Phát hiện mới về bãi đá cổ Stonehenge

Theo các nhà nghiên cứu, bãi đá cổ Stonehenge ban đầu được xây dựng ở Tây Nam xứ Wales cách đây hơn 5.000 năm, rồi được chuyển đến đồng bằng Salisbury (Anh) và tồn tại cho đến ngày nay.

Bãi đá cổ Stonehenge.

Bãi đá cổ Stonehenge.

Đi tìm dấu vết nguyên thủy

Truyền thuyết kể lại, phù thủy Merlin đã dùng phép thuật di chuyển bãi đá Stonehenge từ Ireland đến đồng bằng Salisbury ở Anh hàng ngàn năm trước. Mặc dù câu chuyện này từ lâu bị coi là hoang đường, nhưng một phát hiện gần đây cho thấy nó cũng có một phần sự thật.

Theo các nhà khảo cổ, Stonehenge nguyên thủy được dựng ở Waun Mawn, thuộc xứ Wales - khu vực từng là lãnh thổ của Ireland. Tại Waun Mawn, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một loạt các hố trụ bị chôn lấp theo đường viền của một vòng tròn.

Hình dạng của các hố này được cho là có liên quan đến các cột đá xanh nổi tiếng của Stonehenge. Đáng chú ý, có hố mang dấu vết phù hợp với tiết diện đặc biệt “bất thường” của một khối đá xanh Stonehenge. Và theo các nhà khảo cổ học, nó vừa vặn “như một chiếc chìa khóa trong ổ khóa”.

Mike Parker Pearson, giáo sư Đại học College London (UCL- Anh), đứng sau phát hiện này cho biết: “Đây là đỉnh cao của 20 năm nghiên cứu, một trong những khám phá quan trọng nhất mà tôi từng thực hiện”.

Nguồn gốc vòng tròn đá bí ẩn này được nêu lên đầu tiên vào năm 1923, khi nhà địa chất học Herbert Thomas tìm thấy mối liên hệ giữa Stonehenge và xứ Wales. Những tảng đá xanh dolerite đốm của Stonehenge - được xây dựng qua 5 giai đoạn trong hơn 1.500 năm, bắt đầu từ năm 3000 trước Công nguyên, có nguồn gốc ở phía Tây xứ Wales.

Ông cho rằng, chúng đến từ những ngọn đồi ở Preseli, thuộc Pembrokshire.Thomas nêu giả thuyết, những cột đá xanh Stonehenge ban đầu đã hình thành một “vòng tròn đá được kính ngưỡng” ở xứ Wales.

Những năm gần đây, Parker Pearson và nhóm của ông đã bắt đầu kiểm tra giả thuyết này. Đầu tiên, họ đi tìm địa điểm mà Thomas đề cập để xem dấu tích vòng tròn đá ở đó có liên quan thế nào với những tảng đá ở đồng bằng Salisbury.

Năm 2010, nhóm của Parker Pearson xác định Waun Mawn là một địa điểm tiềm năng cho mục đích này. Nhưng sau một năm, các cuộc khảo sát về địa chất đã không dẫn đến kết quả gì đáng kể.

Họ đã có một khoảng thời gian khá căng thẳng khi ra sức tìm kiếm bằng chứng về khởi thủy của vòng tròn đá. Bỏ qua vị trí này, họ tìm đến các khu vực khác. Parker Pearson nói: “Chúng tôi bỏ qua nơi này vì các khảo sát bằng từ kế và điện trở không cho thấy bằng chứng gì. Và đó là một sai lầm nghiêm trọng”.

Vòng tròn đá thời tiền sử ở Waun Mawn, xứ Wales, được cho là Stonehenge “nguyên bản”.

Những bằng chứng

Cuối cùng, vào năm 2017, nhóm nghiên cứu đã quay trở lại Waun Mawn và vận may đã đến với họ. “Trước sự vui mừng của mọi người, chúng tôi phát hiện ra hai hố trụ ở hai đầu của vòng cung đá, nơi từng có những tảng đá bị lấy đi”, Parker Pearson nói. Khi tiếp tục đào, nhóm nghiên cứu đã khai quật được thêm nhiều hố trụ trong khu vực.

