Phát hiện 'rồng băng giá' khổng lồ ở Bắc Mỹ 77 triệu năm trước

Với tên gọi 'rồng băng giá của gió bắc', Cryodrakon boreas là một trong những động vật bay lớn nhất từng tồn tại, nó sinh sống ở Bắc Mỹ 77 triệu năm trước.

Hóa thạch ban đầu được phát hiện cách đây 30 năm tại Công viên Khủng long, nằm ở tỉnh Alberta, Canada. Các nhà cổ sinh vật học tìm thấy chúng từng nghĩ rằng chúng thuộc loài thằn lằn có cánh Quetzalcoatlus, ban đầu được phát hiện ở Texas.

Theo CNN, nghiên cứu mới chỉ ra rằng Cryodrakon boreas là một loài chưa được biết đến trước đây và là loài đầu tiên được tìm thấy ở Canada. Hóa thạch bao gồm chân, cổ, xương sườn và một phần cánh. Cryodrakon thuộc họ pterizards azhdarchids, được biết đến là có cổ dài.

Bài báo mô tả loài mới được công bố trong tuần này trên Tạp chí Cổ sinh vật học. Cryodrakon boreas nghĩa là "rồng băng giá của gió bắc".

Hình vẽ mô phỏng Cryodrakon, một trong những động vật bay lớn nhất từng sống trong kỷ Phấn trắng. Dù các nhà nghiên cứu không biết màu lông của Cryodrakon, màu sắc ở đây vinh danh Canada, nơi hóa thạch được tìm thấy. Ảnh: David Maas.

Hình vẽ mô phỏng Cryodrakon, một trong những động vật bay lớn nhất từng sống trong kỷ Phấn trắng. Dù các nhà nghiên cứu không biết màu lông của Cryodrakon, màu sắc ở đây vinh danh Canada, nơi hóa thạch được tìm thấy. Ảnh: David Maas.

Hóa thạch phần cánh được tìm thấy thuộc về một con non với sải cánh dài khoảng 5 m. Dù vậy, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu xương cổ khổng lồ của một con trưởng thành để xác định sải cánh của một con Cryodrakon đã lớn hoàn toàn có thể đạt tới kích thước gần 10 m.

Các nhà nghiên cứu ví nó giống như kích thước của một chiếc máy bay Cessna, theo thông cáo của Bảo tàng Khảo cổ học Hoàng gia Tyrrell ở Canada.

Cyrodrakon là loài ăn thịt, chúng ăn động vật có vú, thằn lằn và khủng long con. Mặc dù chúng có khả năng bay trên khắp các đại dương, hồ sơ hóa thạch cho thấy chúng bị mắc kẹt gần môi trường nội địa.

David Hone, tác giả chính của nghiên cứu từ Đại học Queen Mary, London, cho biết phát hiện này cung cấp bức tranh rõ ràng hơn về sự đa dạng và tiến hóa của các loài thằn lằn có cánh săn mồi ở Bắc Mỹ.

Tuyết Mai

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/phat-hien-rong-bang-gia-khong-lo-o-bac-my-77-trieu-nam-truoc-post988942.html