Phát hiện sớm và cách phòng chống

LTS: Áp lực học hành cũng được coi là một trong những nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc của lứa tuổi học đường. Làm thế nào để phòng tránh, giúp học sinh, sinh viên phát triển toàn diện?

Lứa tuổi học đường chưa phát triển hoàn thiện về thể chất lẫn tinh thần, nhất là trí não. Chỉ một tổn thương tinh thần dễ khiến các em rối loạn sức khỏe tâm thần, ảnh hưởng đến cuộc sống và kết quả học tập. Do vậy, để các em phát triển toàn diện, tuyệt đối không tạo áp lực, nhất là lứa tuổi học sinh, các em phải được cân bằng cả trong vui chơi, học tập, vận động nhiều.

Cần được phát triển toàn diện

Bấy lâu nay, do kỳ vọng quá nhiều, phụ huynh vô tình tạo áp lực học tập cho con em mình mà không hay biết. Để đến khi con có biểu hiện rối loạn sức khỏe tâm thần mới hay. Đặc biệt, số lượng bệnh nhân đang tuổi đi học có vấn đề về sức khỏe tâm thần tăng cao trước và sau mùa thi. Trước đây, ở những kỳ thi đại học, tại các bệnh viện lớn hay gặp trường hợp học sinh bị rối loạn cảm xúc nhưng giờ ngay cả học sinh các lớp bé cũng mắc bệnh, kiệt sức trong kỳ thi chuyển cấp. Cũng có cháu thi trượt mà sinh bệnh. Hoặc do học quá nhiều, không có thời gian nghỉ ngơi cho trí não.

Anh Nguyễn Văn An, nhà ở phố Hoàng Quốc Việt chia sẻ: Con gái lớn của anh học ở trường THPT chuyên. Nhưng ngay học kỳ II của lớp 10, một bạn trong lớp đã bị trầm cảm, do áp lực học hành. Theo anh An, dù là trường chuyên, các con học theo môn chuyên nhưng nhà trường luôn mong muốn học sinh không được học lệch, phải học tốt các môn. Vì thế, vợ chồng anh An luôn động viên con gái, chỉ cần học vừa sức, tập trung cho các môn thi đại học sau này. Thậm chí, nếu cần họ sẽ cho con chuyển ra trường thường để tránh học quá sức.

Cô Trần Kim Phượng, giáo viên Trường THPT Bình Lục A, tỉnh Hà Nam bày tỏ: Nhìn trẻ em thành phố phải học nhiều hơn trẻ em nông thôn mà thương. Cả ngày con cái bán trú ở trường, vậy mà tối tối, phụ huynh vẫn phải cho con đi học thêm. Nào là chưa vào lớp 1 phụ huynh đã cho học tiền lớp 1, yêu cầu biết đọc, biết viết, biết làm toán, thậm chí phải học tốt tiếng Anh để kiểm tra năng lực đầu vào một số trường điểm. Chi phí việc học của một học sinh thành phố mỗi tháng tính ra cả chục triệu đồng, là số tiền lớn đối với nhà nông. Đấy là chưa kể, nếu con thi trường chuyên, mỗi buổi học thêm giá từ 300.000 – 600.000 đồng/2 giờ. Sự kỳ vọng thái quá của phụ huynh đã đánh mất tuổi thơ con, tốn kém cả tiền của, công sức cho việc học của con.

Cô Hà Ngọc Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) đưa ra lời khuyên: Trầm cảm học đường đang gia tăng. Vì vậy, tôi luôn mong muốn các bậc phụ huynh đừng tạo áp lực học hành thái quá cho con em mình. Cả ngày các cháu học ở trường, kiến thức được trang bị đã khá đầy đủ rồi. Vì thế, nên cho con tham gia các lớp kỹ năng sống, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao bổ ích. Phụ huynh cũng cần quan tâm, dành nhiều thời gian bên con, tránh làm tổn thương con trẻ.

Phát hiện và điều trị kịp thời

Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Thu Linh cho rằng có rất nhiều yếu tố có thể tác động tới sức khỏe tâm thần của học sinh, sinh viên như: Trẻ có thể lực yếu, gia đình có nhiều mối bất hòa, bố mẹ ly hôn, ly thân, thiếu sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ, mất người thân, mất tiền, tài sản, do học, do chơi quá nhiều ảnh hưởng thời gian ngủ.

Viện Sức khỏe tâm thần cho biết: Cách đây 15 năm, mỗi ngày cả viện chỉ có 1-2 bệnh nhân đến khám. Hiện con số này lên tới 200.

Ngày nay, nhận thức chung của toàn xã hội và nhận thức riêng của giới y tế về căn bệnh đã nâng cao, phát hiện ngày càng nhiều bệnh nhân hơn, trong đó có một lượng không nhỏ học sinh, sinh viên. Do tiến bộ của khoa học kỹ thuật, phương tiện khám chữa bệnh ngày càng hiện đại nên người dân quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe, đã hiểu biết nhiều hơn về căn bệnh này, đặc biệt là chủ động, hợp tác, đưa con đến khám và điều trị tại bệnh viện lớn, cơ sở y tế uy tín.

Song, một bộ phận nhỏ người dân vẫn chưa có nhận thức đúng đắn về rối loạn sức khỏe tâm thần ở lứa tuổi học đường, vẫn có định kiến. Vì thế, khi con em mắc bệnh họ thường giấu giếm, ngại hàng xóm, người thân biết, khi con phát bệnh nặng thì lại dằn vặt mình, khiến cho quá trình điều trị kéo dài và vất vả hơn.

Vì thế, các bác sĩ chuyên khoa tâm thần khuyến cáo: Khi thấy con em mình bị rối loạn tâm thần, cảm xúc, các bậc phụ huynh cần đưa đến khám chuyên khoa tâm lý, ở bệnh viện, cơ sở uy tín, chuyên sâu để tìm hiểu rõ căn nguyên, để bác sĩ có phương pháp điều trị tốt nhất, hiệu quả nhất, tránh chạy lòng vòng, tiền mất mà bệnh của con lại nặng thêm.

Bác sĩ Tạ Thị Ngân, chuyên điều trị cho trẻ em mắc bệnh tâm thần khẳng định thêm: Con bị bệnh là do áp lực học hành thì bản thân phụ huynh phải biết cách bỏ áp lực đó, cho con nghỉ ngơi hợp lý, có chế độ ăn uống phù hợp. Phụ huynh phải tuyệt đối tuân thủ lời khuyên và phác đồ điều trị của bác sĩ, chọn môi trường học tập phù hợp với năng lực của con.

Phía nhà trường cũng không nên tạo áp lực thi đua nhiều với học sinh. Khi thấy học sinh nào có biểu hiện ganh đua mệt mỏi, kết quả học tập giảm sút, các thầy cô chủ nhiệm cần sớm phát hiện, thông báo kịp thời cho phụ huynh.

Bá Kiệt

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/phat-hien-som-va-cach-phong-chong-3957317-b.html