiện trường để nghiên cứu và làm du lịch.

Đồi Đá Đĩa mới phát lộ ở xã An Phú, thành phố Tuy Hòa.

Như vậy, gia đình Đá Đĩa Phú Yên hiện nay có 5 anh em gồm 4 ở Tuy An và 1 ở Tuy Hòa. Dù cùng họ, có tuổi và một mẹ núi lửa sinh ra nhưng không ai giống ai mà “Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”. Mấy anh em Đá Đĩa ở An Lĩnh và An Xuân còn có cây xanh đội đầu kỳ thú.

Ghềnh Đá Đĩa ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An.

Có người bảo “Phú Yên trúng số, được Tổ du lịch đãi”. Vấn đề còn lại là khai thác sao cho hiệu quả và bền vững. Các công ty lữ hành đang rục rịch tung tour mới “Khám phá gia đình Đá Đĩa Phú Yên".

Ảnh: Lê Quốc Minh

Nguyễn Văn Mỹ

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/phat-hien-them-4-anh-em-cua-ghenh-da-dia-phu-yen-1569289464001.htm