Phát hiện mới tại di chỉ Gò Cây Me

Ngày 27-6, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định và Viện Nghiên cứu kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã công bố kết quả khai quật khảo cổ phế tích tháp Chà Rây và di chỉ Gò Cây Me (trung tâm gốm Chămpa, tỉnh Bình Định).

Theo PGS-TS Lại Văn Tới (Viện Nghiên cứu kinh thành), ở đợt khai quật lần thứ 2 tại di chỉ sản xuất gốm Gò Cây Me (xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), đơn vị đã thu được 23.531 di vật (trong đó, 23.503 di vật gốm Việt, 28 di vật gốm Trung Quốc). Đồ gốm Gò Cây Me có niên đại từ cuối thế kỷ 14 - đầu thế kỷ 15, cho phép hình dung nơi đây từng là trung tâm sản xuất gốm Chămpa quy mô lớn, tính chất và chức năng đa dạng.

Trong khi đó, tại tháp Chà Rây (hay còn gọi là tháp Tráng Long, thôn Tráng Long, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn), đơn vị chức năng đã thu được 10.496 hiện vật, chủ yếu là gạch, ngói mang phong cách kiến trúc Bình Định, niên đại thế kỷ 12 - 13.

NGỌC OAI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phat-hien-moi-tai-di-chi-go-cay-me-529271.html