Phát hiện nhiều hiện vật tại bãi cọc nhà Trần

Nhóm nghiên cứu phát hiện tại hố H2 một số hiện vật kim loại dài ngắn khác nhau, từ khoảng 20cm trở lại cùng với nhiều mẩu nhỏ.

Sau khi phát lộ bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) vào cuối năm 2019, mới đây nhóm nghiên cứu tiếp tục tìm kiếm hiện vật tại 3 hố khai quật và phát hiện tại hố H2 một số hiện vật kim loại dài ngắn khác nhau, từ khoảng 20cm trở lại cùng với nhiều mẩu nhỏ.

Các hiện vật sau đó được mang tới Bệnh viện đa khoa huyện Thủy Nguyên để chụp X-quang.

Theo nhà khảo cổ học Đinh Thị Thanh Nga, khi có kết quả chụp X-quang, nhóm nghiên cứu sẽ gửi hình ảnh hiện vật tới các chuyên gia phân tích quốc tế để xác định loại hình, kiểu dáng của hiện vật, phục vụ hoạt động nghiên cứu khảo cổ, đồng thời tiếp tục tiến hành khảo sát bãi cọc trên diện rộng.

Bãi cọc Cao Quỳ.

Bãi cọc Cao Quỳ.

Sự kiện phát hiện bãi cọc Cao Quỳ vào cuối năm 2019 vừa qua đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, sử học và nhân dân cả nước cùng nhu cầu hiểu, nghiên cứu, tham quan di tích.

Thực tế đó đòi hỏi cần có phương án bảo tồn cũng như sớm xây dựng hồ sơ di tích cấp thành phố, hướng tới đề xuất công nhận di tích cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt…

Theo Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Hải Phòng Lê Văn Quý, hiện tại bãi cọc Cao Quỳ được giao cho huyện Thủy Nguyên bố trí lực lượng bảo vệ 24/24 giờ.

Ngoài ra, để tránh ô- xi hóa, tổn thất và hao mòn cọc, trước mắt, cơ quan chức năng tạo ụ đất để tránh cọc va chạm, tiếp xúc với không khí, nắng gió. Về lâu dài, thành phố sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia để bảo tồn bãi cọc.

Cũng theo ông Lê Văn Quý, Sở Văn hóa-Thể thao sẽ tham mưu cho Thành phố làm tốt công tác quy hoạch, nghiên cứu việc đầu tư xây dựng bảo tàng ngoài trời, tái tạo lại trận chiến Bạch Đằng tại khu vực này hoặc biến nơi đây thành công viên lịch sử về trận chiến Bạch Đằng…

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, không chỉ riêng TP Hải Phòng, mà cả nước nói chung cần thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị của di tích.

"Trong điều kiện khoa học và công nghệ hiện nay, chúng ta có đủ sức thực hiện việc này trên cơ sở huy động nguồn lực của nhà nước và kêu gọi hợp tác quốc tế. Điều đó rất cần trách nhiệm cao của các nhà quản lý, sự vào cuộc của các nhà chuyên môn. Với tiến bộ khoa học công nghệ hiện nay, chúng ta có thể làm mái che, hình thức bảo quản để sau này con cháu có thể tìm tới chiêm ngưỡng…", ông Ngọc nêu quan điểm.

Trước đó, ngày 29/12/2019, Thường trực Thành ủy Hải Phòng đã làm việc với các nhà khoa học, chuyên gia, các ngành liên quan, tiếp tục nghiên cứu, bàn các giải pháp thăm dò, thám sát, khảo cổ bãi cọc Bạch Đằng tại huyện Thủy Nguyên.

Tại hội nghị, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đều khẳng định, việc phát hiện bãi cọc là một sự kiện to lớn, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với cả nước, mở ra hướng nghiên cứu mới về trận chiến Bạch Đằng giang chiến thắng quân Nguyên Mông của quân dân nhà Trần năm 1288.

Các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục nghiên cứu, xác định rõ quy mô, tìm thêm những chứng tích lịch sử…, đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể, sử dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, hiện đại nhất để tiếp tục nghiên cứu, thăm dò, thám sát.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành khẳng định, việc tiếp tục nghiên cứu, xác định các giải pháp thăm dò, khảo cổ bãi cọc là rất quan trọng và cần thiết.

Ông Thành đề nghị trước hết tổ chức thăm dò, khảo sát quy mô bãi cọc theo trọng tâm, trọng điểm, trên cơ sở đó sẽ xác định những công việc cần thiết tiếp theo.

Các ngành Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, huyện Thủy Nguyên cùng các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch trong khu vực; tiến hành các thủ tục để công nhận di tích cấp thành phố; tiến tới công nhận di tích đặc biệt cấp quốc gia, đồng thời, có phương án bảo quản, phát huy giá trị lịch sử đặc biệt của di tích.

Ngọc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/su-kien/phat-hien-nhieu-hien-vat-tai-bai-coc-nha-tran-3395279/