Phát hiện tê giác khổng lồ gấp 4 lần voi châu Phi

Loài tê giác này nặng tới 24 tấn, gấp 4 lần so với loài voi châu Phi hiện đại.

Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra hóa thạch của một con tê giác không sừng khổng lồ sống cách đây 26,5 triệu năm ở phía tây bắc Trung Quốc. Đây là một trong những loài động vật có vú lớn nhất từng xuất hiện trên Trái đất.

Loài động vật mới này được đặt tên khoa học là Paraceratherium linxiaense, được đặt theo tên địa điểm phát hiện ra hóa thạch này ở vùng Linxia thuộc tỉnh Cam Túc. Nó là loài lớn nhất trong thời đại của mình.

Cận cảnh loài tê giác khổng lồ mới được phát hiện từng tồn tại trên Trái đất

Cận cảnh loài tê giác khổng lồ mới được phát hiện từng tồn tại trên Trái đất

Theo các nhà nghiên cứu, loài vật này có chiều dài 8m, chiều cao tính tới vai là 5m và nặng tới 24 tấn – tương đương với 4 con voi châu Phi hiện đại.

Giáo sư Deng Tao của Học viện Khoa học Trung Quốc cho biết, loài mới này lớn hơn một loài tê giác cổ đại khổng lồ từng được phát hiện trước đây. Chúng đã tiến hóa nhiều trong suốt quá trình di cư tìm địa điểm sinh sống của mình.

Những cuộc đào bới vào năm 1980 tại khu vực này đã hé lộ hóa thạch của tê giác khổng lồ nhưng những phát hiện chỉ là lẻ tẻ. Đến tận năm 2015, với việc phát hiện hộp sọ và hàm hoàn chỉnh người ta mới dần khắc họa được loài tê giác khổng lồ này.

Các nhà khoa học cho biết thêm, loài tê giác này có một chiếc cổ dài, hai răng cửa giống như hai răng nanh hướng xuống dưới. Nó có thể quấn quanh cành cây và lột bỏ lá bằng răng cửa của mình.

Anh Minh

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/khoa-hoc/the-gioi-dong-vat/phat-hien-te-giac-khong-lo-gap-4-lan-voi-chau-phi-3434106/