Phát hiện nhiều di vật giá trị trong mộ của nữ quý tộc thời cổ đại sau 4.500 năm

Khi khai quật ngôi mộ của một người phụ nữ giàu có tộc Minoan từ thời đại đồ đồng, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều di vật vô cùng quý hiếm.

Cuộc khai quật diễn ra tại Sissi, trên bờ biển phía bắc Hy Lạp đã khám phá tàn dư của một khu dân cư tộc Minoan sớm có niên đại khoảng năm 2.600 TCN. Ở đây, họ tìm thấy một tòa nhà lớn đứng cạnh một cụm kiến trúc phức tạp có khả năng là làng của người Minoan cổ. Họ đã rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn của mình, thậm chí bỏ lại tất cả tài sản quý giá. Tòa nhà này rất có thể đã bị thiêu rụi trong biển lửa từ năm 2.500 TCN, rồi được người dân xây dựng lại để hoàn thành khu phức hợp hoành tráng - tức ngôi làng của họ - vào năm 1.700 TCN.

Khu di tích rộng lớn từng là làng của người Minoan cổ đại.

Khu di tích rộng lớn từng là làng của người Minoan cổ đại.

Trong chiếc quan tài đá ở khu cổ mộ, xác người phụ nữ được đặt bên cạnh một mặt gương đồng bọc ngà, trên người cài ghim áo bằng xương và đồng, kèm theo một sợi dây chuyền vàng ròng. Tất cả những vật bồi táng này đã chứng minh gia thế giàu có của cô khi còn sống. Cô an nghỉ trong ngôi mộ đá nho nhỏ chỉ bằng kích thước của một chiếc quan tài.

Hài cốt của người phụ nữ quyền quý được tìm thấy cùng nhiều di vật giá trị.

Những căn mộ “mini” như thế này rất hiếm khi xuất hiện tại Hy Lạp. Người ta chỉ có thể tìm thấy chúng ở các khu dân cư Minoan cổ xưa nhất trên đảo: thành phố Chania và Knossos. Nói về phát hiện mới này, Bộ Văn hóa Hy Lạp cho biết: “Nhóm nghiên cứu vẫn đang tiếp tục làm việc tại di tích để khám phá thêm về khu phức hợp trên. Khi khai quật tàn tích tại phía tây, họ tìm ra dấu vết của người Minoan cổ đại từ năm 2.600 TCN”.

Sợi dây chuyền vàng trong cổ mộ.

Sau khi người dân bỏ đi, họ để lại rất nhiều tài sản quý giá chính tại khu di tích này, bao gồm cả một tòa nhà hoành tráng được xây dựng ở phía đông ngôi làng. “Tòa nhà này là cốt lõi để hình thành khu phức hợp hoành tráng như chúng ta đang thấy. Năm 2.500 TCN, tòa nhà từng sụp đổ vì hỏa hoạn, song các cư dân đã dựng lại và biến nó thành một bộ phận trọng yếu của ngôi làng”, cơ quan trên bổ sung. Khi tiến sâu vào trong, các nhà khảo cổ phát hiện sân trong được tráng một loại vữa cao cấp thời bấy giờ, trang trí bằng hoa văn chấm tròn, cộng thêm một ống thoát nước bằng đất sét dài 33 mét, trải dài từ khoảng sân trung tâm đến rìa phía đông ngôi làng.

Đây là công trình nghiên cứu phối hợp giữa Belgian School tại Athens và tổ chức Ephorate of Antiquities of Lasithi.

Theo Thanh Vân/Saostar

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/phat-hien-nhieu-di-vat-gia-tri-trong-mo-cua-nu-quy-toc-thoi-co-dai-sau-4-500-nam/20200626045748364