Phát hiện rừng chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi tại biên giới Lai Châu

Những cây chè to cả người ôm, cao tới hơn 20, thậm chí 30m, mọc ở độ cao hơn 2.000m so với mặt nước biển, nằm trên đỉnh núi cao chót vót của xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Những cây chè cổ thụ hoang dại này vẫn được đồng bào Dao Đỏ nơi đây coi như “báu vật” của mình.

Thiếu úy Lư Văn Thuấn cùng anh Phàn Vần Lỷ kiểm đếm những cây chè cổ thụ xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Kim Nhượng

Khi tiếng kẻng báo thức của Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, BĐBP Lai Châu vang lên thì cũng là lúc chúng tôi cùng Thiếu úy Lư Văn Thuấn, cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho một chuyến lên đỉnh núi ở độ cao hơn 2.000m so với mặt nước biển, nằm trên cung đường tuần tra lên cột mốc 79.

Lần này không phải là một chuyến đi tuần tra như những lần tôi theo chân các chiến sĩ BĐBP, mà lên với núi cao, rừng già để tìm hiểu rõ hơn về giống chè được người dân nơi đây luôn coi như “báu vật”. Thượng tá Bùi Văn Mạnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải căn dặn chúng tôi kỹ lưỡng: “Lên đó, đường đi rất khó khăn, chỉ có dốc và dốc thôi, các đồng chí đi lại cẩn thận, cố gắng bám sát nhau mà đi! Lên để tận mắt thấy, tay sờ, tai nghe và cảm nhận cây chè cổ thụ quý giá như thế nào”.

Xuất phát từ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, tôi cùng Thiếu úy Lư Văn Thuấn sang đón đồng chí dân quân Phàn Vần Lỷ, cùng anh Tẩn Láo Lở, Phó Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San. Quãng đường đi xe máy tới điểm đầu con suối chuẩn bị lên với bìa rừng cũng chỉ chưa đầy 30 phút, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình tìm đến “báu vật” nơi rừng thẳm. Những cánh rừng già bắt đầu hiện hữu ngay trước mắt chúng tôi, rừng rậm um tùm.

Chúng tôi theo lời dặn của Thiếu úy Thuấn: “Mỗi người cách nhau 2m, chú ý quan sát xung quanh”. Bốn người chúng tôi cứ cắt rừng, vạch đường mà đi, đồng chí Phàn Vần Lỷ thoăn thoắt tiến lên phía trước, vừa đi vừa phát đường, mở lối, nhìn lên phía trước chỉ thấy rừng là rừng, cây cối rậm um tùm, con dốc cứ ngày một cao hơn, dựng đứng, cảm giác con đường ngày càng xa thêm. Hơn 2 tiếng đồng hồ đi bộ trôi qua, lúc này tôi cảm thấy đôi chân của mình “thực sự có vấn đề”, hai bắp chân dần cứng lại, đầu gối bắt đầu run; nhịp tim đập mỗi lúc một nhanh hơn, hơi thở gấp.

Anh Tẩn Láo Lở đi phía sau cảm nhận được sự thấm mệt của tôi, nên đề nghị mọi người dừng lại. Lúc này tôi mới thực sự cảm nhận được sự vất vả của những chuyến tuần tra xuyên rừng mà nhiều cán bộ, chiến sĩ Biên phòng vẫn thường hay kể. Bắt đầu tiến vào khu rừng già, những cây cổ thụ cao hơn 20m, to tới một người ôm không hết.

Đi bộ hơn 3 giờ đồng hồ, bất giác tôi hỏi đồng chí dân quân Phàn Vần Lỷ: “Đã tới nơi chưa anh Lỷ?”. Đồng chí Lỷ dân quân cười hiền: “Đi tiếp 3 tiếng nữa mới tới nơi”. Câu nói của anh Lỷ làm tôi choáng váng, đã đi bộ từ 6 giờ sáng, 3 tiếng đồng hồ ngược núi trôi qua, còn 3 tiếng nữa mới lên tới rừng chè, vậy chúng tôi phải đi bộ tới 12 giờ trưa mới tới nơi.

Thời gian băng rừng dần trôi qua, cuối cùng mọi người cũng gần tới nơi. Một khu rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ lớn, rêu mốc bám xung quanh, quang cảnh nơi đây đẹp khó tả, vẻ đẹp đúng nét nguyên sơ, hoang dại vốn có. Tôi cứ tưởng tượng mình như đang ở một thế giới khác vậy.