Nhưng đây có thực sự là địa điểm xây dựng ban đầu của Stonehenge? Để xác định, Parker Pearson và nhóm của ông cần phải chứng minh vòng tròn đá đã được dựng lên ở đây và tháo dỡ trước thời điểm bắt đầu xây dựng Stonehenge ở đồng bằng Salisbury, năm 3000 TCN.

Đầu tiên, họ xác định niên đại của đất, bằng cách đo lần tiếp xúc cuối cùng của nó với ánh sáng mặt trời và đi đến kết luận, vòng tròn đá ở Waun Mawn hình thành trước Stonehenge. Tiếp theo, qua phân tích một mảnh đá được tìm thấy trong một hố trụ, họ thấy nó phù hợp với một loại đá đại diện cho ba trụ đá Stonehenge.

Cuối cùng, nhóm nghiên cứu phát hiện một dấu hằn trong đất ở đáy của hố trụ ban đầu để lại. Cột đá ở hố trụ đó có “tiết diện hình ngũ giác bất thường”. Một máy tính đã xác định dấu hằn này hoàn toàn khớp với một trong những cột đá Stonehenge, “giống như một chiếc chìa khóa trong ổ khóa”.

Hơn nữa, vòng tròn đá ở Waun Mawn còn phù hợp với đường kính của con mương bao quanh Stonehenge. Và cũng như Stonehenge, nó cũng được xây dựng nhằm thẳng hàng với mặt trời mọc giữa Hạ chí. Parker Pearson nói: “Đây thực sự là điều thú vị nhất mà chúng tôi từng tìm thấy”.

Câu chuyện về phù thủy Merlin và Stonehenge lần đầu tiên được công bố bởi tác giả thời Trung cổ Geoffrey ở Monmouth (xứ Wales). Trong quyển sách xuất bản năm 1136 của mình, History of the Kings of Britain (Lịch sử các vị vua của Anh), Geoffrey mô tả cách Merlin tháo dỡ một vòng tròn đá, được gọi là “Vũ điệu của người khổng lồ” ở Ireland để nắm được những đặc tính chữa bệnh kỳ diệu của những cột đá này.

Và tại một thời điểm nào đó, một nhóm người đã vận chuyển các khối đá trên đến Anh để xây dựng một đài tưởng niệm những người Anh bị giết bởi người Saxon trong cuộc đàm phán hòa bình tại Amesbury.

Lời kể của Geoffrey từ lâu đã bị bác bỏ, xem như chuyện hoang đường. Nhưng khám phá của Parker Pearson cho thấy tác giả thời Trung cổ có thể đã để lại một vài điều đúng.

Parker Pearson nói: “Theo tôi, thật thú vị khi tin vào điều đó. Chúng tôi có thể vừa phát hiện cái mà Geoffrey gọi là ‘Vũ điệu của người khổng lồ’”.

Tuy nhiên, khám phá để lại một câu hỏi: Tại sao lại di chuyển vòng tròn đá?

Ramilisonina, một nhà khảo cổ học ở Madagascar, người đã làm việc với nhóm của Parker Pearson, tin rằng nó có liên quan đến vòng quay của sự sống và cái chết. Những cột đá Stonehenge, bền và chắc, có thể tượng trưng cho ký ức của tổ tiên đã khuất.

Còn những bí ẩn nào khác mà Stonehenge có thể nắm giữ? Theo Parker Pearson, chắc chắn có rất nhiều. Ước tính khoảng 80 khối đá xanh có thể được tìm thấy ở đồng bằng Salisbury, điều này khiến Parker Pearson suy đoán, không chỉ những khối đá của Waun Mawn được sử dụng để xây dựng Stonehenge, mà có thể còn ở những nơi khác nữa. Theo ông, còn nhiều thứ ở Preseli đang chờ phát hiện.

Stonehenge là một công trình tượng đài cự thạch ở gần Amesbury, thuộc hạt Wiltshire, cách thành phố lịch sử Salisbury (Anh) 13 km. Công trình này bao gồm các công sự bằng đất bao quanh một vòng đá, là một trong những địa điểm tiền sử nổi tiếng thế giới. Khu vực này và khu vực xung quanh đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1986.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/phat-hien-moi-ve-bai-da-co-stonehenge-ZJO4nVUMg.html