Phát hiện mới mở đường cho việc điều trị hội chứng COVID kéo dài

Lần đầu tiên, các nhà khoa học Australia đã xác định được các phân tử miễn dịch vẫn hoạt động 8 tháng sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 ở những người mắc hội chứng COVID kéo dài.

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới điều trị tại bệnh viện ở Melbourne, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới điều trị tại bệnh viện ở Melbourne, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một phát hiện mới của các nhà khoa học Australia đang mở ra hy vọng về các phương pháp điều trị phù hợp tình trạng suy nhược ở những người mắc hội chứng COVID kéo dài (long COVID).

Lần đầu tiên, các nhà khoa học Australia đã xác định được các phân tử miễn dịch vẫn hoạt động 8 tháng sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 ở những người mắc hội chứng COVID kéo dài.

Trước đó, các dấu ấn sinh học (biomarker) xuất hiện ở những người bị COVID kéo dài vẫn chưa được xác định, gây hoài nghi về cơ sở sinh học của tình trạng này.

Cụ thể, nhóm các nhà nghiên cứu và bác sỹ lâm sàng từ Viện Kirby của Đại học New South Wales và Bệnh viện St Vincent ở thành phố Sydney đã phát hiện ra “hồ sơ miễn dịch” của hội chứng COVID kéo dài.

Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu máu và huyết thanh từ một nhóm đông bệnh nhân đang được theo dõi tại bệnh viện St Vincent về hội chứng COVID kéo dài, đồng thời lấy mẫu từ các nhóm đối chứng.

Sau đó, họ đã phân tích 29 dấu ấn sinh học khác nhau được nghi ngờ là có thể được kích hoạt do mắc COVID-19 và xác định một số mẫu dấu ấn sinh học xuất hiện ở những người bị COVID kéo dài 8 tháng sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Giáo sư Gail Matthews, Giám đốc Khoa Bệnh truyền nhiễm tại St Vincent đồng thời trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết mẫu máu của những bệnh nhân này cho thấy dấu hiệu gia tăng sản xuất cytokine một cách bất thường, chứng tỏ mối quan ngại về COVID kéo dài là có cơ sở.

Giáo sư Matthews nói: “Nhiều người sống với COVID kéo dài đã cảm thấy mình chưa được quan tâm. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rõ là ở họ xảy ra những bất thường trong hệ thống miễn dịch, ít nhất có thể giải thích một số triệu chứng của họ."

Bác sỹ Chansavath Phetsouphanh của Viện Kirby cho biết các cytokine được xác định ở những người bị COVID kéo dài là interferon loại 1 và loại 3, gây ra các triệu chứng tồn tại lâu hơn nhiều so với các hội chứng hậu nhiễm virus khác.

Các bác sỹ hy vọng để điều trị COVID kéo dài, họ có thể sử dụng thuốc tác động tới các interferon nhằm điều chỉnh phản ứng miễn dịch.

Ước tính COVID kéo dài ảnh hưởng đến 10-20% những người đã bị nhiễm SARS-CoV-2, mặc dù việc tiêm chủng có thể làm giảm một nửa tỷ lệ này. Phụ nữ có nhiều khả năng bị hội chứng COVID kéo dài hơn nam giới.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Australia đã được công bố trên tạp chí Nature Immunology./.

Nguyễn Minh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/phat-hien-moi-mo-duong-cho-viec-dieu-tri-hoi-chung-covid-keo-dai/768304.vnp