Chúng tôi dừng lại tại một khe suối, lấy nước và chuẩn bị đốt lửa nấu nướng và để sưởi cho đỡ lạnh. Sau khi ăn nhẹ xong, chúng tôi lại bắt đầu tất bật lên đường... Phía đỉnh núi, rừng chè cổ thụ đã hiện lên trước mắt chúng tôi. Những cây chè to cả người ôm, cao hơn 20m, những cây nhỏ hơn mọc xung quanh cây chè cổ thụ (do hạt của cây mẹ rụng xuống, mọc thành cây chè con).

Quan sát kỹ, chúng tôi thấy những búp chè non, xoăn lại khi dài bằng đốt ngón tay, chỉ vo nhẹ đã thấy mùi thơm của từng cánh lá. Vị thơm của thời gian, vị thơm của sương, băng tuyết, của sự hoang dại nơi đại ngàn rừng Mồ Sì San này.

Anh dân quân Phàn Vần Lỷ lúc đầu rất ít nói, khi tới rừng chè lại trở nên một người khác hẳn. Anh hào hứng nói với chúng tôi về loại chè quý giá này. Anh bảo: “Trên này có 3 giống chè, người Dao Đỏ gọi là chè chua, chè đắng và chè ngọt. Chè ngọt chính là loại chè cổ thụ mà chúng ta đang đứng dưới gốc của nó. Bây giờ chúng ta hạ ba lô, chuẩn bị nấu nướng thức ăn và thưởng thức 3 thứ chè cổ thụ tuyệt vời này”.

Chúng tôi bắt đầu hạ đặt những vật dụng cần thiết để chuẩn bị ăn trưa. Lửa được nổi lên và chiếc cà mèn mang theo để đun nước, thưởng thức thứ chè quý hiếm này đã sẵn sàng. Anh Phàn Vần Lỷ đun nước, cho nước sôi trong chiếc cà mèn. Đợi hơn 15 phút, chúng tôi bắt đầu thưởng thức chè. Vị thơm của thứ chè cổ thụ này quả “danh bất, hư truyền”.

Vị thơm của nó khác hẳn so với nhiều thứ chè xanh khác mà tôi từng được uống trước đó, không hề chát. Vị ngọt và thơm của chè theo làn khói tỏa nghi ngút, càng nhấp chè càng thấy ngọt hơn. Đặc biệt nhất, chỉ cần một nắm chè, khi cho nước sôi vào cà mèn uống hết rồi thay 4 đến 5 lần nước vẫn không mất đi màu xanh và vị thơm của chè.

Búp chè được hái từ cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Ảnh: Kim Nhượng

Đầu giờ chiều, sau khi đi kiểm đếm, mọi người thống kê, tổng hợp lại được gần 200 cây chè cổ thụ, chúng tôi bắt đầu dọn dẹp để chuẩn bị về đồn. Anh Tẩn Láo Lở cho biết, cách đây không lâu, chính anh là người trực tiếp đưa đồng chí Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu lên khảo sát rừng chè. Đồng chí Lê Trọng Quảng đã chỉ đạo UBND huyện Phong Thổ, bằng mọi cách phải bảo tồn khu rừng chè cổ thụ này, giao cho UBND xã Mồ Sì San phối hợp cùng Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải bảo vệ khu rừng nguyên sinh và rừng chè cổ thụ.

Trong chuyến khảo sát rừng chè lần này, chúng tôi thấy có rất nhiều cây chè cổ thụ bị chặt hạ, nhiều cây chè lên tới vài trăm năm tuổi. Được biết, do đây là giống chè quý hiếm nên tư thương Trung Quốc đã lùng sục thu mua giống chè này, một số bà con vì hám lợi trước mắt đã lên khu rừng chè cổ thụ chặt đốn. Nếu giữ gìn, nhân giống được chè này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, tạo ra được nguồn thu ổn định, lâu dài cho người dân địa phương.

Thật may mắn, anh Tẩn Láo Lở đã nhân giống, cấy ghép thành công giống chè cổ thụ này. Trước đó, anh lấy những cây chè con mang trồng, cành để ghép được gần 800 cây. Sau 2 tháng, hơn 100 cây đã sống. Vui mừng hơn nữa, Công ty chè Thăng Long - Hà Nội đã đồng ý tài trợ cho anh trồng thí điểm, nhân giống chè cổ thụ đặc biệt này.

Theo: Kim Nhượng/Báo Biên phòng

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/phat-hien-rung-che-co-thu-hang-tram-nam-tuoi-tai-bien-gioi-lai-chau-post263733.info