Phát hiện một phần lục địa bị 'mất tích'

Trong quá trình thăm dò kim cương ở phía Nam đảo Baffin - hòn đảo lớn nhất ở Canada, các nhà nghiên cứu Đại học British Columbia (UBC) đã khám phá một mảnh mới của vỏ Trái đất, vốn là một phần của lục địa Bắc Đại Tây Dương (NAC).

NAC là một lục địa toàn vẹn trước khi nó bị chia cắt thành nhiều mảnh vỡ.

NAC là một lục địa toàn vẹn trước khi nó bị chia cắt thành nhiều mảnh vỡ.

Bí mật được giấu trong một loại đá núi lửa mang kim cương, được gọi là kimberlite.

Kimberlite bắt nguồn sâu dưới lòng đất, trong magma của lớp phủ Trái đất và đem theo những viên kim cương khi được đẩy lên bề mặt trong các vụ núi lửa phun trào. Kimberlite từ đảo Baffin và được thu thập bởi một công ty khai thác và sản xuất kim cương.

Các nhà khoa học phát hiện rằng, hóa học khoáng sản của kimberlite trên đảo Baffin trùng với của một lục địa cổ xưa hình thành từ cách đây gần 3 tỷ năm, kéo dài từ khu vực Bắc Mỹ tới Scotland và bị phân tách vào khoảng 150 triệu năm trước.

Maya Kopylova, nhà địa chất đứng đầu dự án nghiên cứu của UBC cho biết: “Thành phần khoáng chất trong mảng lục địa NAC là độc nhất vô nhị nên không có sự nhầm lẫn nào hết. Điều đó giống như tìm ra mảnh ghép còn thiếu của câu đố”.

Các khối đất hay lục địa trên Trái đất không phải lúc nào cũng nhìn như hiện tại. Các lục địa đầu tiên xuất hiện khi Trái đất chỉ mới là một hành tinh mới hình thành. Những phiến đá cổ xưa và to lớn này, được gọi là cratons, sau đó vỡ tan ra để tạo thành những khối đất nhỏ hơn.

“Một mảnh của craton (nền cổ) Bắc Đại Tây Dương hiện là một phần của Scotland” - Kopylova cho biết. Một mảnh khác là một phần của Greenland, và một mảnh nữa là một phần của Labrador ở miền Đông Canada.

“Bây giờ, chúng tôi đã tìm thấy thêm một mảnh trên đảo Baffin”, cô Kopylova nói.

Trong hàng trăm triệu năm, kiến tạo mảng đã đẩy các lục địa lại với nhau tạo thành các siêu lục địa khổng lồ, kéo chúng ra xa nhau và đẩy chúng lại với nhau thêm nhiều lần khác. Siêu lục địa cuối cùng, Pangea, bắt đầu tách ra khoảng 200 triệu năm trước và khoảng 60 triệu năm trước, các lục địa đã tách thành bảy lục địa mà chúng ta biết ngày nay: Châu Phi, Nam Cực, châu Á, Australia, châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ.

Mặc dù, các lục địa đầu tiên của hành tinh bị phân mảnh và mất theo thời gian, tàn dư của những khối đất đã mất từ lâu này vẫn tồn tại cho đến ngày nay, như những lõi ổn định ở các lục địa hiện đại của chúng ta. Các mẫu kimberlite từ đảo Baffin, xuất phát từ độ sâu gần 250 dặm (400 km) dưới lòng đất, mang điểm tương đồng về hóa học với các mẫu đá lớp phủ ở phần bên dưới của Craton Bắc Đại Tây Dương ở Greenland, theo nghiên cứu.

Theo hầu hết các tàn dư của các lục địa cổ đại, lớp phủ trên chứa khoảng 65% olivine – “khoáng chất chính của lớp phủ trên” - và khoảng 25% khoáng chất khác gọi là orthopyroxene, Kopylova nói. Để so sánh, lớp phủ dưới craton Bắc Đại Tây Dương làm từ khoảng 85% olivine và khoảng 10% orthopyroxene. Và tỷ lệ khoáng sản trong kimberlite của đảo Baffin gần như tương xứng với craton Bắc Đại Tây Dương.

Giờ đây, các nhà khoa học đã biết một cách chắc chắn rằng một phần của đảo Baffin đã có lúc từng nằm dính với craton Bắc Đại Tây Dương, chứ không phải với các lục địa cổ đại khác. Đây là vị trí sâu nhất nơi các nhà khoa học tìm thấy một mảnh của craton Bắc Đại Tây Dương, mở rộng đáng kể tầm nhìn của họ về các lục địa đầu tiên từ quá khứ xa xôi của Trái đất, các nhà nghiên cứu báo cáo.

“Tái dựng về kích thước và vị trí của các mảng kiến tạo của Trái đất đã được dựa trên các mẫu đá tương đối nông ở lớp vỏ, hình thành ở độ sâu từ 1 đến 10 km. Với những phát hiện mới này, kiến thức của chúng tôi sâu sắc hơn theo cả về nghĩa đen và nghĩa bóng ” - Kopylova cho biết thêm.

Theo Livescience

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/phat-hien-mot-phan-luc-dia-bi-mat-tich-20200401105301306.html